Theo tạp chí TechCrunch, một nhóm nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ đã trình làng chiếc điện thoại di động gồm một số chi tiết có thể tự lắp ráp để trở thành một khối hoàn chỉnh.
Đây là kết quả của việc hợp tác với hãng thiết kế ở Cambridge. Chiếc điện thoại thông minh hoàn toàn tự lắp ráp để trở thành thành phẩm ở trạng thái hoạt động, tức nghe gọi được mà không cần sự can thiệp của con người và kỹ thuật chuyên dụng. Tuy còn thô nhưng ở xưởng thí nghiệm, 2 chiếc điện thoại đã tự lắp ráp từ 6 chi tiết, mỗi điện thoại có 3 chi tiết. Để các chi tiết lắp ráp lại thành một thể thống nhất, tất cả được đưa vào một chiếc trống- dạng máy ly tâm độc đáo, sau 1 phút là đã có thành phẩm.
Trong video do các nhà khoa học quay, các chi tiết của 2 điện thoại thông minh được đưa vào chiếc trống chuyên dụng, chuyển động với tốc độ đủ để bảo đảm những điều kiện không làm xước gẫy các chi tiết đó. Kết cấu các bộ phận gắn có từ tính bảo đảm để chúng lắp được khớp với nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, trong tương lai, công nghệ kiện toàn sẽ cho phép ứng dụng trong lắp ráp các sản phẩm điện tử giúp hạ giá thành sản xuất.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học của MIT đề xuất công nghệ này. Trong viện có hẳn một đơn vị chuyên về mảng đề tài tự lắp ráp Self-Assembly Lab, nơi các nhân viên từ năm 2011 đã tiến hành các thí nghiệm in 4 chiều, thậm chí mới đây họ còn nghiên cứu và chế tạo ra những loại vật liệu tự lắp ráp hoặc vật liệu có thể tự lập trình để hình thành các dạng nhất định.
Trước đó họ đã từng giới thiệu dự án sản xuất đồ gỗ tự lắp ráp. Nhân viên Skyler Tibbits kể rằng ông đã lãnh đạo cán bộ trong đơn vị thử nghiệm dự án sản xuất đồ gỗ tự lắp ráp và tạo ra loại dây giầy tự xâu vào lỗ giầy. Còn bây giờ đã đến lượt sản xuất những sản phẩm điện tử tự lắp ráp.
Vũ Trung Hương