Đặc biệt, nhằm giúp đỡ "Maxwell", một nickname tên "Johan Trần" đã viết hẳn một sườn bài cho anh, trong trường hợp phải gửi bài về:
Đề: Đồng tính là một căn bệnh xã hội mới bùng phát hiện nay, một số bạn trẻ xem đây là mốt thời thượng đua nhau chạy theo. Bản thân em có cảm nhận gì về căn bệnh xã hội này.
I.Mở bài
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng trăn trở: “Cuộc đời thì đa sự, con người thì đa đoan”. Con người là một thực thể phức tạp với nhiều uẩn khúc tâm hồn, để hiểu được con người thì chưa bao giờ là điều giản đơn, đòi hỏi mỗi chúng ta phải luôn khách quan, công tâm, và khoa học. Khái niệm đồng tính còn mới mẻ trong xã hội ta, nhưng điều đó không có nghĩa trước đây ta chưa từng có người đồng tính, có nhiều bằng chứng về lịch sử, văn hóa, xã hội đã chứng minh người đồng tính luôn tồn tại trong lịch sử nhân loại, tuy là nhóm thiểu số nhưng hoàn toàn hợp tự nhiên. Cho nên, theo tôi, nhận định: “Đồng tính là một căn bệnh xã hội mới bùng phát hiện nay, một số bạn trẻ xem đây là mốt thời thượng đua nhau chạy theo.” là một nhận định phiến diện, chưa phản ánh được khách quan và nhân văn về người đồng tính.
II. Thân bài
a.Giải thích
+Đồng tính: Đồng tính luyến ái, hay đồng tính là thuật ngữ chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu, tình dục hoặc việc yêu đương hayquan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Đồng tính luyến ái cũng chỉ nhận thực của cá nhân dựa trên những hấp dẫn đó và sự tham gia vào một cộng đồng có chung điều này.[1][2] Gay (từ tiếng Anh) chỉ đồng tính nam, lesbian (đọc ngắn là les) là chỉ đồng tính nữ. (nguồn: wikipedia)
+ Căn bệnh xã hội: Thuật ngữ chung chỉ những bệnh có ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội, do tỉ lệ mắc bệnh cao ở một vùng hoặc trong phạm vi cả nước, có tính chất lây lan, có tỉ lệ tử vong cao, ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội do bệnh nhân mất khả năng lao động tạm thời hay vĩnh viễn (vd. bệnh phong, sốt rét, bệnh hoa liễu, bướu cổ, lao, mắt hột, tâm thần, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải,...). Với sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao, nâng cao dân trí, tổ chức y tế chăm sóc sức khoẻ tốt... có thể khống chế và thanh toán được một số bệnh xã hội. (nguồn: http://webtamsu.com/Home/benhxahoi/k...oi-la-gi-.html)
Nói “đồng tính là một căn bệnh xã hội” là không chính xác, vì đồng tính không phải là bệnh:
+ năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ không còn xem đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần nữa. Năm 1990, WHO (Tổ chức Sức khỏe Thế giới) đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các căn bệnh của loài người. Theo những tổ chức này, đồng tính không phải là một căn bệnh mà là một xu hướng tính dục mang tính tự nhiên (cùng với song tính luyến ái và dị tính luyến ái).
+ Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, đồng tính luyến ái là một ví dụ của một biến thể tự nhiên và bình thường ở tình dục loại người và không phải là nguồn gốc của những xúc động tâm lý tiêu cực. Và không có đầy đủ bằng chứng để chứng minh rằng việc sử dụng những biện pháp can thiệp tâm lý có thể thay đổi được thiên hướng tình dục.
+ Từ giữa thế kỷ 20, đồng tính dần dần không còn bị xem là một căn bệnh và phạm pháp ở hầu hết các nước phát triển. Tính đến năm 2012, đã có 11 quốc gia chấp nhận hôn nhân đồng tính, 21 quốc gia khác chấp nhận đồng tính chung sống dưới hình thức kết hợp dân sự, cùng với đó là một số tiểu bang ở Mỹ, Úc và Mexico.
b.Bàn luận – chứng minh
b.1 Đồng tính không phải là một căn bệnh xã hội, đó là một hiện tượng rất tự nhiên.
B.1.1 Chứng cứ lịch sử - văn học:
-Đồng tính đã ghi dấu trong văn học từ thời rất xa xưa, trong thần thoại, thể loại văn học ở thuở bình minh của loài người. Có thể kể đến thần thoại thần Zeus và Ganymede, nguyên mẫu của chòm sao Bảo Bình. THần thoại là cách người nguyên thủy nhận thức thế giới khách quan, với việc xây dựng nhân vật vị thần Zeus tối cao uy quyền và những mối tình đồng giới của mình, chắc chắn người xưa không hề có ý miệt thị hay khinh miệt, và trong quan niệm của người xưa về một vị thần bất tử, thì làm sao thân lại có thể “mắc bệnh”?
-Trong lịch sử thế giới cũng có rất nhiều các mối tình đồng tính nổi tiếng
b.1.2 Chứng cứ xã hội
-Trong xã hội hiện đại người đồng tính có mặt trong rất nhiều lĩnh vực và đóng góp tích cực cho nhân loại, cho xã hội:
+Chính trị - Xã hội: Harvey Milk, John Addams
+Ngoài ra còn các lĩnh vực khác: Nghệ thuật, thể thao, giáo dục...
Không chỉ người đồng tính, mà những thành viên khác trong LGBT cũng đóng góp rất tích cực cho xã hội, ở Việt Nam có thể kể đến trường hợp cô giáo Quỳnh Trâm với lớp học miễn phí đã chắp cánh ước mơ đại học cho rất nhiều bạn trẻ không có điều kiện.
Đồng tính không ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, người đồng tính vẫn có thể sống là chính mình và cống hiến trong cộng đồng, vẫn có thể sống có ích và kiến tạo các giá trị vật chất và tinh thần trong cuộc đời, vẫn có thể tạo được những ảnh hưởng tích cực và sâu rộng đến nhân loại, vậy đồng tính nói riêng và LGBT nói chung có thể là bệnh sao?
Cả chứng cứ khoa học, lịch sử, văn học, xã hội đều đi ngược lại với luận đề “Đề: Đồng tính là một căn bệnh xã hội mới bùng phát hiện nay, một số bạn trẻ xem đây là mốt thời thượng đua nhau chạy theo. Bản thân em có cảm nhận gì về căn bệnh xã hội này.”
b.2 Đồng tính không phải là một thứ mốt để các bạn trẻ chạy theo.
-Người đồng tính phải chịu sự kì thị của xã hội, rất nhiều bạn trẻ vì công khai đồng tính mà bị cha mẹ đánh đập, bị người thân ruồng bỏ, có người mất việc Thử hỏi rằng bất kì ai trong chúng ta liệu có muốn theo một thứ mốt để cho mình bất hạnh hơn?
-Bản chất của vấn đề là, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và các thông tin khoa học chính xác, nhờ sự trợ giúp của các tổ chức xã hội với các nhà khoa học uy tín, ngày nay các bạn trẻ đồng tính nói riêng và LGBT nói chung đã dám sống thật và dám thừa nhận bản thân mình. Họ, hằng ngày, vẫn đang nỗ lực không ngừng để khẳng định bản thân, không ngừng cống hiến.
c. Giải pháp – liên hệ bản thân
-Như vậy, theo ý kiến của tôi, những gì cần làm là tìm và hiểu, để có được cái nhìn khách quan và nhân ái hơn với những người đồng tính. Chẳng phải, nhà văn Nam Cao đã từng nói hay sao: "Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...”. Hãy đọc những lá thư tuyệt mệnh của những bạn trẻ đồng tính bị gia đình ruồng bỏ phải quyên sinh. Hãy đọc những lá thư đầy nước mắt của những người mẹ gửi cho những đứa con đồng tính của mình, động viên chúng cứng cỏi trước cuộc đời, để sống trưởng thành. Hãy nhìn vào những bạn trẻ đồng tính vẫn ngày ngày cố gắng rèn luyện, cống hiến cho xã hội, theo đuổi ước mơ và lý tưởng. Hãy nhìn vào phần sáng của vấn đề và khách quan trước những mảng tối, hãy mở rộng tấm lòng, bởi, việc hiểu một con người không bao giờ là dễ dàng.
-Bản thân tôi, tôi nhận ra rằng trước một vấn đề, việc tìm hiểu kĩ tri thức khoa học để có cái nhìn khách quan và chuẩn xác là rất cần thiết. Và trong cách đối xử với những người xung quanh, tôi nhận thấy chúng ta cần biết bao dung, và nhân hậu. Từ bài học này, tôi tự nhủ mình cần trau dồi tri thức nhiều hơn nữa, vì chân trời tri thức bao la vô tận, và chỉ có tri thức, ta mới có thể bao dung hơn, nhân hậu hơn, sống người hơn.
III. Kết bài
Martin Lutherking trong bài diễn văn nổi tiếng của mình, đã bày tỏ: Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da, mà bởi tính cách của chúng. Và có lẽ ước mơ này cũng đúng với trường hợp của người đồng tính, đó là ước mơ về một thế giới mà con người không bị đánh giá bởi xu hướng tính dục của họ, mà bởi chính nhân cách và nỗ lực của họ. Đồng tính không phải là bệnh xã hội. Đồng tính càng không phải là một thứ mốt. Họ, những người đồng tính, chỉ đơn giản là những con người bình thường mưu cầu hạnh phúc chính đáng như bất kì con người nào sinh ra trên thế gian này mà thôi.
“Con người sinh ra là để hạnh phúc, như chim trời sinh ra là để cất cánh bay cao”
(Karalenco)