Để vững vàng trước những trận lũ lụt thảm khốc do bão theo mùa, Hồng Kông đã chi tổng cộng 3,8 tỉ USD cho hệ thống thoát nước phức tạp trải dài gần hết đặc khu với chiều cao gấp 2 lần chiếc xe buýt hai tầng. Thế nhưng liệu khả năng ứng phó với lũ lụt của hệ thống này có hiệu quả?

Hệ thống thoát nước 3,8 tỉ USD giúp Hồng Kông đứng vững trước lũ lụt

27/07/2020, 17:40

Để vững vàng trước những trận lũ lụt thảm khốc do bão theo mùa, Hồng Kông đã chi tổng cộng 3,8 tỉ USD cho hệ thống thoát nước phức tạp trải dài gần hết đặc khu với chiều cao gấp 2 lần chiếc xe buýt hai tầng. Thế nhưng liệu khả năng ứng phó với lũ lụt của hệ thống này có hiệu quả?

Bên trong đường hầm thoát nước ở Hồng Kông - Ảnh: CNN

“Hệ thống thoát nước này chặn khoảng 1/3 lượng mưa cho khu vực phía Bắc Hồng Kông. Chúng tôi có khoảng 34 cửa cống và tất cả lượng nước bị chặn sẽ được chuyển vào đường hầm rồi đưa ra biển”, kỹ sư thoát nước Alex Lau - người thường xuyên thị sát hệ thống này cho hay.

Theo thống kê của Cơ quan Thoát nước Hồng Kông (DSD), lượng mưa trung bình năm tại đây đạt 2.400 mm và khoảng 80% lượng nước mưa đó chỉ rơi tập trung trong một vài tháng. Với chiều dài 10,5 km, một công trình hầm thoát nước khổng lồ đã khởi công từ năm 2007, với 2 cỗ máy đào làm việc liên tục trong 5 năm, đã giúp Hồng Kông giải quyết vấn đề cơ bản và cấp bách đối với một trong những thành phố ẩm ướt nhất châu Á.

Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống tại một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới như Hồng Kông không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Khu vực này đã chằng chịt hệ thống thoát nước và hệ thống tàu điện ngầm, các con đường đan xen với địa hình núi gây khó khăn cho việc xây dựng. Chính quyền đặc khu của Trung Quốc đã phải xây dựng một hệ thống thoát nước phía Tây chạy ngang qua những ngọn đồi phía sau thành phố, nằm sâu hơn chục mét so với mặt đất.

Lũ lụt thường xuyên

Mùa hè của Hồng Kông thực sự có thể là một thử thách cho tình yêu của bất kỳ cư dân nào đối với thành phố. Tình trạng nóng và ẩm một cách ngột ngạt, từ tháng 6 đến tháng 9 liên tục diễn ra và chỉ có mưa bão mới giúp làm cho hạ nhiệt. Trong thời gian đó, thành phố phải chịu đựng những trận mưa lớn khiến những chiếc ô trở nên vô dụng.

Mưa lớn tại đặc khu Hồng Kông hồi tháng 9.2018 - Ảnh: CNN

Hồng Kông đã cho ra đời một hệ thống cảnh báo sớm phân loại các màu dựa trên mức độ bão, từ màu vàng đến đen vào năm 1967. Hệ thống cảnh báo sớm này đến nay đã được phát triển kết hợp với công nghệ giúp đưa ra những lời cảnh báo tới điện thoại di động của hàng triệu người dân sống trong khu vực. Hệ thống cũng cảnh báo người dân tránh di chuyển không cần thiết vì lo sợ xảy ra tai nạn trên đường hoặc gặp sạt lở đất ở những vùng đồi núi.

Nếu mưa có lưu lượng 70 mm/giờ, các văn phòng và trường học ở đây sẽ buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên giờ đây, nhờ hệ thống thoát nước khổng lồ, mỗi lần gặp bão lớn cấp độ đen, người dân Hồng Kông không phải chịu đựng tình cảnh lũ lụt như xưa.

Trong lịch sử, cơn bão lớn nhất đổ ập vào thành phố này xuất hiện vào tháng 9.1906, cướp đi sinh mạng của gần 15.000 người, chiếm 5% tổng dân số lúc bấy giờ tại Hồng Kông. Trong những năm 1960-1970, hàng trăm người khác cũng thiệt mạng trong những cơn bão nhiệt đới. Hàng ngàn người mất nhà cửa và thành phố phải chi hàng triệu USD để đền bù tổn thất, sửa chữa và khắc phục thiệt hại mỗi năm.

Lũ lụt tại Hồng Kông hồi năm 2008 - Ảnh: CNN

Đô thị hóa nặng nề chỉ làm cho tình trạng lũ lụt trở nên tồi tệ hơn vì bề mặt của đất tự nhiên đã bị bê tông hóa, thay vì hấp thụ nước mưa thì nó lại tích tụ nước, thậm chí là ngập cục bộ. Kể từ năm 1995, chính quyền đặc khu đã chi tổng cộng khoảng 3,8 tỉ USD cho nhiều dự án, hoàn thành thiết lập 2.400 km cống rãnh, 360 km kênh sông ngòi, 4 đường hầm thoát nước rộng lớn trải dài 21 km và 4 bể chứa nước mưa.

Trong số 4 đường hầm thoát nước chính của Hồng Kông, đường hầm thoát nước phía Tây là lớn nhất. Nó chạy qua các ngọn núi phía Đông, qua các khu tài chính sầm uất trung tâm đến cảng Cyberport trên bờ biển phía Tây, chỗ rộng nhất có đường kính 7,25 m. Hệ thống này được thiết kế dốc từ đỉnh núi xuống để nước tự động chảy. Cửa cống xây dựng bằng bê tông với tác dụng làm chậm dòng chảy. Khác xa với mùi hôi như nước cống xả thải, nước chảy trong hệ thống thoát nước này thậm chí phảng phất mùi thơm và chảy êm trông như nước sông.

Tất cả những giải pháp này giúp dẫn nước mưa ra khỏi các khu vực dễ bị tổn thương và cuối cùng đưa nước trở lại đại dương, giúp giảm số lượng các điểm đen lũ lụt từ 126 vào năm 1995 xuống chỉ còn 5 điểm hiện nay. Richard Leung, kỹ sư cao cấp của DSD cho biết chi phí cho hệ thống trữ nước mưa của Hồng Kông không hề nhỏ, nhưng đến nay đã chứng minh được hiệu quả của nó. Trong một so sánh, lũ lụt trong tháng 6 vừa rồi đã gây thiệt hại kinh tế hơn 2,9 tỉ USD cho miền Nam Trung Quốc.

Lưu trữ nước

Bên cạnh hệ thống thoát nước khổng lồ, Hồng Kông còn 4 bể chứa nước mưa, trong đó lớn nhất là bể chứa dưới trường đua ngựa Happy Valley. Bể chứa này được xây dựng nhằm bảo vệ một số bất động sản đắt đỏ nhất trong thành phố, đặc biệt là trường đua, khỏi lũ lụt. Theo kỹ sư Alex Lau, dưới trường đua là một khoang rỗng chứa nước, diện tích lên tới 60.000 m2, tương đương với 24 bể bơi tiêu chuẩn. Trước khi có bể ngầm vào năm 2012, khu vực này thường xuyên bị mưa phá sân cỏ và sửa chữa rất tốn kém.

Bể chứa tại Happy Valley cũng là một ví dụ cho kế hoạch tương lai của Cơ quan Thoát nước Hồng Kông trong nỗ lực tái chế nước mưa trên toàn thành phố. Hiện nay, lượng nước mưa ở đây đã được tái sử dụng trong các nhà vệ sinh gần đó.

Bên trong bể chứa dưới trường đua ngựa Happy Valley - Ảnh: CNN

Biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu mang đến thời tiết nguy hiểm và khó lường hơn, Hồng Kông đã không đơn độc trong việc đối phó với lũ lụt và các kỹ sư của thành phố thường xuyên cộng tác với các đối tác quốc tế và khu vực để chia sẻ các giải pháp hiệu quả nhất.

Theo dự đoán của nhà nghiên cứu Ping-Wah đang làm việc cho Trạm quan sát Khí tượng Hồng Kông, “mưa do bão nhiệt đới sẽ tiếp tục tăng lên, mực nước biển cũng tiếp tục dâng cao” do tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, Edward Ng, giáo sư kiến ​​trúc tại Đại học Trung văn Hương Cảng (Hồng Kông), nói rằng một số công trình đã được triển khai để tăng cường phòng thủ Hồng Kông nhưng "cần hàng trăm triệu USD" để bảo vệ bờ biển đúng cách. "Tiêu chuẩn thiết kế chỉ phù hợp trong quá khứ. Nó có thể đối phó với những gì đã xảy ra 30 năm trước nhưng không phải với những gì sẽ xảy ra trong 50 năm tới”, ông nói.

Kỹ sư cấp cao DSD Leung nhấn mạnh không nên tự mãn với thành quả đã có khi cho rằng hệ thống thoát nước của Hồng Kông đủ để ngăn chặn ngập lụt hiện nay nhưng cảnh báo sẽ sớm bị quá tải trong tương lai. Ông khuyến cáo bên cạnh tiếp tục xây dựng những bể chứa nước mưa và hệ thống thoát nước mới, chính quyền thành phố nên điều chỉnh thiết kế cơ sở hạ tầng và kiến trúc để chống lại các rủi ro của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Những giải pháp thiết kế đó có thể bao gồm bảo vệ vùng đất ngập nước, làm vườn và mái nhà xanh giúp hấp thụ lượng mưa theo mô hình “thành phố bọt biển” đã thành công ở Trung Quốc và một số nơi trên thế giới.

Ngay cả khi khủng hoảng khí hậu dẫn đến mực nước biển dâng cao và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số nơi trên thế giới, nó cũng có ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước toàn cầu, với số lượng các quốc gia đối phó với khủng hoảng nước cực kỳ gia tăng. Theo ông Leung, ngoài việc chỉ chặn và chuyển hướng nước mưa, cần có nhiều chiến thuật hơn để lưu trữ, thanh lọc và tái sử dụng, giúp giảm áp lực lên các nguồn nước hiện có.

Hiện tại, phần lớn lượng nước mưa của Hồng Kông phải đổ ra biển, trong khi họ phải nhập khẩu hơn 70% nước ngọt từ Trung Quốc đại lục. Với việc Trái đất ngày càng nóng lên dẫn đến nguy cơ mất an ninh nguồn nước trên toàn thế giới tăng, vì thế Hồng Kông phải xử lý tốt hơn nguồn nước của mình và coi điều đó là quan trọng hơn bao giờ hết. “Khí hậu đang thay đổi, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị”, Leung nói.

Trang Nhung (theo CNN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nắng nóng gay gắt khắp cả nước, nhiều nơi trên 41 độ C
một giờ trước Sự kiện
Ngày 28.4, nhiệt độ cả nước tăng nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt khi có nơi trên 41 độ C.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống thoát nước 3,8 tỉ USD giúp Hồng Kông đứng vững trước lũ lụt