Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các siêu thị tại TP.HCM chủ động tăng nguồn hàng dự trữ lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, các siêu thị vẫn gặp khó vì thiếu hướng dẫn cụ thể.

Đi chợ hộ ở TP.HCM: Siêu thị rất cần những hướng dẫn cụ thể để phục vụ người dân

Hồ Đông | 24/08/2021, 13:10

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các siêu thị tại TP.HCM chủ động tăng nguồn hàng dự trữ lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, các siêu thị vẫn gặp khó vì thiếu hướng dẫn cụ thể.

Siêu thị dốc toàn lực phục vụ hàng thiết yếu

Từ ngày 23.8, UBND TP.HCM đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 2 tuần với nhiều giải pháp tăng cường, siết chặt hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để hoạt động cung ứng hàng thiết yếu đến người dân thành phố luôn được xuyên suốt, theo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), các điểm bán hàng vẫn hoạt động bình thường và đã có bước chuẩn bị kỹ về trữ lượng hàng hóa, các phương thức bán hàng phù hợp, đặc biệt là giải pháp mua chung cho cộng đồng dân cư.

Saigon Co.op đã thiết lập một số kênh bán hàng phù hợp tương ứng với diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, phương án mua chung đã được Saigon Co.op lần đầu tiên đề xuất và thực hiện đều đặn với một số địa phương từ giữa cuối tháng 7.2021 đến nay thông qua Hội Phụ nữ, các đoàn thể địa phương, tổ hậu cần của các khu dân cư thành phố… Do vậy, việc triển khai mở rộng quy mô lần này cũng thuận lợi hơn do đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác triển khai.

Theo phương án mua chung, các siêu thị của Saigon Co.op sẽ gửi danh mục hàng hóa thiết yếu khoảng 100 mặt hàng, các đầu mối mua chung theo sự điều phối của chính quyền địa phương sẽ tổng hợp nhu cầu người dân thành một đơn hàng chung theo từng khu vực. Hệ thống này còn thiết kế sẵn một số combo hàng hóa tiện lợi, có giá chỉ từ 100.000 đồng và phối hợp với địa phương trong công tác giao, nhận hàng hóa, để phân chia lại cho từng hộ dân, theo danh sách đã đăng ký trước đó đến tay người dân nhanh nhất có thể.

Ngoài ra, Saigon Co.op tiếp tục áp dụng những phương thức kinh doanh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh như mua hàng online, mua hàng qua app mua sắm Saigon Co.op… nhằm hạn chế việc đi lại của người dân trong quá trình mua hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết phương án phân phối hàng hóa theo phương thức mua chung là giải pháp đón đầu và phù hợp hoàn toàn với chủ trương mới nhất của UBND TP.HCM về việc yêu cầu người dân toàn thành phố thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”. Người dân không đi mua sắm trực tiếp, mà chính quyền địa phương sẽ có phương án đảm bảo phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đến cho từng hộ dân.

“Chúng tôi đã có sự chuẩn bị tốt về hàng hóa, nhân sự, phương thức kinh doanh để đảm bảo việc phân phối hàng thiết yếu đến người dân được kịp thời. Dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Saigon Co.op luôn tập trung toàn lực, để cùng với chính quyền và người dân chống dịch hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Cũng theo Tổng giám đốc Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ trực thuộc cơ bản chuẩn bị đủ lượng hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá cho nhiều tháng tới; đồng thời tiếp tục nỗ lực bù lỗ, thực hiện giảm và giữ giá bán hàng hóa ổn định trong thời gian tới.

sieu-thi-tphcm.jpg
Các siêu thị tăng lượng hàng hóa gấp nhiều lần trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội tại TP.HCM - Ảnh: Tấn Thanh

Trong khi đó, đại diện Aeon Việt Nam cũng thông tin hệ thống Aeon khu vực TP.HCM sẽ tạm ngưng các kênh bán hàng trực tuyến. Hệ thống này sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân từ ngày 23.8 đến khi có thông báo mới. Tuy tạm ngưng kênh bán hàng trực tuyến, song các siêu thị Aeon vẫn nhập số lượng hàng như bình thường để dự trữ phục vụ người dân trong những ngày sắp tới.

Bách Hoá Xanh cũng thông báo tạm ngưng đặt hàng và giao hàng tận nhà ở những quận huyện thuộc khu vực vùng đỏ. Những quận huyện thuộc khu vực vùng xanh vẫn được Bách Hoá Xanh nỗ lực phối hợp cùng lực lượng chức năng để giao hàng cho người dân.

Tương tự, đại diện Satra thông tin đơn vị luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng trong những ngày giãn cách. Trong đó, 3 siêu thị Satramart, hơn 100 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM vẫn mở cửa hoạt động từ 7 giờ đến 16 giờ 30 hằng ngày, thực hiện kinh doanh “ba tại chỗ”. Hệ thống bán lẻ này cũng kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân theo hình thúc “đi chợ hộ” của tổ COVID-19 cộng đồng.

Siêu thị gặp khó vì chờ hướng dẫn

Đại diện nhiều siêu thị cho biết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các siêu thị chủ động tăng nguồn hàng dự trữ lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay, nhiều đơn hàng chưa thể giao được vì đội ngũ giao hàng không có giấy đi đường.

Trong ngày 23.8, do người dân không được ra khỏi nhà nên các siêu thị dù mở cửa nhưng khách vắng vẻ, hàng hóa đầy ắp. Nhiều siêu thị bắt đầu tăng giới thiệu combo qua các kênh bán hàng online.

sieu-thi-tphcm-1.jpg
Đơn hàng trực tuyến tăng gấp nhiều lần nhưng nhân viên siêu thị không giao được vì không có giấy đi đường - Ảnh: Tấn Thanh

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce nói rằng trong ngày 23.8, đơn hàng qua các kênh đặt hàng trực tuyến và điện thoại gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ tăng mạnh. Hệ thống đã tăng cường gấp 4 - 5 lần nguồn cung nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, hệ thống chưa giao được hàng đến tay người tiêu dùng do nhân viên của hệ thống không được phép đi giao.

Vì vậy, hệ thống này đã ngay lập tức liên hệ với các phường, tổ dân phố để tìm phương án giao hàng đến nhân dân cũng như kết nối với chương trình "đi chợ hộ" của địa phương. Mặc dù vậy, chỉ 10% phường và tổ dân phố đã có phản hồi, 90% còn lại chưa có phản hồi. Hiện tại, các siêu thị, cửa hàng VinMart, VinMart+ đang chờ sự chỉ đạo của Sở Công Thương TP.HCM để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng, phục vụ hàng hóa kịp thời đến nhân dân.

Đại diện hệ thống Satra cũng nói rằng đơn vị này đã đồng loạt gửi văn bản tới các phòng Kinh tế và UBND các quận, huyện có siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Satra hoạt động, cũng như gửi thông tin các gói combo cho địa phương. Thế nhưng, một số địa phương chưa thống nhất được cách triển khai tới người dân nên công tác phối hợp còn một số vấn đề vướng mắc.

Hiện tại, một số siêu thị vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về phương thức hoạt động cũng như cách thức phân phối hàng hóa cho người dân theo hình thức mua hộ. Vì vậy, các hệ thống này mong cơ quan chức năng cần có hướng dẫn ngay để siêu thị chủ động lên kế hoạch thực hiện.

Ngoài ra, mẫu giấy đi đường cho nhân viên, xe chở hàng trong giai đoạn TP.HCM siết chặt giãn cách hiện nay vẫn chưa được sở, ngành liên quan cấp đầy đủ. Một số nhân viên siêu thị còn gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát. Những vướng mắc này dẫn đến việc vận chuyển gặp khó khăn, không đủ nguồn nhân lực để vận hành, không kịp vận chuyển hàng đến điểm bán.

Theo kế hoạch đề ra, hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn TP.HCM như: Saigon Co.op, Satra, Big C, Lotte, Vinmart, Bách Hóa Xanh... sẽ vào cuộc, phối hợp với các địa bàn để đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cũng đã giao Sở Công Thương trên cơ sở hệ thống phân phối sẵn có của thành phố, phối hợp với tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương trong việc điều phối đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Bài liên quan
TP.HCM: Hàng trăm điểm giao dịch ngân hàng ngưng hoạt động vì dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, hàng trăm điểm giao dịch ngân hàng trên địa bàn TP.HCM thông báo tạm dừng hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi chợ hộ ở TP.HCM: Siêu thị rất cần những hướng dẫn cụ thể để phục vụ người dân