Việc “nhất thể hóa” vị trí chủ chốt ở cấp cơ sở mới chỉ được thực hiện một cách dè dặt ở một số địa phương, dù Ban Chấp hành Trung ương đã cho phép thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh.
Vẫn dè dặt “nhất thể hóa”
Tiên phong trong việc này là tỉnh Quảng Ninh khi “nhất thể hóa” một loạt các chức danh từ cấp xã tới huyện, đồng thời sáp nhập một số phòng ban, đơn vị hành chính sự nghiệp.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác địnhQuảng Ninh thực hiện "nhất thể hóa" chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đối với huyện Cô Tô và Tiên Yên; Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện ở 9 huyện.
Cùng với đó là thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp huyện: Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở 12 địa phương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra ở 7 địa phương; Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở 3 địa phương; Chánh văn phòng Huyện ủy và Chánh Văn phòng HĐND và UBND ở H.Tiên Yên;và Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Phó chủ tịch HĐND ở đảo Cô Tô.
Không riêng Quảng Ninh, một số địa phương như Thái Bình, Lào Cai, Hà Giang… cũng đã bắt đầu tiến hành việc sáp nhập bộ máy. Ví dụ như ở Hà Giang, hợp nhất Sở Nội vụ của UBND tỉnh với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thành Ban Tổ chức- Nội vụ tỉnh; hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh…
Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH), Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tại 10 tỉnh.
Tín hiệu từ các địa phương thí điểm “nhất thế hóa” đều rất khả quan. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Tiến Lập lại cho rằngtừ cả góc độ chính trị lẫn pháp luật, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương là hai thực thể hoàn toàn khác nhau.
Do đó, không thể lấy mô hình trung ương để áp đặt cho địa phương. Trung ương là quốc gia, luôn luôn phải có sự tập trung và thống nhất quyền lực. Trong khi đó địa phương là cơ cấu vùng miền mà ở đó sự khác biệt mới là đặc tính cần được thừa nhận và tôn trọng.
“Nhất thể hóa” do thôi thúc từ bộ máy cồng kềnh?
Luật sư Lập băn khoăn: “Tôi e rằng khi tính đến phương án “nhất thể hóa”, chúng ta dường như bị thôi thúc trực tiếp và nhiều hơn từ tình trạng cồng kềnh, kém linh hoạt và chi phí ngân sách của bộ máy”.
Tuy nhiên, ông Lập cho rằngcâu chuyện “biên chế và bộ máy” lại là vấn đề riêng có tính độc lập. “Không nhất thiết bộ máy đảng phải song trùng với bộ máy chính quyền, một khi xác định rằng Đảng chỉ lãnh đạo về chính trị hay “con đường chính trị” như thuật ngữ dùng trong Hiến pháp năm 1946, mà không tham gia chỉ đạo cụ thể từng kế hoạch hay dự án kinh tế”.
Do đó, vấn đề mấu chốt là phân định rõ sự khác nhau trong chức năng của từng cơ cấu trong hệ thống.
“Tôi cho rằng sự tồn tại của cơ cấu đảng tách biệt ở địa phương là cần thiết vì chức năng kiểm soát và giám sát của nó, cho dù đôi khi nó chỉ phát huy vai trò của cái phanh hãm đối với các chương trình và kế hoạch trong điều hành do chính quyền đề xuất”, ông Lập nói.
Luật sư này cũng cho rằng nếu chức năng này của tổ chức đảng được vận hành đúng sẽ phục vụ cho sự cân đối và hài hòagiữa lợi ích địa phương theo vùng miền và lợi ích quốc gia.
Lý do là cơ quan đảng ở địa phương phải phục tùng các đường lối và chỉ đạo chặt chẽ từ trung ương theo hệ thống đảng, trong khi chính quyền địa phương chỉ phải tuân thủ các luật chung do Quốc hội ban hành.
“Do đó, nếu sáp nhập toàn bộ hay cơ bản hai hệ thống ở cấp địa phương, tức loại bỏ cái hệ thống song trùng từng được xây dựng trên nền tảng lý thuyết trước đây để đi theo cái hợp lý của tình thế, tôi e rằng cái chúng ta thấy trong tương lai sẽ là tình trạng hoặc trì trệ thái quá do cái “phanh” bó quá chặt, hoặc là phát triển năng động nhưng quá nóng và hỗn loạn do cái “phanh” bị buông lỏng hay thậm chí không “phanh””, ông Lập nói.
Đương nhiên, hai hệ quả trên sẽ tùythuộc và tương ứng với hai tình huống khác nhau, được diễn nôm là chính quyền sáp nhập vào Đảng hay Đảng sáp nhập vào chính quyền.
Kiểm soát quyền lực thế nào?
Hiện nay, việc kiểm soát quyền lực của bí thư cấp ủy thường trao cho ban chấp hành, thông qua quy chế làm việc của ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy. Tuy nhiên, do bí thư là người đứng đầu cấp ủy nên việc thực hiện quy chế đó như thế nào phần lớn phụ thuộc vào người bí thư.
Còn ủy ban kiểm tra lại do cấp ủy cùng cấp bầu ra nên trong thực tế không đủ vị thế và tính độc lập để thực thi nhiệm vụ giám sát, kiểm soát quyền lực đối với bí thư cấp ủy. Do đó, không ít ý kiến cho rằng các công cụ kiểm soát quyền lực nêu trên đối với bí thư cấp ủy hiện nay ít hiệu lực.
Bình luận về điều này, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng quy định về kiểm soát quyền lực đối với bí thư thông qua cấp ủyvà ủy ban kiểm tra là có và đúng. Tuy nhiên, có thể nó đã không được tôn trọng trong trường hợp cá nhân bí thư quá mạnh và lạm quyền.
“Quyền lực xuất phát từ con người và do con người thực hiện. Nếu những con người có liên quan không có ý định tuân thủ quy định hay nguyên tắc thì các quy định và nguyên tắc ấy còn có ý nghĩa gì?”, ông Lập nói.
Ông Lập cho rằng nếu chỉ cố gắng kiểm soát quyền lực trong nội bộ mà thiếu sự tham gia của người dân và xã hội thì việc kiểm soát sẽ thiếu tính khả thi về lâu dài, hoặc dẫn đến việc tập trung quyền lực tuyệt đối.
“Nguồn gốc mọi quyền lực là ở nhân dân. Chính họ phải được trực tiếp tham gia giám sát vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, các quyền này được quy định nhưng lại không gắn với cơ chế và công cụ thực thi”, ông Lập nói.
Trong một khía cạnh khác, ông Lập nóinhiều người vẫn cho rằng phải có tam quyền phân lậphay đa đảng thìmới kiểm soát được quyền lực. Tuy nhiên, hiện nay chỉ cần phát huy các cơ chế, công cụ để đề cao tính gương mẫu, đạo đức, công khai hóathông tin và giải trình minh bạch về pháp lý trước người dân thì việc kiểm soát quyền lực đã hiệu quảhơn rất nhiều.
Mặt khác, luật sư Lập cũng nóitrong thực thi quyền lực, cái cơ chế đồng thuận (consensus) vốn là truyền thống tốt đẹp bao năm qua nhằm bảo đảm đoàn kết nội bộ có lẽ không còn thích hợp ở thời đại ngày nay.
Lỗi không phải ở bản thân cơ chế này mà vì cuộc sống đã thay đổi theo nhiều khía cạnh và sự thay đổi đó đang hằng ngày, hằng giờ chi phối việc nắm giữ và thực thi quyền lực.
“Giả sử rằng có một quyết định có đồng thuận cao khi ban hành, nhưng hoặc do bị chậm nên mất tính kịp thời, phải chiếu cố quá nhiều quan điểm khác biệt nên không còn “bản sắc”, hoặc thậm chí sau đó bị tác động làm méo mó đi bởi các nhân tố thực tiễn trong quá trình thực hiện, nên cuối cùng chẳng còn mang lại ý nghĩa gì cả”, ông Lập nói.
Do đó, tập trung quyền lực ở mức độ hợp lý có thể coi là một giải pháp để vừa có thể ban hành các quyết định nhanh chóng và kịp thời, nhưng cũng đồng thời để sửa nó, nếu sai, một cách nhanh chóng và kịp thời.
Trí Lâm