Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ KH-CN đề xuất nhiệm vụ khẩn cấp quốc gia nghiên cứu biện pháp giám sát và phòng trừ châu chấu sa mạc. Hiện đề xuất này đang được lãnh đạo Bộ KH-CN xem xét trước khi phê duyệt.
Châu chấu sa mạc chưa xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ vẫn đang tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Trung Quốc để theo dõi tình hình châu chấu sa mạc trên thế giới.
Đến nay châu chấu sa mạc vẫn phát sinh, gây hại ở các nước khu vực Đông Phi (Kenya, Ethiopia, Somalia...), bán đảo Ả Rập (Arab Saudi, Yemen, Oman,…) và Tây Á (Ấn Độ, Pakistan, Iran,…) và đang có xu hướng giảm mật độ vì chúng quay về nơi sinh sản hàng năm.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích châu chấu sa mạc gây hại ở các nước nói trên lên tới gần 400.000 ha cây trồng nông lâm nghiệp và đồng cỏ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định cho đến nay châu chấu sa mạc chưa xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ KH-CN để thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai công tác chuẩn bị phòng chống châu chấu sa mạc.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục giao Cục Bảo vệ thực vật làm việc để Cục Cứu hộ - Cứu nạn (đơn vị được Bộ Quốc phòng chỉ định) nắm rõ đặc điểm hình thái, sinh học và tập tính cơ bản của châu chấu sa mạc và phối hợp xây dựng phương án thử nghiệm máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (3 máy bay có người lái và nhiều máy bay không người lái), phương án diễn tập phun trừ châu chấu.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ KH-CN đề xuất nhiệm vụ khẩn cấp quốc gia nghiên cứu biện pháp giám sát và phòng trừ châu chấu sa mạc. Hiện đề xuất này đang được lãnh đạo Bộ KH-CN xem xét trước khi phê duyệt. Nội dung tập trung nghiên cứu công nghệ giải đoán ảnh viễn thám, ảnh vệ tinh, khí tượng toàn cầu để xác định các đàn châu chấu ở Châu Phi, Tây Á nhằm giám sát sự di chuyển của chúng và dự báo, cảnh báo trước khi chúng xâm nhập Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu các biện pháp phòng trừ châu chấu tại Việt Nam (sử dụng châu chấu tre lưng vàng thay thế) và phát triển phần mềm giám sát châu chấu trên toàn quốc cùng như tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm và biện pháp phòng trừ châu chấu giúp chủ động ứng phó ngay nếu châu chấu sa mạc xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam.
Châu chấu tre lưng vàng gây hại cho cây trồng
Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển, đến nay châu chấu tre lưng vàng đã gây hại chủ yếu tại 8 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thanh Hóa).
Diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng gây hại từ đầu năm đến nay là 277 ha (thấp hơn 566,3 ha so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu trên tre luồng và một phần nhỏ diện tích cây nông nghiệp (ngô). Thời gian từ tháng 6 - tháng 7, châu chấu tre lưng vàng có hiện tượng di trú từ Trung Quốc, Lào vào Việt Nam. Nhưng từ ngày 23.7.2020 đến nay không còn châu chấu do chúng lại bay trở lại Trung Quốc.
Được biết, châu chấu tre lưng vàng thuộc nhóm châu chấu đàn. Trong những năm gần đây đã phát sinh và gây hại nghiêm trọng cho cả cây trồng nông lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Đây là loài sinh vật có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát.
Thu Anh