Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa công bố, một nội dung được nhiều người quan tâm là đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7 và điều chỉnh ngày nghỉ Tết Âm lịch.

Đề xuất bổ sung thêm dịp nghỉ lễ và điều chỉnh rút gọn kỳ nghỉ Tết Âm lịch

soha | 29/04/2019, 12:42

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa công bố, một nội dung được nhiều người quan tâm là đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7 và điều chỉnh ngày nghỉ Tết Âm lịch.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, theo đó dự thảo đề xuất bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ. Đặc biệt, dự thảo cũng đưa ra phương án dịp nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 5 ngày sẽ không được nghỉ bù nếu trùng vào ngày nghỉ cuối tuần.

Bổ sung 1 ngày nghỉ lễ

Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27.7 làm ngày nghỉ lễ để nhân dân có một ngày được nghỉ làm việc thực hiện những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước. Ban soạn thảo cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ để tri ân người có công (vào ngày 27.7 dương lịch) là phù hợp vì từ năm 1947, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn ngày kỷ niệm Thương binh, liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sỹ, ngày 27.7 hàng năm được Trung ương lựa chọn làm ngày Thương binh, liệt sĩ.

Liên tục hơn 70 năm qua, thực tế là cứ vào ngày 27.7 hằng năm, từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành đều dành thời gian để tổ chức các hoạt động thiết thực và tình nghĩa để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, động viên, thăm hỏi, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công trên cả nước. Ngày 27.7 hằng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam, biểu thị lòng tri ân, bày tỏ nghĩa tình sâu nặng của con cháu đối với những Người có công với đất nước và thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn".

Bên cạnh đó, tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động (NLĐ) Việt Nam hiện nay là ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực (Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày, Myanma là 14 ngày, Philippines là 12 ngày, Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày, trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hiện tại của Việt Nam là 10 ngày). Việc tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ cũng giúp cho NLĐ có thêm một ngày nghỉ trong năm để vừa tri ân người có công, vừa nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, dành chăm lo gia đình và để vừa góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.

Việc bổ sung ngày nghỉ lễ thực chất là việc điều chỉnh các ngày nghỉ lễ trong một năm cho hợp lý hơn, đặc biệt trong suốt khoảng thời gian 4 tháng, từ ngày 2.5 đến ngày 1.9 hiện đang không có một ngày nghỉ lễ nào.

Chọn ngày Thương binh, liệt sĩ là ngày nghỉ lễ cũng phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc, nguyện vọng của nhân dân: Việc có một ngày nghỉ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc mà còn là một thông điệp để thể hiện sự tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau. Việc chọn ngày 27.7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của ngày Thương binh, liệt sĩ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.

Trước đó, quyết định 260.QĐ-LĐTBXH ban hành vào đầu năm nay về Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” năm 2019 của Bộ LĐTBXH có đề cập tuyên truyền, lấy ý kiến bổ sung 1 ngày nghỉ lễ Tri ân người có công 27.7 dương lịch. Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ LĐTBXH lại rút lại ý kiến này để đợi dự thảo Dự án Luật Lao động sửa đổi chính thức được công bố.

Nghỉ Tết Âm lịch có thểchỉ 5 ngày nhưng cũngcó thể kéo dài 9 ngày

Quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ 01.5.2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ. Theo đó, dịp Tết Âm lịch được nghỉ 5 ngày và theo quy định nghỉ bù, hoán đổi ngày nghỉ, dịp nghỉ lễ này có thể kéo dài từ 7-9 ngày.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 01 năm 2019 của Chính phủ giao “Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả”, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch trong dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến.

Phương án 1 sẽ giữ nguyên hiện hành. Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Phương án 2 là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. Với quy định này, dịp nghỉ Tết Âm lịch sẽ chỉ kéo dài 5 ngày.

Quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành, cho phép nghỉ bù.

Dự thảo Bộ Luật Lao động sẽ được lấy ý kiến đến 28.6.

PV (theo TTXVN)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất bổ sung thêm dịp nghỉ lễ và điều chỉnh rút gọn kỳ nghỉ Tết Âm lịch