Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đang áp dụng liệu pháp nội tiết để điều trị ung thư vú, nhưng thời gian gần đây không ít bệnh nhân lo lắng vì liệu pháp này chưa thấy hiệu quả mà lại xuất hiện rất nhiều tác dụng phụ gây đau đớn.

Điều trị ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết có hiệu quả?

Hồ Quang | 15/03/2021, 19:07

Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đang áp dụng liệu pháp nội tiết để điều trị ung thư vú, nhưng thời gian gần đây không ít bệnh nhân lo lắng vì liệu pháp này chưa thấy hiệu quả mà lại xuất hiện rất nhiều tác dụng phụ gây đau đớn.

Theo số liệu của Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có hơn 21.000 phụ nữ mắc ung thư vú mới, trong đó có hơn 9.000 ca tử vong. Một số nghiên cứu dịch tễ tại TP.HCM cũng cho thấy, ung thư vú là loại ung thư thường gặp, chiếm hơn gần 24% với tỉ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 31,9/100.000 phụ nữ. Bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

dieu-tri-ung-thu-vu-bang-lieu-phap-noi-tiet-co-hieu-qua-hinh-anh(1).png
Nhiều bệnh nhân ung thư vú lo lắng về việc điều trị bệnh bằng liệu pháp nội tiết - Ảnh: PV

Thời gian gần đây, việc điều trị ung thư vú ở Việt Nam, ngoài phương pháp thường áp dụng là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… thì nhiều cơ sở y tế còn áp dụng liệu pháp nội tiết trong điều trị ung thư vú nhằm vô hiệu hóa, hoặc làm giảm nồng độ của estrogen trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa ung thư tiến triển hoặc tái phát.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ung thư vú khi điều trị bằng nội tiết cho rằng phương pháp này chưa thấy tác dụng đâu nhưng để lại rất nhiều tác dụng phụ, nhất là xuất hiện các cơn bốc hỏa, đau khớp, loãng xương… gây thêm đau đớn cho bệnh nhân vốn đã bị đau đớn do bệnh tật. Nhiều bệnh nhân đang điều trị liệu pháp này đã bỏ ngang vì không thể chịu nổi những tác dụng phụ ấy.

Về điều này, theo TS.BS Nguyễn Hữu Phúc – Trưởng khoa tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, liệu pháp nội tiết đã được chứng minh hiệu quả đối với người bệnh ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính (ER), giúp giảm 40% tỷ lệ tái phát và 30% tỷ lệ tử vong, góp phần kéo dài thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

“Việc điều trị ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết nên kéo dài ít nhất 5 năm. Tương tự các phương pháp điều trị ung thư vú khác, liệu pháp nội tiết cũng có một số tác dụng phụ như xuất hiện các cơn bốc hỏa, đau khớp, loãng xương… Một số người bệnh vì lo lắng khi gặp tác dụng phụ đã tự ý ngưng sử dụng khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ, làm giảm hiệu quả và gián đoạn quá trình điều trị. Vì vậy, khi có tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được đánh giá và điều chỉnh thuốc cho phù hợp với thể trạng”, bác sĩ Phúc nói.

Phân tích của bác sĩ Phúc cho thấy, liệu pháp nội tiết hiện đang là “vũ khí” điều trị góp phần cứu lấy hàng triệu phụ nữ mắc ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính. Đây là một dạng điều trị nhắm trúng đích với tác dụng phụ nhẹ, giúp hỗ trợ quá trình điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Tùy vào độ tuổi, tình trạng kinh nguyệt và phân nhóm nguy cơ, các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc nội tiết khác nhau, giúp vô hiệu hóa hoặc làm giảm nồng độ của estrogen trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa ung thư tiến triển hoặc tái phát. Một số nghiên cứu cho thấy, thụ thể nội tiết dương tính chiếm khoảng 65-75% trường hợp người bệnh ung thư vú. Người bệnh càng lớn tuổi thì càng có nhiều thụ thể dương tính. Đây là đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn từ liệu pháp nội tiết.

Theo bác sĩ Phúc, nội tiết tố là các phân tử tín hiệu (hay còn gọi là hormone) giúp điều hòa hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể. Các nội tiết tố này được tiết ra bởi các cơ quan nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, buồng trứng... Với tuyến vú, 2 nội tiết tố chính là estrogen và progesterone giúp cho vú phát triển, trưởng thành và tạo sữa. Tuy nhiên, estrogen cũng gây kích thích sự tăng trưởng của tế bào đột biến, khi gắn vào các thụ thể nội tiết ER sẽ làm các nhóm tế bào đột biến sinh sôi, phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ thể và gây ra ung thư vú.

“Chị em phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư bằng các biện pháp như chụp nhũ ảnh, siêu âm, MRI… để kịp thời phát hiện các tế bào ung thư, đặc biệt là với người có nguy cơ cao như gia đình có tiền sử mắc ung thư vú, người trên 40 tuổi, hành kinh sớm, từng xạ trị vùng ngực…

Ngoài ra, chị em phụ nữ có thể chủ động tầm soát ung thư vú cho bản thân bằng cách sử dụng lòng bàn tay kiểm tra vú để phát hiện sớm các khối u, cục hoặc tình trạng chảy dịch từ trong núm vú. Nên thực hiện phương pháp này vào ngày thứ 10 của chu kỳ kinh nguyệt để có kết quả chính xác nhất. Bên cạnh đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, nên nhanh chóng đến khám chuyên khoa vú để được kiểm tra, tư vấn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều trị ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết có hiệu quả?