Cầu Vàm Cống hoàn thành có vai trò đấu nối các tỉnh ĐBSCL với cả nước. Khi cầu đưa vào sử dụng, thời gian lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, đồng thời giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết.
Ngày 14.5, lãnh đạo TP.Cần Thơ cùng các sở ban ngành và đại diện công ty chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ GT-VT) đã đến khảo sát địa điểm tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống. Sự kiện này dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 19.5 tới.
Bảng thông tin về cầu Vàm Cống - Ảnh: Nguyễn Thanh
Đại diện phía Công ty Cửu Long cho biết, cầu Vàm Cống đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá, đủ điều kiện để đưa vào sử dụng. Đến nay công tác chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành đang được khẩn trương triển khai, công ty cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các bên liên quan chuẩn bị tốt cho lễ khánh thành cầu.
Ông Trần Văn Thi - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, sau cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh - 2 cây cầu dây văng lớn trong dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông với quy mô 4 làn xe, hiện phía công ty cũng đang khẩn trương triển khai tuyến Lộ Tẻ đi Rạch Sỏi.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ông Võ Thành Thống (áo trắng, đi giữa) kiểm tra trước thời điểm khánh thành cầu Vàm Cống, vào sáng 14.5 - Ảnh: Nguyễn Thanh
Tuyến này sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường kết nối giao thương với khu vực Đông Nam Bộ, đồng thời giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A, từng bước hình thành trục dọc phía tây của khu vực ĐBSCL.
Cầu Vàm Cống vắt ngang sông Hậu, nối quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tháng 9.2013, cầu chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 5.687 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, trụ tháp cao 143,9m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn xe máy tách biệt để tạo sự an toàn khi tham gia giao thông. Đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Cầu Vàm Cống thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Mê Kông, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc. Nhà thầu thi công và tư vấn thiết kế giám sát đều của Hàn Quốc.
Ông Võ Thành Thống cho rằng cầu Vàm Cống hoàn thành có vai trò đấu nối các tỉnh ĐBSCL với cả nước - Ảnh: Nguyễn Thanh
Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, cầu Vàm Cống hoàn thành có vai trò đấu nối các tỉnh ĐBSCL với cả nước, tốc độ lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, đồng thời giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết.
Khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng người dân 4 tỉnh thành như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ sẽ được hưởng lợi nhiều từ dự án này, vì nhiều nông sản chủ lực sẽ được chuyển lên TP.HCM theo cách nhanh nhất.
Cầu Vàm Cống bắc qua 2 bờ sông Hậu, nối quận Thốt Nốt của TP.Cần Thơ và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Nguyễn Thanh
Trước đó, sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống khi đang thi công đã ảnh hưởng đến công trình, buộc chủ đầu tư là Bộ GT-VT đưa ra các giải pháp để khắc phục sự cố. Đến nay, sau gần 2 năm khắc phục, cầu Vàm Cống đã được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Hiện người dân miền Tây, nhất là khu vực ở 2 đầu cầu Vàm Cống (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ và H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) rất háo hức chờ ngày khánh thành cầu Vàm Cống sau nhiều lần lỗi hẹn.
Thanh Nguyên