Sau thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng vì dịch COVID-19, ngành hàng không được kỳ vọng sẽ bật dậy, thoát lỗ trong năm 2022.
Kỳ vọng bật dậy lấy đà tăng trưởng
Trước tác động của dịch COVID-19, ngành hàng không Việt Nam đã phải trải qua thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Như Một Thế Giới có bài viết trước đó "Hàng không Việt: Nơi báo lãi trăm tỉ, chỗ báo lỗ cả nghìn tỉ đồng", sau hai năm hoạt động cầm chừng, các hãng bay gần như đã cạn kiệt dòng tiền, có hãng lỗ đến hàng chục nghìn tỉ, số nợ cũng vì vậy mà tăng theo. Vì vậy, giải pháp và động lực để ngành hàng không thoát lỗ và bật dậy là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Ngành hàng không đang ghi nhận những dấu hiệu phục hồi dần dần nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với các quy định phòng, chống dịch COVID-19 được nới lỏng. Đặc biệt, Việt Nam đã chính thức mở lại các đường bay thương mại quốc tế từ 15.2 để phục hồi giao thương, du lịch và mở cửa du lịch từ 15.3, mọi hoạt động được trở lại bình thường như trước khi có dịch xảy ra. Đây chính là những động lực thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Nắm bắt được những cơ hội này, các hãng hàng không trong nước đã liên tục mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay mùa Đông năm 2019, thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Cụ thể, các đường bay quốc tế Việt Nam đã mở lại đi đến các quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Australia, Nga và Mỹ. Còn 8 địa bàn chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macau, Phần Lan, Italy, Thụy Sỹ.
Tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày, trong khi tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa Đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày.
Đối với vận tải nội địa, hiện nay có 6 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và VASCO) khai thác 56 đường bay nội địa, với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều (tương đương 367 chuyến/chiều/ngày), giảm tương ứng 2 đường bay và giảm 217 chuyến/tuần/chiều (tương đương với 31 chuyến bay/chiều/ngày) so với lịch bay mùa Đông năm 2019.
Trong thời gian tới, vận tải hàng không sẽ tiếp tục duy trì và tăng tần suất đối với các tuyến bay nội địa, từng bước khôi phục và tiếp tục mở lại hoạt động bình thường đối với các đường bay quốc tế.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, từ ngày 27.3 đã khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, hãng đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống, ngoại trừ Trung Quốc do chính sách mở cửa và Myanmar do bất ổn chính trị.
Hãng cũng dự kiến sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Singapore, 2 đường bay mới tới Ấn Độ từ tháng 4 cũng như khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7 và tiếp tục nghiên cứu mở thêm đường bay tới Philippines trong thời gian tới.
Đồng hành cùng du lịch
Theo kịch bản khả thi nhất của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cho năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đạt 42 - 43 triệu lượt khách, tương đương hơn một nửa thời điểm trước dịch năm 2019.
Một trong những cú hích về chính sách đối với ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng chính là việc Chính phủ mở cửa hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới bằng đường bộ, đường biển đến đường không từ ngày 15.3. Có thể nói, khi du lịch phục hồi và phát triển thì "bức tranh tài chính" của ngành hàng không cũng sẽ sáng rực rỡ hơn.
Dữ liệu từ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm khách quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí có thời điểm tăng đến 425%, thời điểm ngày 3.2.2022 tăng 374% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Anh, Canada là những nước có lượng tìm kiếm thông tin du lịch về Việt Nam nhiều nhất. Có thể thấy, khách quốc tế đang rất quan tâm đến các điểm đến ở Việt Nam.
Ngành du lịch và hàng không hiện đang tăng cường liên minh, hợp tác nhằm hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch kiểu mới, vừa thu hút khách du lịch trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, vừa hỗ trợ hai ngành cùng phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Ví dụ, hai ngành có thể xây dựng và mở bán theo gói để đa dạng hóa sản phẩm và nguồn doanh thu. Các khách sạn, lữ hành, hàng không có thể cùng kết hợp bán gói cho gia đình kèm theo phòng nghỉ cao cấp là dịch vụ xe đưa đón và giảm giá dịch vụ ăn uống, cung cấp trọn gói dịch vụ từ vé máy bay, vé tàu, xe bus đến phòng nghỉ.
Ngoài ra, hai bên cũng có thể giới thiệu những sản phẩm dịch vụ thích ứng với nhu cầu mới của khách hàng, hướng đến xây dựng điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, xanh và sạch. Dịch bệnh đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và hành vi của khách hàng, mọi người sẽ chú trọng đến những nơi đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh, bảo hiểm du lịch, hạn chế tiếp xúc đông người.
Hãng bay sẵn sàng bật dậy nhất có thể
Ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho biết hãng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội phối hợp cùng ngành du lịch khôi phục hoạt động ngay khi điều kiện cho phép. Hiện tại, bên cạnh việc tăng cường mở lại các đường bay trong và ngoài nước, Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu các dịch vụ mới như: nhận thẻ lên máy bay tại nhà, tự quẹt thẻ lên máy bay, gửi hành lý trước khi lên sân bay và gửi về nhà sau chuyến bay… đồng thời ứng dụng công nghệ chuyển đối số vào công tác quản lý tiêu chuẩn phòng, chống dịch để xây dựng quy trình trải nghiệm dịch vụ "không điểm chạm", giúp rút ngắn thời gian, giảm thiểu tiếp xúc cho hành khách
Đại diện Vietnam Airlines đánh giá, vận tải hàng hóa đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, một phần nhờ sự phát triển của thương mại điện tử. Hãng hiện đang xây dựng và hoàn thiện đề án hãng hàng không vận chuyển hàng hóa ngay sau dịch bệnh.
Vietnam Airlines dù chưa thoát lỗ nhưng tình hình kinh doanh đã tốt lên so với trước đó, mức lỗ giảm mạnh so kế hoạch báo cáo Đại hội cổ đông (giảm 1.300 tỉ đồng) nhờ doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh tái cơ cấu, phát hành cổ phiếu tăng vốn.
"Hiện hãng vẫn đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện và chuẩn bị lực lượng, nguồn lực tốt nhất có thể để đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển" đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Có khách, toàn bộ hệ thống dịch vụ của ngành sẽ được kích hoạt trở lại. Đại diện Hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết, khi các đường bay quốc tế được khôi phục, Vietravel Airlines đã chủ động bổ sung nguồn lực bằng việc tuyển dụng và đào tạo một loạt vị trí để phục vụ cho kế hoạch mở rộng đội bay lên 6 chiếc và khai thác thêm nhiều đường bay quốc tế mới đến Đông Bắc Á, Đông Nam Á từ quý 2/2022.
Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet Air cho biết đã đón tàu bay thân rộng A330 đầu tiên gia nhập đội tàu bay nhằm hiện thực hoá kế hoạch triển khai đội máy bay thân rộng theo mô hình hàng không chi phí thấp của hãng.
Còn Bamboo Airways, mặc dù doanh nghiệp đang trải qua thời điểm khó khăn khi lãnh đạo là ông Trinh Văn Quyết bị bắt và hãng đã phải thay đổi Chủ tịch mới và bị cơ quan quản lý giám sát hoạt động tài chính từ 3-6 tháng. Theo đó, thách thức cũng nhân lên với hãng bay này trong năm nay.
Tuy nhiên, Bamboo Airways cũng dự kiến mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường trong năm 2022 để đáp ứng tối đa nhu cầu di chuyển của khách hàng trong và ngoài nước.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giới chuyên gia cho rằng việc khôi phục, củng cố "sức khỏe tài chính" và năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không là hết sức cần thiết và tiếp tục cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành.