“Rước đèn tháng tám”, “Thằng Cuội”... được các thế hệ thiếu nhi thuộc lòng hơn nửa thế kỷ. Ca từ thì ai cũng biết, thế nhưng tác giả thì... chẳng mấy ai nhớ.

Đi tìm những tác giả viết ca khúc Tết Trung thu

Hà Đình Nguyên | 21/09/2021, 14:53

“Rước đèn tháng tám”, “Thằng Cuội”... được các thế hệ thiếu nhi thuộc lòng hơn nửa thế kỷ. Ca từ thì ai cũng biết, thế nhưng tác giả thì... chẳng mấy ai nhớ.

Thế hệ chúng tôi vào hơn nửa thế kỷ trước cũng là đám nhóc con hí hửng đón chào Tết Trung thu, đợi đến đêm để đi rước đèn. Hồi đó, cảnh múa lân chỉ có trên... tivi (truyền hình công cộng, mỗi ấp chiến lược được chính phủ cấp một cái, bỏ trong thùng sắt khóa lại, tối mở khóa cho người dân coi).

Vì  phát sóng bằng máy bay trực thăng bay vòng vòng trên khu vực nên sóng chập chờn, màn hình tivi phần nhiều là “ruồi muỗi bay” kèm theo âm thanh kêu ò ò... Cho nên cảnh múa lân là món xa xỉ của trẻ con thành thị, con nít nông thôn chúng tôi chỉ “rước đèn”.

Đứa nào có đèn ông sao, đèn cá chép bọc giấy kiếng là oách lắm, đa phần là chơi đèn giấy xếp hình tròn ống trụ, dài cỡ hơn 2 tấc, thắp cây nến nhỏ ở trong tỏa ánh sáng tù mù, nhiều đứa con nhà nghèo không có tiền mua lồng đèn bèn chơi đèn tự tạo bằng lon sữa bò... Vậy mà vui hết biết!

Riêng tôi thì có cái đam mê khác: Cái máy đĩa pick-up nhà hàng xóm với chồng đĩa hát 45 vòng. Hồi đó thấy tôi mê quá nên gia chủ cho tôi tự do chọn và thay đĩa hát (mỗi lúc đĩa quay hết vòng). Dĩ nhiên, mùa trung thu thì phải nghe nhạc trung thu, vậy là cứ xoay tua quanh những bài hát: Rước đèn tháng tám, Thằng Cuội, Ông Ninh ông Nang, Một đàn chim nhỏ... Những bài hát này được hai ban hợp ca thiếu nhi đình đám hồi đó là Ban Việt Nhi (của nhạc sĩ Nguyễn Đức) và Ban Tuổi Xanh (của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh) trình bày “trên cả tuyệt vời”!

nhidongca_0006.jpg
Bản nhạc Rước đèn tháng tám của nhạc sĩ Văn Thanh  - Ảnh: Tư liệu

Cái “trên cả tuyệt vời” ấy cứ ám ảnh tôi, mãi đến hơn 30 năm sau, khi đã đi làm báo, mỗi mùa trung thu trở về thì cái âm điệu rộn ràng “Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh...” cứ âm âm trong đầu... Thế là tôi quyết định đi tìm các tác giả đã sáng tác những ca khúc tuyệt vời ấy để viết bài đăng trên báo. Dạo ấy (cách đây khoảng 20 năm), ngày nào tôi cũng ngồi ở quán Văn Nghệ (81 Trần Quốc Thảo, Q.3) - nơi quy tụ hầu như đủ mặt văn nghệ sĩ Sài Gòn. Nói quán Văn Nghệ là để định danh, chứ chỉ cần hẹn nhau “ra Tám Mốt” là ai cũng biết nơi cần tới... Cho nên tôi chẳng cần đi đâu xa, chỉ “ra Tám Mốt” hỏi các bậc đàn anh là ra tuốt luốt...

Nghe bài hát Rước đèn tháng tám

Theo nhạc sĩ lão thành Hoàng Châu, tác giả bài hát Rước đèn tháng tám là Văn Thanh (cũng là một “đại sứ thường trực” của 81). Hôm đó không biết vì lý do gì, nhạc sĩ Văn Thanh không đến 81, tôi bèn xách xe chạy qua con hẻm đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nhà ông Văn Thanh gần nhà nhạc sĩ Y Vân và nhà nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân. May quá, ông Văn Thanh có nhà, nhưng ông lại khẳng khái phủ nhận điều này và cho rằng tác giả đích thực phải là Vân Thanh (vì chữ "Vân" và "Văn" na ná nhau nên nhiều người lầm tưởng). Ông tiết lộ thêm chính ông và tác giả Rước đèn tháng tám đã có một thời gian dài cộng tác với Đài phát thanh Pháp Á. Ca khúc Rước đèn tháng tám dù ra đời sau Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương nhưng cũng đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ. Sau đó, để tránh nhầm lẫn giữa Văn Thanh và Vân Thanh, tác giả Vân Thanh đã đổi tên thành Đức Quỳnh (khi tôi viết lại chuyện này thì các nhạc sĩ Hoàng Châu, Văn Thanh, Đức Quỳnh đều đã mất).

Một bài hát khác dành cho thiếu nhi vui đêm trung thu được liệt vào hàng kinh điển là Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương (đã mất năm 1996). Bài hát này không chỉ cuốn hút thế giới tuổi thơ mà còn hấp dẫn cả những người lớn tuổi bởi giai điệu trong sáng, ca từ dễ thương và ngộ nghĩnh: "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ. Lặng yên, ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm chi? Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to...".

cuoi.jpg
Bìa bản nhạc Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương in trước năm 1975 - Ảnh: Tư liệu

Bài hát được NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1953. Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm (đã mất) nói: "Hồi nhỏ, tôi rất khoái khi hát đoạn 3 của bài hát: Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ... Đền công cho gió nỉ non, trời cho sao chiếu ngàn muôn. Có con dế mèn...". Còn nữ nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan thì tâm sự: "Tôi thực sự cảm phục nhạc sĩ Lê Thương bởi ông đã sáng tác bằng cảm xúc, con tim và ánh mắt trẻ thơ. Ông gợi cho chúng những hình ảnh của thế giới cổ tích, thần thoại khi nhìn lên vầng trăng thấy có in hình cây đa, chú Cuội rồi kích thích trí tưởng tượng của chúng".

Nhạc sĩ Lê Thương còn một bài hát thiếu nhi rất ngộ nghĩnh nữa là Ông Ninh ông Nang. Hai ông này gặp nhau ở đầu làng nơi có cái đình, có vậy thôi mà 2 ông cãi nhau ì xèo đầu đình với đầu làng: “Ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình, ông gặp ông Nảng ông Nang. Ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng, ông gặp ông Nỉnh ông Ninh…”.

Đoạn “cãi nhau” hát... líu cả lưỡi, vậy mà Ban Tuổi Xanh (trong đó có ca sĩ Mai Hương và nhạc sĩ Quốc Dũng bây giờ) xử lý rất tốt, mới thấy trình độ của các ca sĩ nhí hồi ấy...

Một bài hát trung thu rất dễ thương nữa là bài Một đàn chim nhỏ của nhạc sĩ Phạm Duy: “Thằng Cuội yêu chị Hằng Nga, nói dối ông bà lên thăm mặt trăng, ố tang tình tang, ố tang tình tình... Một đàn chim nhỏ bay đêm, bay suốt năm liền tới cõi trần gian, ố tang tình tang, ố tang tình tình... Động lòng thương trẻ ngây thơ, đàn chim nhỏ bé bay vô trả lời...”.

Tôi nhớ năm 1969, người Mỹ lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng bằng phi thuyền Apollo 11, vậy mà trước đó 12 năm, khi nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác bài hát này (1957) ông đã tiên đoán: “Từ ngày có hỏa tinh bay, bay có ba ngày lên tới mặt trăng, ố tang tình tang, ố tang tình tình...”. Sự có mặt của con người và máy móc văn minh đã khuấy động cuộc sống yên bình của các “cư dân mặt trăng” khiến cho: "Cuội đành đem chị Hằng Nga, tìm xứ xây nhà không biết ở đâu, ố tang tình tang, ố tang tình tình...”.

Cái thằng bé mê mẩn bên cái máy hát đĩa ngày ấy bây giờ đã... U70, ngồi viết lại những dòng này để hoài niệm tuổi thơ và cả những khuôn mặt văn nghệ đã từng xuất hiện, la cà ở “Tám Mốt Trần Quốc Thảo” một thời...

Chúc mọi người và nhất là các cháu “Năm sau đón Tết Trung thu không có COVID-19”.

Nghe Thằng Cuội do Bích Huyền của Ban Tuổi Xanh hát trước 1975:

Bài liên quan
Hoài niệm một Tết Trung thu bình thường
Rằm tháng 8 âm lịch, còn gọi là Tết Trung thu hay Tết nhi đồng, khi chưa có dịch COVID-19 khắp các nẻo đường thành phố ngoài những gian hàng bán bánh trung thu với cách bài trí màu sắc sặc sỡ đặc trưng từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong thật bắt mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi tìm những tác giả viết ca khúc Tết Trung thu