Chuyện di tích - di sản ở Việt Nam bị xâm phạm đang ngày càng trở nên phổ biến khi liên tiếp có những sự việc được phanh phui. Điều đáng nói là ai sẽ đứng ra “cứu” di sản trước những nguy cơ xâm phạm này?

Di tích - di sản bị xâm phạm tràn lan, ai là người 'cứu'?

bai cao | 15/03/2018, 21:48

Chuyện di tích - di sản ở Việt Nam bị xâm phạm đang ngày càng trở nên phổ biến khi liên tiếp có những sự việc được phanh phui. Điều đáng nói là ai sẽ đứng ra “cứu” di sản trước những nguy cơ xâm phạm này?

Nhiều di tích - di sản bị xâm phạm

Những ngày qua, dư luận đã bàn tán không ngớt về câu chuyện vùng lõi Tràng An - Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam bị Công ty CP Du lịch Tràng An tự ý xây dựng công trình đường lên núi Huyền Vũ với chiều dài hơn 1km và khoảng 2000 bậc thang. Việc làm này được Thanh tra Bộ VHTT&DL đánh giá là vi phạm hết sức nghiêm trọng Điều 13 của Luật Di sản. Bản thân ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng nhận định, công trình này vi phạm các quy định của UNESCO trong bảo vệ di sản.

Tương tự, công trình tượng Bà Chúa Xứ được xây dựng không phép trong khu vực bảo vệ I của Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng quốc gia Núi Sam (An Giang) vừa qua đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Cho đến nay, dù UBND tỉnh An Giang đã ra văn bản yêu cầu tháo dỡ công trình nhưng tiến độ vẫn chưa đâu vào đâu.

Công trình không phép xây dựng ở vùng lõi Tràng An đang là câu chuyện nóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Thái Bá.
Công trình không phép xây dựng ở vùng lõi Tràng An đang là câu chuyện "nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Thái Bá.

Trước đó, dù đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993 nhưng Quần thể di tích Cố đô Huế vẫn thường xuyên phải đối mặt với nạn xâm hại. Ngày 21/11/2017, thông tin lăng mộ của bà Trần Thị Nga - mẹ vua Dục Đức bị kẻ gian đập phá, đào bới nghiêm trọng đã không khỏi khiến nhiều người đau lòng.

Rồi cách đó không lâu, mộ bà tài nhân họ Lê - phi tần của vua Tự Đức cũng đã bị một công ty tự ý san phẳng để thực hiện dự án bãi đỗ xe gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, nhiều di tích, hiện vật khác thuộc quần thể Cố đô Huế như: lăng Khải Định, trường Quốc Tử Giám, bia Quốc học, Cửu vị thần công, Phu Văn Lâu, Chùa Thiên Mụ... cũng bị tàn phá nghiêm trọng.

Lùi về năm 2015, việc Cty Tùng Lâm tự ý tháo dỡ điểm thờ tự tại chân ga cáp treo để xây mới nhà văn hóa ngay trong vùng 1, vùng bảo vệ đặc biệt của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử - Kinh đô Phật giáo của cả nước cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trước đó khá lâu, đơn vị này cũng tiến hành xây dựng tới 9 điểm thi công ở Yên Tử không phép. Thậm chí, vào thời điểm đó, cơ quan chức năng còn chưa nhận được bản quy hoạch, thiết kế nào do đơn vị này báo cáo.

Trên đây mới chỉ là những ví dụ điển hình bởi thực trạng xâm phạm di sản - di tích đang trở nên đáng báo động. Và đó chính là những mầm móng khiến cho nhiều di sản - di tích có giá trị đang bị biến dạng hoặc biến mất một cách đầy đau lòng.

Ai sẽ là người "cứu"?

Một trong những đặc điểm chung của những vụ xâm phạm di tích - di sản đó là được xây dựng với quy mô lớn, thời gian xây dựng kéo dài và không có giấy phép xây dựng nhưng lại không hề bị “tuýt còi” ngay từ đầu. Chỉ đến khi công trình sắp hoàn thành hoặc đã đưa vào hoạt động và bị báo chí lẫn người dân phản ánh lúc đó chính quyền địa phương mới biết?!

Trong khi đó, theo quy định chung của Việt Nam, di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt cấp, di tích quốc gia… đều được phân cấp cho các địa phương quản lý.

Do đó, ngay như công trình đường lên núi Huyền Vũ ở vùng lõi Tràng An, dù Sở Du lịch Ninh Bình đã có tới 4 văn bản gửi UBND huyện Hoa Lư đề nghị xử lý sai phạm nhưng vẫn không nhận được bất kỳ văn bản phúc đáp nào.

Mộ vua Tự Đức ở Huế bị san ủi làm bãi đỗ xe khiến dư luận đau lòng. Ảnh: Đại Dương.
Mộ vua Tự Đức ở Huế bị san ủi làm bãi đỗ xe khiến dư luận đau lòng. Ảnh: Đại Dương.

Thậm chí chính quyền thành phố An Giang khi được hỏi vì sao không xử lý ngay từ đầu công trình xây dựng tượng Bà Chúa Xứ ở Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng quốc gia Núi Sam đã vô tư trả lời: “Chúng tôi những tưởng họ chở vật liệu để xây dựng hệ thống cáp treo, nào ngờ…”.

Hoặc ngay khi phát hiện ra mộ bà tài nhân họ Lê bị san ủi, Ban Trị sự Nguyễn Phước tộc mong được khôi phục lại lăng mộ ngay vị trí cũ và đơn vị san ủi cũng hứa xây dựng lại lăng mộ nhưng chính quyền thành phố Huế lại dự định di dời để lấy đất cho dự án bãi đỗ xe.

Chính những thực tế này đã khiến cho dư luận đặt câu hỏi: “Phải chăng chính quyền đang làm ngơ cho việc xâm phạm di tích - di sản diễn ra tràn lan và ngang nhiên?”.

GS Trần Lâm Biên cho rằng, tất nhiên di tích hay di sản không phải đứng nguyên tại chỗ mà có sự phát triển. Tuy nhiên, không ai được lấy yếu tố phát triển chung đó để át đi bản sắc văn hóa hoặc những nét độc đáo vốn có. Bản thân ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận, việc xâm phạm di tích - di sản, kể cả tháo gỡ cũng không thể trả lại nguyên trạng di tích được như ban đầu. Và đó là câu chuyện hết sức đau lòng mà các nhà bảo tồn di tích lẫn các cơ quan quản lý phải hết sức lưu ý.

Ở khía cạnh “Ai sẽ là người cứu di tích - di sản trước thực trạng xâm hại đang tràn lan”, GS Trần Lâm Biền thẳng thắn, pháp luật phải đứng ra cứu di tích – di sản bởi họ là đối tượng đủ quyền và lực để thực hiện việc đó. Nhà nghiên cứu văn hóa này cũng cho rằng, người thực thi pháp luật phải mạnh bạo và quyết liệt hơn nữa. Phải có ý thức và trí tuệ cao hơn nữa. Phải có sự hiểu biết lẫn nắm vững nền tảng pháp luật, tuyệt đối không được trốn tránh trách nhiệm.

Một số chuyên gia lại cho rằng, việc phân cấp cho địa phương quản lí di sản – di tích nghĩa là để phát huy tối đa trách nhiệm của cộng đồng sở tại. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều di sản - di tích bị xâm phạm một cách nghiêm trọng mà chính quyền địa phương vẫn đứng ngoài cuộc như hiện nay thì cần phải xem xét lại điều này. Nên chăng đã đến lúc cần phải có sự quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm lẫn nghĩa vụ trong việc phân cấp quản lý di sản - di tích.

Trong một cuộc hội thảo gần đây tại Hà Nội, một số chuyên gia cũng đến việc hoạt động bảo vệ di sản – di tích hiện nay không thể chỉ dừng lại ở quy mô trong nước mà cần phải liên kết chặt chẽ với các quốc gia và tổ chức quốc tế. Việc tham khảo quy trình phân công chức năng - nhiệm vụ giám sát, bảo tồn và phát triển di tích – di sản của các nước trên thế giới là điều không thể không làm.

Theo Luật Di sản văn hóa, các hành vi bị nghiêm cấm là: Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài; lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.

Đối với di tích lịch sử - văn hóa, những hành vi được coi là xâm phạm di tích bị nghiêm cấm là:

a) Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích;

b) Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.

Hà Tùng Long/Dân Trí
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di tích - di sản bị xâm phạm tràn lan, ai là người 'cứu'?