Ông Phan Văn Lâm (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN) cho rằng, đề xuất người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại nội thành (12 quận) phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 sàn/người của Hà Nội là không hợp lý ở thời điểm này.

Đề xuất thuê nhà 15m2 mới được đăng ký thường trú nội thành Hà Nội: Khó cho người dân!

Ngọc Trân | 30/03/2023, 06:00

Ông Phan Văn Lâm (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN) cho rằng, đề xuất người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại nội thành (12 quận) phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 sàn/người của Hà Nội là không hợp lý ở thời điểm này.

UBND TP.Hà Nội vừa đề xuất diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp tại Hà Nội đối với khu ngoại thành là 8m2/người (gồm 18 huyện, thị xã); đối với khu vực nội thành là 15m2/người (gồm 12 quận). Trong đó, diện tích nhà ở tối thiểu được tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

Theo cơ quan này, việc xây dựng dự thảo trên nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất này hiện đang gây nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN).

PV: Ở nhà thuê rộng 15m2/người mới được đăng ký thường trú (ở nội thành) là nội dung được đề xuất tại Dự thảo nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của UBND TP.Hà Nội. Quy định này hiện đang gặp nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

- Ông Phan Văn Lâm: Việc nâng điều kiện diện tích nhà ở áp dụng với công dân nhập cư là điều cần thiết, thể hiện đời sống người dân được nâng cao. Đặc biệt là đối với thủ đô Hà Nội là đô thị văn minh bậc nhất của cả nước. Tuy nhiên, theo dự thảo mới này thì người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại nội thành (12 quận) phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 sàn/người( giảm 5m2 so với dự thảo lần một).

Theo tôi, Hà Nội đề xuất như vậy trong thời điểm này là chưa hợp lý. Lý do là với mức thu nhập của người dân như hiện nay, yêu cầu này đối với người thuê nhà sẽ khó đáp ứng được (diện tích này hiện có giá cho thuê từ 2-3 triệu đồng). Đối với người lao động trong khu vực công và công nhân chắc chắn sẽ không đáp ưng được điều kiện này.

tt-1.jpg
UBND TP.Hà Nội đề xuất diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú

Có thể lấy ví dụ 1 cặp vợ chồng có 2 con cần 60m2 với giá thuê 10 triệu thì tiền dành cho thuê nhà chiếm trên 1/2 thu nhập của 2 vợ chồng. Điều này là bất hợp lý trong cân đối thu chi để gia đình tồn tại và có đăng ký thường trú tại Hà Nội.

Hà Nội không chỉ cần người giàu vật chất về xây dựng, phát triển, mà Hà Nội cũng cần những trí thức, công nhân… để phát triển cho cả nước, vì vậy những quy định này trong thời điểm hiện nay không hợp lý.

Mặt khác đối với người mượn, ở nhờ thông thường cũng chỉ được chủ nhà bố trí cho một phòng khoảng 9 đến 12m2 là phổ biến (do mối quan hệ nên có thể được bố trí ở lâu dài và đồng ý cho gia nhập hộ khẩu), nhưng theo quy định này thì họ vẫn không đủ điều kiện. Tóm lại cho dù thuê, mượn hay ở nhờ đều gặp khó khăn, bất lợi và không thể trở thành hiện thực trong việc đăng ký thường trú.

Theo ông, quy định này sẽ gây ra hệ lụy gì và ảnh hưởng thế nào đến người thuê nhà và người cho thuê nhà?

- Quy định này sẽ rất khó khăn cho người thuê nhà vì thu nhập của họ không đáp ứng được việc chi trả tiền thuê và tái tạo sức lao động, học tập, phát triển cá nhân cũng như xây dựng gia đình.

Mặt khác, đối với người cho thuê sau khi đầu tư xây dựng thì khả năng cho thuê giảm hoặc cho thuê với giá thấp nhiều hơn so với trước đây. Đặc biệt những chủ trọ có phòng nhỏ hơn 15m2 thì sẽ khó cho thuê, bởi nếu sinh viên ở 2 người thì hẹp mà 1 người thì chi phí cao. Người cho thuê cũng ít có cơ hội cho thuê lâu dài vì không đủ điều kiện đăng ký thường trú mà chủ yếu là tạm trú.

UBND TP.Hà Nội cho biết dự thảo quy định diện tích nhà ở tối thiểu ở Hà Nội là 15m2/người nhằm đảm bảo các điều kiện sống cần thiết của người dân và Luật Thủ đô đã quy định như vậy. Ông có đồng tình với lý giải này không và ông nhìn nhận thế nào về điều này?

- Luật Thủ Đô không quy định bao nhiêu m2 cho 1 người, chỉ quy định không thấp hơn quy định của Luật Cư trú là 8m2/người. Còn cụ thể bao nhiêu thì do Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội quyết định.

t-3.jpg
Ông Phan Văn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và hòa giải (Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN)

Như trên tôi đã nói, công dân sử dụng diện tích nhà ở ngày càng được nâng lên là điều đáng mừng và rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta nên căn cứ vào thu nhập của người dân, mức sống chung tại thủ đô để quyết định cho đúng thời điểm. Những quy định của cơ quan quản lý nhà nước phải hợp lòng dân thì chính sách mới đi vào cuộc sống.

Có những lo ngại về sự gia tăng dân số sẽ dẫn đến quá tải về hạ tầng tại khu vực đô thị, do đó quy định này là cần thiết. Ông nghĩ sao về điều này? Theo ông, liệu chính sách này có thực sự giảm được áp lực nhập cư về Hà Nội hay không?

- Đây là những luận cứ không hợp lý. Về nguyên tắc người dân sẽ lựa chọn nơi nào dễ kiếm việc làm và thu nhập tốt hơn thì họ đến. Hiện nay, bất cứ đô thị nào cũng đông dân cư. Mặt khác, có thể do tính chất công việc buộc họ phải sinh sống ở thủ đô, ví dụ những người làm việc tại các cơ quan trung ương, bệnh viện hay học tập tại các trường đại học thì không thể khác được. Vì thế chính sách này không phải là rào cản người nhập cư, mà chỉ là rào cản trong đăng ký thường trú.

Việc không được đăng ký thường trú sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý và tính toán vấn đề an sinh xã hội cho Hà Nội. Việc đăng ký thường trú chỉ là một thủ tục hành chính, dù không được thì họ vẫn ở thủ đô. Như vậy quy định này không sát với thực tiễn đang diễn ra, mọi người vẫn về Hà Nội như thường.

Theo ông nên quy định bao nhiêu mét vuông/người là hợp lý? Hoặc lộ trình áp dụng khi nào thì phù hợp?

- Việc quy định diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú là cần thiết, nó thể hiện sự chọn lọc của đô thị và nâng cao tầm vóc của thủ đô. Mặt khác nó đúng theo quy định của Luật Cư trú và Luật Thủ đô hiện hành.

tt-2.jpeg
Áp lực hiện nay của Hà Nội là giao thông và chất lượng không khí

Cá nhân tôi cho rằng quy định 10m2/người thì hợp lý hơn trong nhiệm kỳ này. Tôi nghĩ áp lực hiện nay của Hà Nội là giao thông và chất lượng không khí. Để nâng cao chất lượng sống thì cần rất nhiều giải pháp đi kèm, nhưng có hai yếu tố cơ bản cần giải quyết đó là bài toán giao thông và chất lượng không khí.

Giải pháp mà nhiều người nhắc đến và tính khả thi cao là chuyển các cơ quan, trường đại học, các nhà máy sản xuất ra ngoại thành hoặc vùng phụ cận để phương tiện lưu thông trong nội đô ít hơn, giảm khí thải từ ô tô, xe máy và nước thải sinh hoạt cũng giảm theo.

Nếu làm được như vậy tôi tin chắc cảnh tắc đường hàng tiếng đồng hồ và chất lượng không khí nguy hại đến mức cảnh báo sẽ không còn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bài liên quan
OpenAI định phát triển trình duyệt web kết hợp với ChatGTP trước khi Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất Google bán Chrome
OpenAI gần đây đã cân nhắc phát triển trình duyệt web kết hợp với chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGTP của mình và thảo thuận về các nhà phát triển để hỗ trợ tính năng tìm kiếm, trang The Information đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất thuê nhà 15m2 mới được đăng ký thường trú nội thành Hà Nội: Khó cho người dân!