Giới chuyên gia đồng thuận với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia nhưng cần nghiên cứu lộ trình, giãn tiến độ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia

Tuyết Nhung 14/08/2024 21:35

Giới chuyên gia đồng thuận với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia nhưng cần nghiên cứu lộ trình, giãn tiến độ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tại Hội thảo "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" ngày 14.8, bà Chu Thị Vân Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) đã phác họa bức tranh kinh doanh của ngành đồ uống hiện nay.

Bà Vân Anh cho biết, hiện nay ngành đồ uống đang gặp nhiều khó khăn, xung đột trên thế giới khiến cho giá nguyên liệu tăng cao, biện pháp xử phạt vi phạm nồng độ cồn, lối sống, hành vi tiêu dùng thay đổi làm cho doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm từ 1 đến 2 con số.

nuoc-ngot.jpeg
Giới chuyên gia cho rằng tăng thuế TTĐB với đồ uống cần được nghiên cứu lộ trình và mức tăng phù hợp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay - Ảnh: Internet

Lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước). Thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm giai đoạn 2020-2023. Năm 2024, hàng tồn kho tiếp tục tăng (riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ); giá cổ phiếu tiếp tục giảm...

Đánh giá về dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) hiện nay, bà Vân Anh cho biết, đây là đề xuất mức tăng cao nhất trong lịch sử, doanh nghiệp chưa thể đánh giá hết tác động. Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu về mặt định lượng tác động đối với đối tượng trực tiếp, gián tiếp, tính hiệu quả đối với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, ngân sách, an sinh xã hội, lao động...

Đáng nói nguy cơ người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các sản phẩm trôi nổi, rẻ tiền hơn, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả. Khi tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm bất hợp pháp, hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường còn nhiều ý kiến trái chiều về bằng chứng khoa học chứng minh nước giải khát có đường với bệnh thừa cân, béo phì.

Đề xuất cho dự thảo luật thuế, bà Vân Anh đồng thuận với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như tăng thuế TTĐB nhưng cần nghiên cứu lộ trình, giãn tiến độ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

"Đối với rượu, bia kiến nghị tăng có lộ trình và giãn tiến độ. Năm đầu tăng 5%, lộ trình giãn 2 năm tăng 5% để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn cũng như đảm bảo hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường xem xét chưa nên bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB", bà Vân Anh nói.

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng cần cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB thấp hơn so với dự thảo hiện tại. Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý đối với các mặt hàng rượu, bia, có lộ trình dài hơn và tiến tới thuế suất tối đa là 80%, nhằm giảm bớt áp lực tài chính của các doanh nghiệp trong ngành và để doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định: "Tăng thuế có thể làm tăng giá bán, hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia, do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Vì vậy, nên tăng thuế 5% năm đầu tiên, nhưng các năm sau cần giãn ra, hai hoặc ba năm mới tăng một lần 5% để chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể chuyển đổi dần dần".

Bà Cúc đề xuất cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn về lộ trình và mức tăng thuế suất đảm bảo hợp lý để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động. Bà Cúc cho rằng chính sách thuế sửa đổi sẽ tác động đến cả một chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đến sản xuất, thương mại và khu vực dịch vụ ăn uống, du lịch...

"Phương án tăng thuế là cần thiết song cũng cần tạo điều kiện để ổn định thị trường và giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi (với việc tăng dần thuế đến năm 2030) và tránh bị sốc do tăng nhanh, đột ngột", bà Cúc nói.

Về nội dung bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân do bệnh tật, yếu tố sức khỏe (liên quan đến nước giải khát có đường), bà Cúc cho rằng phải cân nhắc thấu đáo và trường hợp đưa vào diện chịu thuế cần xem xét thêm lượng đường phù hợp, cụ thể là 5g-6g-7g hoặc 8g/100ml (như của một số nước có đánh thuế).

"Chúng tôi kỳ vọng việc tính toán xác định được chính sách điều tiết thuế TTĐB hợp lý trong lần sửa đổi Luật thuế lần này sẽ hướng tới hài hòa hơn mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước", bà Cúc nói.

Bài liên quan
Gia hạn thuế TTĐB với ô tô lắp ráp trong nước từ 15.9, ngân sách giảm hơn 2.000 tỉ/tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109 quy định chi tiết trình tự, thủ tục về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký là ngày 15.9.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy sự phát triển của nhân lực KH-CN, đổi mới sáng tạo
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Bộ KH-CN cho biết các chính sách có mục tiêu tạo hành lang pháp lý thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học; thúc đẩy sự phát triển của nhân lực KH-CN, đổi mới sáng tạo…
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia