Bộ Thương mại Algeria vừa đưa ra danh sách 851 sản phẩm tạm ngừng nhập khẩu kể từ tháng 1.2018 nhằm giảm thâm hụt thương mại và thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm trong nước.
Thông tin từ Bộ Công Thương vừa phát đi cho biết Bộ trưởng Thương mại Algeria - Mohamed Benmerradi đã thông báo sẽ có danh mục gần 900 mặt hàng phải tạm ngừng nhập khẩu ngay từ tháng 1.2018 trong khuôn khổ các biện pháp quản lý ngoại thương. Thậm chí, Thủ tướng Ahmed Ouyahia còn cho biết danh sách nói trên sẽ được mở rộng lên đến 1.000 sản phẩm.
Theo Bộ Thương mại Algeria, việc ngừng nhập khẩu này sẽ giúp tiết kiệm được 1,5 tỉ USD. Chính phủ Algeria đặt mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ giảm tổng giá trị nhập khẩu xuống còn 30 tỉ USD. Hóa đơn nhập khẩu của Algeria đã giảm từ 46,7 tỉ USD năm 2016 xuống còn 45 tỉ USD năm 2017.
Trong số những mặt hàng tạm ngừng nhập khẩu có trái cây khô, pho mát thành phẩm, trái cây tươi (trừ chuối), rau tươi (trừ tỏi), thịt (trừ thịt bò), cá ngừ...
Trong danh sách tạm ngừng nhập khẩu còn có những mặt hàng sử dụng trong nhà và vật liệu xây dựng như xi măng, chất tẩy, đồ nhựa thành phẩm...Tóm lại, đó là tất cả những sản phẩm có thể sản xuất hoặc chế biến dễ dàng tại Algeria.
Chính phủ Algeria giải thích việc áp dụng biện pháp trên là do kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này quá lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ nội địa ở mức 30% đối với 10 nhóm hàng thành phẩm cũng như tăng thuế hải quan có thể lên tới 60% đối với 32 nhóm hàng thành phẩm khác.
Ông Mohamed Benmerradi cho biết, năm 2018, Algeria sẽ bãi bỏ hệ thống giấy phép nhập khẩu sau hai năm áp dụng đối với 21 sản phẩm vì "không những cho thấy những hạn chế mà còn là một hệ thống quan liêu, thiếu minh bạch, chưa kể đôi khi tạo ra những vấn đề về cung ứng hàng hóa". Chỉ có xe du lịch hoặc xe bus mới tiếp tục bị chi phối bởi giấy phép nhập khẩu.
Ngoài ra, Chính phủ Algeria cũng đã mở rộng số lượng các mặt hàng chịu giấy phép nhập khẩu từ 3 mặt hàng là xe hơi, xi măng và sắt tròn năm 2016 lên 21 loại mặt hàng năm 2017 trong đó có đồ điện gia dụng, điện thoại di động, mỹ phẩm...Về mặt thanh toán, mọi giao dịch xuất nhập khẩu đều bắt buộc phải thông qua ngân hàng.
Từ đầu năm 2017, Ngân hàng trung ương Algeria đã yêu cầu các ngân hàng thương mại nước này không cho thanh toán việc nhập khẩu trái cây có múi và rau tươi. Ngoài việc phải thực hiện tại các ngân hàng thương mại, đối với mọi hoạt động nhập khẩu hàng hóa để bán lại nguyên trạng, doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký trước với ngân hàng một khoản dự phòng bằng 120% tổng giá trị hàng nhập khẩu với thời gian ít nhất là 30 ngày trước khi hàng được gửi đến Algeria.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 264 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 47.350 tấn, kim ngạch 103,2 triệu USD, giảm 20% về lượng và 1% về giá trị; điện thoại di động chỉ đạt 62 triệu USD, giảm 14%; xuất khẩu gạo đạt 39.926 tấn, kim ngạch 15,74 triệu USD, tăng 59% về lượng và tăng 63% về giá trị. Về nhập khẩu, năm 2017, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này ước đạt 6 triệu USD.
Kể từ khi Chính phủ Algeria siết chặt các biện pháp nhập khẩu như ban hành giấy phép đối với 21 mặt hàng kể từ tháng 6.2017 (trong đó có điện thoại di động), cấm nhập khẩu đối với gạch men các loại và gỗ, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này bắt đầu giảm sút. Trong 3 tháng gần đây (là tháng 8, 9 và 10), Việt Nam không xuất được điện thoại di động và linh kiện sang Algeria. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang Algeria trong tháng 11.2017 chỉ đạt 12,63 triệu USD, giảm rất mạnh so với 38,8 triệu USD vào tháng 5.2017 và 36,5 triệu USD vào tháng 6.2017.
Với chính sách thương mại mới của Algeria sẽ áp dụng từ năm 2018, dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ tiếp tục gặp khó khăn không chỉ đối với điện thoại mà còn liên quan đến những mặt hàng khác như bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng rau quả, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm sắt thép, gốm sứ, đá xây dựng...
Tuyết Nhung