Tà Xùa đẹp đúng nghĩa một miền hoang sơ, được ví như Sapa thứ hai của miền cao Tây Bắc. Và những ngày lang thang cùng mây núi Tà Xùa, lại là cơ duyên chạm vào bao vốn quý của cư dân bản địa.

Đến Tà Xùa xem thầy cúng đuổi ma, săn mây và thưởng trà

Theo Nguyễn Đình – Người Đô Thị | 13/02/2021, 10:25

Tà Xùa đẹp đúng nghĩa một miền hoang sơ, được ví như Sapa thứ hai của miền cao Tây Bắc. Và những ngày lang thang cùng mây núi Tà Xùa, lại là cơ duyên chạm vào bao vốn quý của cư dân bản địa.

Mây núi mịt mù, lạnh cắt da thịt, chiếc xe máy gầm rú trên con đường đất đá lổm nhổm, trơn trượt, hành trình về Tà Xùa - xứ của Mị trong Vợ chồng A Phủ cách đây hơn 10 năm không mấy ấn tượng gì đẹp đẽ. Trở lại Tà Xùa cuối năm COVID thứ nhất, mọi chuyện đã thực sự đổi thay, nhờ một thứ quá quen với núi rừng Tây Bắc, ấy là mây trời.

Săn mây, ngắm biển mây, để rồi được ăn trong mây, uống trà mây, nghỉ ở Hostel Tà Xùa Mây… từ cảnh quan, du lịch, hệ sinh thái, đặc sản, cho đến con người Tà Xùa, giờ đều gắn liền với mây núi. Tà Xùa đẹp đúng nghĩa một miền hoang sơ, được ví như Sapa thứ hai của miền cao Tây Bắc. Và những ngày lang thang cùng mây núi Tà Xùa, lại là cơ duyên chạm vào bao vốn quý của cư dân bản địa.

Xem thầy cúng đuổi ma

Đến Tà Xùa trong cái rét cắt da cuối năm, đúng dịp người H’Mông chuẩn bị nhà cửa, váy áo đón năm mới. Khắp nơi quanh các bản Tà Xùa A, B, C, Trung Chinh, Mống Vàng, Bẹ… các em nhỏ xúng xính chạy chơi trong bộ trang phục dân tộc, cổ đeo vòng bạc, má đánh phấn trắng, môi tô son đỏ chót, tạo nên vùng cảnh quan nguyên sơ một vẻ đẹp miền cao Tây Bắc.

Đến bản Bẹ khi hoàng hôn xuống dần phía xa trên đỉnh Hồng Ngài, bỗng nghe tiếng chiêng vọng lên, dồn dập… đan xen là những lời âm vang nửa như khấn, hát. Từ triền núi, dò tìm về ngôi nhà nơi phát ra tiếng chiêng, cả bản thưa vắng, người già núp bên cánh cửa, con nít ngừng chơi, ru rú nơi bếp lửa sưởi ấm giữa nhà. Càng đến gần, nhận ra ngôi nhà có tiếng chiêng, to nhất nhì bản Bẹ, củi đầy sân, ngô đầy nóc mái. Hỏi ra mới biết đấy là nhà Mùa A Dao, thầy cúng hiếm hoi sót lại ở đất Tà Xùa. Hỏi thêm mới biết hôm nay thầy đang cúng chữa bệnh cho cụ bà trong làng và cúng đuổi ma để dân bản đón mừng năm mới.

xemthay1.jpg

Thầy cúng Mùa A Dao trước bàn thờ người H’Mông cùng các pháp khí trừ tà.

Ngôi nhà thầy cúng đóng cửa kín mít, khi đang đi quanh tìm lối vào, một chị dân bản vừa đi nương về bảo ngay: “Đừng vào nhà, thầy cúng đang làm lễ, vào con ma nó theo đấy”. Cơn gió lạnh kèm tiếng chiêng và lời khấn vang vọng, nghe sởn da gà, nhưng thật khó cưỡng trí tò mò khi nhịp điệu tiếng chiêng như lời rủ rê đầy hấp dẫn. Ngó trước ngó sau, không thấy bóng người, tôi đánh bạo đi đến vách, thật may khi ván lủng một lỗ nhỏ, đủ quan sát được trong ánh sáng leo lét, vị thầy cúng đang khom lưng, gõ chiêng, nhảy múa quanh bàn thờ, diễn bài văn cúng hài hòa theo nhịp chiêng. Cạnh bàn thờ là chiếc giường nơi bệnh nhân nằm, kéo rèm che kín.

Mùi nhang khói thoảng trong không gian, cảnh chiều tàn thật u tịch, tiếng chiêng gióng, khi ngân nga, khi đanh gọn như xoáy sâu vào tâm can, tạo nên cảm giác gai người. Phải đến gần một giờ đồng hồ, cạn tuần nhang, bài cúng mới dứt. Cửa nhà mở, thầy ra khoảnh sân nghỉ, trời đang rất lạnh mà trán ông lấm tấm mồ hôi, hẳn việc đuổi ma không đơn giản tí nào.

Thấy khách lạ, thầy cúng vui vẻ mời vào nhà. Ngồi bên bếp lửa, ông rót chén trà đặc sản từ cây trà Tà Xùa do tổ tiên để lại, thủng thẳng kể: “Bố làm thầy cúng từ năm 30 tuổi, nay là 75 tuổi rồi đấy. Ôi, bố đâu muốn cúng nữa, cúng mệt lắm, nhưng không ai làm, nhà ai có đám có việc, họ đều gọi bố, xa hai ba quả núi cũng đến nhờ giúp, không đi không được. Ngày xưa trẻ, còn khỏe, đi cúng ăn được, bây giờ ăn chưa hết một quả trứng, uống được năm lạng rượu (nửa lít - PV) là cái mồm nó tự nói, nó nói nhiều mà không nghe mình, xấu hổ lắm (say rượu - PV). Cúng xong nó cho cái đầu lợn, già rồi không ăn được, mình chỉ đi cúng giúp thôi”.

xemthay2.jpg

Những nóc mái của gia đình người H’Mông, bản Bẹ, Tà Xùa.

Những tâm sự của thầy cúng Mùa A Dao về nghề thật mộc mạc, chân phương như lối sống của người H’Mông từ ngàn đời trên đất Tà Xùa. Hỏi ông chuyện đuổi ma, đêm ngủ rừng trên nương thảo quả, có bao giờ gặp ma? Ông cười toe: “Con ma nó phải sợ bố chứ, mình làm người tốt, không con ma nào hại mình đâu”. Thế còn người làng bị ốm, đuổi con ma đi mà nó không hết ốm thì phải làm sao? Câu trả lời chân tình của thầy cúng khiến tôi ngã ngửa: “Ôi, đuổi con ma đi rồi, nó không hết ốm, phải đưa nó đi trạm xá ngay, nó không hết ốm vậy không phải do con ma mà tại người nó không khỏe, trạm xá họ chữa được đấy”.

Nói rồi ông đến bên bàn thờ, khoe bộ pháp khí đuổi ma đơn giản với chiếc chiêng, vòng lắc và cái dùi. Với ba món ấy do cha để lại, ông đã hơn 45 năm hành nghề. Nay sức đã già, chân đã mỏi, hỏi các con có ai theo nghề không, nhìn xa xăm, ông bảo: “Bố ở nhà một mình nuôi mẹ già hơn trăm tuổi rồi đấy, con bố đi làm ăn xa, chúng nó không đứa nào biết cúng đâu”.

Chạm vào một sản vật kỳ diệu

Hàn huyên cùng thầy cúng bên bếp lửa, được ông mời chén trà của vườn nhà, thế rồi cà kê từ chuyện ma sang chuyện trà lúc nào chẳng hay. Cầm chén trà, thầy cúng Mùa A Dao tự hào khoe: “Trà nhà bố tự làm đấy, bố bây giờ có hơn 100 cây trà cổ thụ, trước đây nhiều hơn, nhưng mấy đứa con lấy vợ lấy chồng, chia dần cho chúng nó hết, giờ chỉ còn lại thế thôi”.

xemthay3.jpg

Búp trà Tà Xùa - một kết tinh của mây núi, thổ nhưỡng mà thành.

Trời sương lạnh, uống chén trà của thầy cúng, cảm rõ hương trà thật kỳ lạ, có chút hoa lan, hương trái cây tươi, hương mật ngọt. Nhưng ấn tượng hơn là hậu vị của trà, độ chát dịu nhẹ, êm trôi, uống hết ngụm trà, trong lúc đợi lượt nước pha mới mà mỗi lần chép miệng, lại thấy cả vòm họng vị ngọt chan hòa.

Để chất trà có được hậu vị độc đáo đến thế, phải là cây trà cổ thụ, khi ấy dưỡng chất trong lá trà dồi dào, dày, mạnh, tạo cho vị trà khác với dòng trà trồng công nghiệp. Trong bản đồ trà Việt, vùng trà của Mùa A Dao nơi bản Bẹ chính là quần thể trà đầu tiên ở Sơn La được công nhận Cây di sản Việt Nam, với độ tuổi trung bình cho cả vùng là trên 120 năm. Cây lớn nhất đo được trong khảo sát 200 cây trà quanh vùng Tà Xùa, mã số 27, tuổi hơn 280 năm, ngay ven đường vào bản Bẹ.

xemthay4(1).jpg

Trà shan cổ thụ là đặc sản tự hào của người H’Mông Tà Xùa.

Với người dưới xuôi, Tà Xùa giờ đã được mệnh danh “thiên đường mây”. Đi quanh trung tâm xã Tà Xùa, trước kia chỉ vài nóc nhà đơn sơ, giờ chen chúc bê tông cốt thép, xây dựng lô nhô, quy hoạch bừa phứa với dự báo sẽ chẳng khác gì Sapa. Nhưng bù lại cái nhuôm nhoam đang dần xâm lấn đất Tà Xùa, mùa mây về (dịp cuối năm) luôn là mùa đẹp để lữ khách tìm đến săn mây.

Thức mây Tà Xùa cũng thật bất chợt, khi ào ạt, khi nhẩn nha, khi lắng đọng bình yên như mùa biển êm, và cũng nhờ thức mây kỳ lạ, ngày đêm hòa quyện vào đất trời, vào con người, vào cả rừng trà di sản, đã tạo cho chất trà Tà Xùa một đặc điểm khác lạ, đậm hương, thanh vị, nồng nàn ngọt dịu, kết nên bởi những chắt chiu từ dưỡng chất của đất, tinh hoa mây trời.

xemthay5.jpg

Vùng trà shan được công nhận Cây di sản Việt Nam từ 2019 ở bản Bẹ, Tà Xùa.

Về thiên đường mây Tà Xùa, giờ hẳn không chỉ để ngắm mây, mà còn là cơ hội gặp gỡ những người H’Mông bản địa chân chất, nguyên sơ, là cơ hội chạm vào một sản vật kỳ diệu, ấy là những búp non trà shan tuyết cổ thụ, được người H’Mông bản địa tự tay chế biến, thành ra thức trà mây Tà Xùa, dễ khiến khách xuôi dẫu một lần lên Tà Xùa săn mây - thưởng chén trà mà lưu luyến mãi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến Tà Xùa xem thầy cúng đuổi ma, săn mây và thưởng trà