Nữ diễn viên sinh năm 1988 - Thiên Thanh - kể hậu trường lồng tiếng Việt cho vai bà nội Kalyahi Devi trong phim Ấn Độ dài hơn 1800 tập gây sốt suốt thời gian qua.
Diễn viên Thiên Thanh đã dành cho báo điện tử Một Thế Giới một buổi chuyện trò để khán giả hiểu hơn về những vất vả mà các diễn viên tham gia trong phim Cô dâu 8 tuổi đầy thu hút.
Chị đến với vai lồng tiếng cho nhân vật bà Kalyahi Devi trong "Cô dâu 8 tuổi" như thế nào?
Tôi được nhà đài giao lồng tiếng cho nhân vật này bởi hợp giọng. Tới nay, tôi đã đồng hành cùng vai diễn này hơn một năm. Kalyahi Devi là nhân vật bà nội chồng cô dâu 8 tuổi. Bà ấy khoảng 70 tuổi nhưng nhìn còn khỏe mạnh và tinh tường. Bà này có tính cách hơi độc đoán, gia trưởng nhưng giống con nít ở điểm hay ganh tị.
Vai bà nội của Cô dâu 8 tuổi thu hút người xem vì những việc làm và những tính cách của mình
Chị gặp khó khăn gì khi lồng tiếng cho vai diễn này?
Trong nghề, diễn viên lồng tiếng thường nương theo diễn viên chính. Họ diễn như thế nào mình cần lồng cho ra "chất" y chang như vậy nhằm giữ được hồn cốt nhân vật.
Vai diễn của tôi trong phim này nói rất nhiều và dài hơi. Mỗi câu thoại của bà dài nửa trang giấy A4. Tính cách của bà cũng thay đổi rất đa dạng, nhiều màu sắc và có chiều sâu. Do đó, tôi phải diễn giọng y hệt để toát hết tính cách của nhân vật. Tôi thậm chí múa tay phụ họa khi lồng những đoạn cao trào.
Những đoạn này cũng là những lúc mệt nhất. Khi nhân vật này la hét, chửi bới là tôi vừa phải chì giọng xuống cho giống người già, vừa phải la hét nên rất khó điều phối giọng. Tôi khàn giọng đi, thường đau cổ họng cũng bởi lồng tiếng cho nhân vật này. Có lúc mệt, tôi nghỉ năm phút rồi làm tiếp.
Ngoài ra, nếu lồng tiếng vào buổi tối, giọng mình đừ đi và khó lồng hơn ban ngày.
Chị diễn đạt thế nào những câu "Ôi thần linh ơi” gắn liền với nhân vật này trong phim và ngoài đời?
Tôi thả hồn vào nhân vật, mới đầu thì cảm thấy chưa tốt, nhưng từ từ tôi nhập tâm được tự nhiên nên thấy thoải mái lồng những câu nói này. Trong phim, tôi nói câu này không ngượng miệng nhưng khi ra ngoài, tôi thấy câu này kỳ quặc sao đó, không thuận miệng nên không bao giờ tôi nói câu đó.
Lồng tiếng cho vai phản diện bị ghét nhất của phim, chị thấy vai này như thế nào?
Quả thật, bà nội là ngọn nguồn gây rắc rối và mọi nỗi khổ cho nhân vật chính – cô dâu Anandi, cũng như các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, đây là vai diễn tôi thích nhất của phim. Bởi vai diễn này hay, đa dạng cảm xúc và là mấu chốt của phim. Vai diễn này không nhàm chán mà gây hứng thú khiến người xem bị cuốn vào phim.
Nhiều lúc khán giả thấy ghét và căm tức bà già vô lý này ghê gớm nhưng có lúc thấy bà dễ thương và tội nghiệp bởi bà ta chỉ là một người già có tư duy phong kiến, cổ hủ. Đôi khi nhân vật này cũng rất hài hước và đáng cười bởi hay giận, ghen tị và trả treo với con cháu.
Mọi người chỉ trích phim "Cô dâu 8 tuổi" dài lê thê, cá nhân chị thấy phim ra sao?
Tôi cũng thấy phim dài thật. Tiết tấu của phim cũng hơi chậm nhưng tác phẩm này cũng có cái đáng để coi. Đây là câu chuyện về gia đình phản ánh phông văn hóa Ấn Độ, được kịch tính hóa để tăng thêm sức hấp dẫn và thú vị.
Một series truyền hình như "Cô dâu 8 tuổi" cần bao nhiêu diễn viên lồng tiếng và mất bao lâu?
Thông thường một phim cần chín diễn viên lồng tiếng, gồm bốn nam và năm nữ, nhưng Cô dâu 8 tuổi chỉ cần tám người lồng tiếng. Giọng nữ có thể lồng được cho nhân vật trẻ em.
Trung bình mỗi tháng chúng tôi lồng bốn tới năm phim. Một diễn viên lồng tiếng như tôi thường làm hai ca một ngày, mỗi ca khoảng từ ba đến bốn tiếng.
Diễn viên Thiên Thanh chia sẻ chị đã bị khàn tiếng khi lồng tiếng cho vai Bà nội trong phim Cô dâu 8 tuổi
Lồng tiếng cho phim dài gần 2.000 tập mà chưa hết, chị và êkíp gặp khó khăn gì?
Mới đầu êkíp chúng tôi không biết phim dài như vậy. Khi biết phim dài gần 2.000 tập thấy cũng vui và làm việc như nhiều phim khác thôi. Lồng tiếng cho phim dài như thế này chúng tôi sẽ khó sắp xếp thời gian nghỉ ngơi. Đặc biệt là nếu muốn nghỉ dài, muốn có một hoặc hai tuần đi đâu đó cũng khó khăn vì phim vừa chiếu vừa lồng, nếu diễn viên lồng tiếng nghỉ sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều khâu. Nếu muốn nghỉ, chúng tôi cần báo trước một tháng để êkíp sắp xếp.
Chị đến và gắn bó với nghề lồng tiếng ra sao?
Khoảng năm 2010, tôi tốt nghiệp khoa Diễn xuất ở trường Sân khấu và điện ảnh TP HCM. Trong khi tôi hoang mang về lựa chọn nghề nghiệp thì được một người chị giới thiệu đi lồng tiếng phim. Kể từ đó, tôi sống bằng hai nghề gồm diễn kịch và lồng tiếng để bổ trợ cho nhau. Tôi đã lồng tiếng được hơn sáu năm. Hiện tôi cũng là diễn viên kịch của Nhà hát kịch Phú Nhuận, TP HCM.
Diễn viên lồng tiếng là những người đứng sau màn ảnh nhưng cũng bỏ công sức để hoàn thành tốt vai diễn của mình. Lâu lâu khi chúng tôi đi ra đường có người nhận khen giọng hay thì thấy vui.
Ở hậu trường, chị gặp những tình huống oái oăm hay hài hước ở hậu trường nào?
Tôi từng một mình lồng tiếng cho hai vai trong một phim Trung Quốc bởi diễn viênhóa thân vào hai người khác nhau: một người độc ác còn người kia nhí nhảnh ngây thơ.
Khi lồng tiếng, tôi làm chung với một nhân viên kỹ thuật. Nhiều lúc một mình tôi lồng tiếng cho hai vai trong cùng cảnh, tôi phải đổi giọng liên tục, nhiều khi lộn giọng là phải làm lại. Khi tôi đọc ngược hoặc đọc líu một từ nào, từ đó biến nghĩa gây cười.
Q.P