Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số doanh nghiệp trực thuộc, kiến nghị xử lý gần 15.000 tỉ đồng sai phạm.
Thanh tra Chính phủ mới đây đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30.6.2015. Tổng số tiền thanh tra phát hiện có sai phạm, cần kiến nghị xử lý lên tới hơn14.882,4 tỉ đồng, cùng gần 6,7 triệu mét vuôngnhà, đất...
Đầu tư thua lỗ, mất vốn...
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản..., kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc TKV đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền… Hậu quả là một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn.
Cụ thể, Công ty liên doanh Công nghiệp kẽm Việt Thái lỗ trên 297 triệu đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH một thành viênKim loại màu Thái Nguyên 24,6 tỉ đồng; xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền, dẫn đến Công ty TNHH Kim loại màu Thái Nguyên phải có trách nhiệm xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng Eximbank Thái Lan cả gốc và lãi trên 13.785.678 USD.
Tại Công ty cổ phầnCrommit Cổ Định (Thanh Hóa), TKV quyết định, thực hiện đầu tư gần 437 tỉđồng khi chưa đủ điều kiện cần thiết, chưa được gia hạn giấy phép khai thác quặng, lỗ lũykế đến ngày 30.6.2015 là 113,5 tỉ đồng. Ngoài ra, việc góp trên 870 tỉ đồng tại Công ty cổ phầnSắt Thạch Khê thiếu sự khảo sát, tính toán về các điều kiện cần thiết và hiệu quả đầu tư, dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, gây lãng phí.
Một số khoản đầu tư ra nước ngoài không được TKV thực hiện điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định dẫn tới lỗ, mất vốn trên 380,8 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc TKV chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đầu tư, quyết định chủ trương góp vốn cổ phần, sử dụng nguồn vốn không đúng quy định để đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, dẫn đến không có hiệu quả, nguy cơ mất vốn như: Đầu tư 76,45 tỉ đồng tại Công ty cổ phầnVận tải thủy - Vinacomin, lỗ lũykế 140,32 tỉ đồng, mất hết vốn đầu tư của các cổ đông, tổng nợ phải trả 446,48 tỉ đồng, không còn khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; Công ty cổ phầnĐóng tàu Sông Ninh nợ TKV không có khả năng thu hồi 52,58 tỉ đồng; Công ty cổ phầnĐầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà mất vốn 47,87 tỉ đồng.
Về quản lý sản xuất kinh doanh và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc TKV ban hành các cơ chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế và quy định. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, TKV và các đơn vị thành viên chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, phát sinh nhiều chi phí bất hợp lý, tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận, thất thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Tổng giám đốc TKV và các doanh nghiệp (Công ty cổ phầnXi măng Hữu Nghị- Phú Thọ, Công ty cổ phầnXi măng Hà Giang và Công ty cổ phầnBình Nguyên- Đắk Nông) đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng kinh tế về điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến bị chiếm dụng vốn, không có khả năng thu hồi, phát sinh nợ khó đòi, nguy cơ mất vốn với giá trị trên 30 tỉ đồng.
TKV thu phí sử dụng thương hiệu Vinacomin đối với các đơn vị cổ phần có vốn góp chi phối bất hợp lý trong năm 2013 và năm 2015 trên 141 tỉ đồng; điều chỉnh tăng sai chi phí do khuyến khích sản lượng và chất lượng không được thỏathuận trong hợp đồng phối hợp kinh doanh từ năm 2010-2014 làm tăng doanh thu bất hợp lý cho các công ty cổ phần 124 tỉ đồng; điều chỉnh doanh thu cho các công ty sản xuất than theo chênh lệch tỷlệ AK (độ tro) làm tăng giá than mua tại các công ty (Tuyển than Hòn Gai, Cửa Ông, Kho vận và Cảng Cẩm Phả,Kho vận Hòn Gai) trên 410 tỉ đồng; giá trị than do chênh lệch tỷ lệ AK giữa cách tính theo quy định của TKV và thực tế thu hồi được tại các đơn vị sàng, tuyển trị giá gần 1.834 tỉ đồng.
Ngoài ra TKV còn đưa ra các quy chế, thực hiện hợp đồng phối hợp kinh doanh chưa phù hợp với thực tế của cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; thiếu tính cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài TKV, giảm tính chủ động sáng tạo; khép kín hầu hết các công đoạn sản xuất, kinh doanh, dễ phát sinh cơ chế xin cho, tiêu cực như việc thực hiện cơ chế mua sắm máy móc, thiết bị, làm tăng giá thành sản xuất than trên 172 tỉ đồng.
TKV đã và đang thực hiện tính toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng vận chuyển đá, đá nổ mìn thiếu cơ sở pháp lý, làm tăng đơn giá, chi phí đối với khối lượng vận chuyển đất đá tại các mỏ khai thác lộ thiên 4.597 tỉ đồng; nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuế ngoài vận chuyển đất đá tại 2 công ty than (Đèo Nai và Cao Sơn) vi phạm quy định về sử dụng đăng kiểm tải trọng xe, với tổng giá trị 347,6 tỉ đồng.
TKV và các đơn vị thành viên cũng kê khai giá tính thuế tài nguyên, hạch toán chi phí không đúng quy định, dẫn đến phải truy thu thuế do chênh lệch giá TKV bán ra trên thị trường và giá tính thuế đang áp dụng trên 1.499 tỉ đồng; chênh lệch giữa tổng số lượng than cục thu hồi thực tế sau sàng tuyển cao hơn số than quy sạch trước đó 56,3 tỉ đồng; chênh lệch phẩm cấp than (AK) trước và sau tuyển 91,7 tỉ đồng và do điều chỉnh chênh lệch tỷ giá ngoại tệ trên 92 tỉ đồng.
Đối với công tác giám định mua bán than của TKV, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm. Công tác này tại một số đơn vị được Công ty cổ phần Giám định (Quacontrol) xác nhận kết quả giám định khối lượng nhưng không trực tiếp tham gia kiểm tra theo từng chuyến thăm được giao, trong khi đây là căn cứ rất quan trọng để xác định giá bán. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện không nghiêm nên kết quả xác định, điều chỉnh giá mua bán thiếu chính xác, chất lượng và số sản phẩm than thu hồi được sau tuyển chọn có sự chênh lệch lớn so với trước đó.
Thanh tra lấy ví dụ, tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, từ năm 2010 đến tháng 6.2015 đã thu hồi được số lượng than cục sau sàng tuyển cao hơn nhiều so với sản lượng trên cơ sở xác nhận của Qualcotrol để thanh toán cho các đơn vị khai thác mỏ là 1,64 triệu tấn. Theo đó, chênh lệch than thu hồi và phế phẩm thải loại trước và sau sàng tuyển với tổng giá trị 1.833 tỉ đồng.
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc
Với kết quả thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của Thanh tra Chính phủ, xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như việc Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc TKV và Tổng công ty TKV (trước năm 2005) đã quyết định chủ trương và quản lý đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý, thiếu thực tiễn, vi phạm quy định, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vượt thẩm quyền dẫn đến thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn như tại Công ty Southerm Mining lãng phí, mất vốn hơn 77 tỉ đồng... , và đầu tư ra nước ngoài thua lỗ, mất vốn hơn 300 tỉ đồng...
Về khắc phục hậu quả, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền gần 15.000 tỉ đồng và 6,7 triệu mét vuôngnhà đất. Trong đó, TKV chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền 4.564 tỉ đồng; Bộ Công Thương chủ trì, xử lý xem xét theo thẩm quyền hơn 8.320 tỉ đồng; Bộ Tài chính chủ trì, xử lý xem xét theo thẩm quyền hơn 123,96 tỉ đồng.
Bên cạnh việc cần xử lý trách nhiệm lãnh đạo TKV và doanh nghiệp trực thuộc, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an xem xét, chỉ đạo và thực hiện xử lý trách nhiệm đối với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.
Trên cơ sở kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có những ý kiến về các kết luận thanh tra.
Tuyết Nhung