Tôi có thói quen hay để ý những người Việt kiều Mỹ thế hệ thứ nhất thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp gỡ tại Sài Gòn, đa số họ mang đến một cảm giác vừa gần gũi, vừa xa lạ. Gần bởi cùng tiếng nói, cội nguồn nhưng xa lạ vì họ sống ở một chân trời khác, thể hiện phong cách lẫn lối tư duy rất khác. Lạ thay, với anh Lý Thành Phương, tính tỷ lệ trong “công thức cảm giác” đó vừa đúng lại vừa không hẳn.

Từ dòng Thoại Giang, cất bước - quay về

Nguyen Van Thuong | 15/03/2018, 12:51

Tôi có thói quen hay để ý những người Việt kiều Mỹ thế hệ thứ nhất thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp gỡ tại Sài Gòn, đa số họ mang đến một cảm giác vừa gần gũi, vừa xa lạ. Gần bởi cùng tiếng nói, cội nguồn nhưng xa lạ vì họ sống ở một chân trời khác, thể hiện phong cách lẫn lối tư duy rất khác. Lạ thay, với anh Lý Thành Phương, tính tỷ lệ trong “công thức cảm giác” đó vừa đúng lại vừa không hẳn.

Tôi nghĩ có lẽ một phần do anh xuất thân từ miền Tây, vùng đất trù phú, sông nước mênh mang của những con người hồn hậu, chân chất, hào sảng khí phách thương hồ. Đó cũng là vùng đất luôn nằm trong trái tim tôi từ thuở đôi mươi vào thời Đại học được sống trong tình bằng hữu, sống với những người bạn đến từ đồng bằng châu thổ phương Nam. Đặc biệt, cho đến khi đọc cuốn sách Từ dòng Thoại Giang (*) của Lý Thành Phương, sự gần gũi, quý mến đã lấn át cả những quy tắc giao tế thông thường.

Bởi một lẽ đơn giản, miền Tây là thế và người miền Tây là thế! Nhưng vùng Núi Sập - Thoại Sơn, An Giang quê anh hiện lên trong trang viết còn sống động hơn cả những gì tôi biết gấp bội phần. Trong trí nhớ của tôi lưu lại bóng ảnh một vùng quê châu thổ sau chuyến đi “bụi” hiếm hoi xuyên tỉnh An Giang hơn 10 năm trước, Thoại Sơn hoang liêu và nghèo nàn đến độ buồn tẻ giữa ánh nắng hè gay gắt. Trên đường lơ thơ vài bóng người, hầu như chỉ thấy trẻ em và người già.

Hình dung đó trong tôi đã bị thay đổi một cách ngoạn mục khi chạm đến những trang viết trong cuốn tự truyện của Lý Thành Phương, người từng có thời là thầy giáo dạy Toán thuộc thế hệ những nhà sư phạm đầu tiên của đất nước sau ngày thống nhất.

Chưa từng ôm mộng văn chương nhưng Phương đã có cách của riêng mình để thể hiện những gì anh muốn nói. Phương khẽ chạm vào ký ức và từ đó tuôn ra những kỷ niệm đầy xúc cảm về tuổi thơ nhọc nhằn, một trang thiếu niên mê truyện kiếm hiệp đến ước vọng của một thanh niên muốn thoát khỏi lời nguyền xa xưa của vị đạo sĩ núi Sập: “Dân Thoại Sơn không biết tôn sư trọng đạo, ngày sau vĩnh viễn sẽ không có ai được thành đạt!”.

Và chỉ khi đến đoạn hồi ức về những ngày hội đình, ngày lễ tết ở vùng quê Thoại Sơn, anh viết như lên đồng. Ở đó, ký ức của người xa xứ còn đọng lại cả màu sắc và vương vấn hương vị quê nhà, với mùi đốt đồng ngai ngái rơm rạ bùn đất, khung cảnh mùa nước nổi loang loáng trắng cả ruộng đồng hay mùa cá dại trên những dòng kênh trĩu nặng phù sa. Xen lẫn những “thước phim” chân thực về làng quê Nam Bộ thập niên 1970 là những rung động đầu đời, tình yêu tuổi mới lớn thoáng qua mà sâu đậm. Đó cũng chính là những trang văn sinh động, hấp dẫn nhất trong cuốn tự truyện kỳ lạ này.

Chưa bao giờ là một nhà văn, nhưng với cuốn sách này, Lý Thành Phương chí ít là một người kể chuyện đời mình một cách quá đỗi chân thành và vô cùng lôi cuốn, từ trang đầu đến trang cuối. Những biến cố, bao sóng gió, lắm thác ghềnh trong hơn 20 năm đầu của cuộc đời tại Việt Nam đã thành chất liệu ngồn ngộn chắp cánh cho ngòi bút của anh bay bổng. Và Phương cũng cho thấy trách nhiệm, sự nghiêm túc của một người cầm bút khi anh cất công tìm về lại những nơi bước chân mình đã in dấu cách đây hơn 35 năm trước. Anh còn có cơ may gặp lại người này người kia, những “cố nhân” của một thời để có sự đối sánh xưa và nay.

Lần đầu gặp Lý Thành Phương trong quán cà phê giữa cơn mưa bất chợt chiều Sài Gòn, tôi đã tự hỏi, điều gì thôi thúc người đàn ông đã ở bên kia tuổi “lục thập hoa giáp” với cuộc sống thành đạt bên xứ Mỹ đã gác lại mọi thứ để trở về Việt Nam chuyên tâm viết hồi ký? Có nỗi trăn trở nào đó mà nếu không viết ra sợ rằng ngày nào đó sẽ không có cơ hội để giãi bày?

Khi đọc Từ dòng Thoại Giang, tôi đã cảm nhận được phần nào nỗi lòng của Lý Thành Phương. Đâu đó vẫn có những góc khuất không thể rọi sáng trong tâm trí một con người. Cuộc “vượt biển” đầy rẫy hiểm nguy và những ngày tháng lắm nỗi lo âu trong trại tị nạn mòn mỏi chờ ngày đi định cư đã in hằn trong ký ức của Phương và những thân phận như anh thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Dấu ấn của những ngày tháng đó đã để lại trong thói quen của Phương, theo lời “thú nhận” của anh, “Sau năm tháng liên tục ăn lót lòng mì gói, hình như tôi đã ghiền cái hương vị bất hủ này rồi. Bây giờ đã sống ở Mỹ với đồ ăn thừa thãi mà mỗi cuối tuần ở nhà, tôi vẫn còn thích ăn tô mì gói.”

Lý Thành Phương đã sống hơn nửa đời người bên Mỹ, nhưng anh chưa bao giờ quên cội nguồn của mình. Từ dòng sông Thoại quê hương, anh ra đi nhưng vẫn luôn hướng về trong tâm tưởng. Tình yêu quê hương mãnh liệt đến độ vào lúc quan hệ hai nước còn chưa cởi mở, việc đi lại còn khó khăn, anh vẫn tìm cách về thăm Việt Nam.

Tôi hình dung ra cảnh tượng vào lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách, anh quay lại mảnh đất An Giang. Đứng trước dòng Thoại Giang, lòng anh bồng bềnh với bao cảm xúc buồn vui, như một ngày nào đó trong quãng đời niên thiếu anh từng bâng quơ nhìn ngắm nước sông trôi. “Một sự tĩnh lặng, chói chang và nhàm chán tưởng chừng không thể chịu đựng nổi. Tôi phải nhìn thẳng mỗi ngày, đếm những chiếc thuyền qua lại, đếm những người bộ hành và nhìn vào cặp mắt của họ với hy vọng họ sẽ quay mặt về bàn vé số của tôi”, một đoạn văn đầy chất hiện sinh trong Từ dòng Thoại Giang.

Và anh nhớ mãi, đến độ ám ảnh lời một người thầy thời Trung học: “Tất cả rồi cũng mất hết, chỉ có kiến thức và kỷ niệm là còn.” Trong nỗi ám ảnh đó, Lý Thành Phương đã hé mở cho chúng ta thấy một trời kỷ niệm của người con xa quê nhưng không bao giờ quên lãng cội nguồn.

Sau thành công của tập 1 trong bộ tự truyện gồm 2 tập, với sự lan tỏa của quỹ thiện nguyện “Đáp đền tiếp nối” do chính anh sáng lập dành cho quê hương miền Tây, Lý Thành Phương sẽ tiếp tục tái ngộ cùng độc giả gần xa. Dự kiến, tập 2 của bộ tự truyện kể chuyện đời anh bên xứ Mỹ sẽ được xuất bản tại Việt Nam vào cuối năm 2018.

Trần Văn Thưởng

(*) Từ dòng Thoại Giang, tự truyện của Lý Thành Phương, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Saigonbooks ấn hành, quý I-2018.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ dòng Thoại Giang, cất bước - quay về