Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi học THCS, THPT là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển tốt nhất nguồn nhân lực ở nước ta.

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh: Phát triển cả lý thuyết lẫn thực hành

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 15/12/2022, 19:30

Việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi học THCS, THPT là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển tốt nhất nguồn nhân lực ở nước ta.

Hướng nghiệp cho học sinh: Đừng lãng phí nguồn nhân lực trẻ

Việc phân luồng hướng nghiệp càng trở nên quan trọng hơn khi bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn môn học và nội dung học, nhằm phát triển cả kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành, hướng tới định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Để định hướng cho trẻ chọn đúng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, đặc biệt là cần thực hiện sớm từ bậc THCS.

Hiện nay, có không ít học sinh lựa chọn nghề nghiệp chủ yếu dựa trên xu hướng chung hoặc mong muốn của gia đình chứ chưa thực sự nắm được khả năng mình có phù hợp và yêu thích nghề nghiệp đó hay không, dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ không tìm được việc làm sau khi ra trường, làm lãng phí nguồn nhân lực trẻ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo (trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, 2 năm học qua bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc tư vấn cho các học sinh để chọn trường, chọn nghề cũng gặp nhiều khó khăn.

"Thường cứ vào khoảng hết học kỳ 1, học sinh sẽ được học nước rút và nhà trường sẽ thông báo cụ thể cho phụ huynh về tình hình học tập của con em mình. Từ đó căn cứ theo đánh giá, phân hóa học sinh để đưa ra các mục tiêu tư vấn chọn trường cho các em một cách phù hợp. Điều này có ý nghĩa quan trọng để giúp cả học sinh lẫn phụ huynh trong việc định hướng nghề, hạn chế tính áp đặt của cha mẹ hoặc lựa chọn mục tiêu không sát thực của học sinh".

Nhiều phụ huynh có con học lớp 9 đều có mong muốn, kỳ vọng và dành hết tâm lực để con có thể thi đỗ vào lớp 10 của các trường THPT. Không ít cha mẹ học sinh áp đặt mong muốn của mình cho con, bằng mọi cách bắt con thực hiện được mục tiêu của mình mà không quan tâm nhiều tới mong muốn, nguyện vọng nghề nghiệp cũng như năng lực và sức học của con. Từ đó, vô tình cha mẹ đã đặt lên vai con mình những áp lực không hề nhỏ, buộc con phải bước vào “guồng quay” học ôn, học thêm cực kỳ mệt mỏi.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam (Chuyên gia tâm lý học - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay nhiều bạn trẻ có quan niệm rằng bản thân mình đam mê hay thích điều gì thì mình sẽ làm tốt điều đó, nhưng thực tế nghiên cứu cho thấy rằng logic này là chưa hoàn toàn chính xác. Đáp án đúng phải là ngược lại, khi bạn có thế mạnh và làm tốt một việc gì thì bạn sẽ đam mê với công việc đó. Vì vậy, để tự định hướng nghề nghiệp bạn cần xác định được thế mạnh của mình là gì. Điều này cũng chính là điều các học sinh cần xác định rõ khi bắt đầu thực hiện lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho mình.

an-toan-khong-gian-mang-2.jpg
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần thực hiện từ những năm học THCS

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Trần Thành Nam cũng lưu ý một số sai lầm thường gặp của học sinh khi chọn nghề đó là tư tưởng chọn nghề chỉ dựa vào năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lý do kinh tế, chọn nghề được xã hội trọng vọng, tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học,… Đây cũng chính là điều làm lãng phí nguồn nhân lực trẻ hiện nay ở nước ta. "Muốn hướng nghiệp thì căn cứ vào sở thích, năng lực cũng như yêu cầu xã hội chứ không phải theo ý kiến áp đặt chủ quan của cha mẹ học sinh".

Thực tế có những trường hợp, phụ huynh ép con học những ngành có cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, nhưng sau này có thể các em không thực sự hạnh phúc với công việc của mình, thì đó cũng không phải là một lựa chọn tốt. Còn đối với các thí sinh, khi lựa chọn nghề, nên có sự tìm hiểu kỹ về ngành nghề mà mình lựa chọn. Thực tế có những trường hợp khi các em vào học một thời gian, có sự hiểu rõ về ngành nghề mà mình theo học, lúc đó, các em mới thấy có đam mê.

Đừng để học sinh chọn sai nghề - ngồi sai trường

Hiện nay, ở các trường ĐH, cao đẳng, hàng nghìn sinh viên bị đuổi học, bị đình chỉ học, nguyên nhân chính là các em chọn học sai ngành, sai nghề thậm chí sai cả trường dẫn đến chán nản không theo tiếp để học.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, việc chọn ngành nghề cũng giống như đặt viên gạch đầu tiên khi xây dựng ngôi nhà. Nếu có được một cái móng tốt, thì sẽ có được ngôi nhà tốt, vững chắc, và không phải mất thời gian xây lại hay sửa chữa. Đối với việc lựa chọn ngành nghề của con, phụ huynh giữ vai trò quan trọng, nhưng ở góc độ đồng hành, định hướng giúp con. Để có được sự định hướng tốt, phụ huynh cần hiểu và đánh giá đúng được năng lực của con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con.

Còn theo ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, bố mẹ nào cũng muốn tốt đẹp cho con, thương con, nhưng nếu làm không đúng thì cái hại còn lớn hơn. Trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho con, bố mẹ không nên lấy quyền của mình ra để áp đặt con. Giả sử con suy nghĩ chưa tới thì sẽ phân tích để cho con tự lựa chọn, quyết định. Bố mẹ nên giữ vai trò tư vấn, cho con đi tìm hiểu thông tin, hoặc cùng con tìm hiểu. Nếu thông tin nào của con chưa đúng, thì cung cấp thông tin cho con, từ đó trao đổi, cùng con bàn bạc, để con đưa ra lựa chọn cuối cùng. Đừng để cuối cùng các con chọn sai nghề, học sai trường, thậm chí đi sai cách.

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB-XH, hiện nay tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề ngày càng tăng, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Trong năm 2020, tỷ lệ này đạt khoảng 16%, tăng 5% so với năm 2015. Với lựa chọn theo học hệ trung cấp, cao đẳng nghề hệ 9+ ngay khi hết cấp hai, phần lớn học sinh cũng đặt rõ mục tiêu thay vì học 3 năm THPT, học nghề sớm sẽ rút ngắn con đường đến với việc làm.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc học nghề sớm giúp các em sớm có kỹ năng và trình độ, linh hoạt trong chuyển đổi công việc. Nhất là hiện nay, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, ngày càng nhiều nghề mới xuất hiện thay thế các nghề cũ. Tâm lý lựa chọn học nghề sau khi kết thúc THCS cũng đang dần có những chuyển biến với những nỗ lực trong công tác hướng nghiệp trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các trường THCS nay đã có tổ chức những buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. 

Trong nhiều năm trở lại đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục và được toàn xã hội quan tâm. Bởi lẽ, nếu thực hiện tốt được các mục tiêu về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ giúp định hướng và tạo điều kiện để học sinh được tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, bảo đảm phù hợp nhất trình độ, năng lực, sở trường và nhu cầu của mỗi học sinh. Rộng hơn, từ hiệu ứng tích cực của phân luồng học sinh sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu về cả trình độ, ngành nghề đào tạo và việc chuyển dịch cơ cấu nhân lực. 

Và như chuyên gia tâm lý giáo dục ông Trần Thành Nam khi nói về con đường để nâng cao dân trí thì không phải đặt ra chỉ tiêu phải đào tạo được bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Mỗi cá nhân phải tự khám phá được bản thân mình có những điểm mạnh gì, tố chất, năng khiếu, năng lực nổi trội nào. Các em học sinh phải xác định được đam mê, sở thích, hứng thú của bản thân ra sao, khám phá giá trị nào mang lại hạnh phúc cho bản thân. Phải hiểu được những ngành nghề xã hội không còn nhu cầu và xu thế ngành nghề mới trong tương lai.

"Để tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai, không gì bằng việc để cho bản thân tự trải nghiệm và khám phá. Hãy đi làm thêm ngay từ khi bạn còn ngôi trên ghế giảng đường đại học, và lời khuyên dành cho bạn là nên thử nhiều lĩnh vực thay vì chỉ tập trung vào một việc làm. Đó là cách nhanh nhất và chính xác nhất để khám phá nghề nghiệp phù hợp với bản thân".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
7 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh: Phát triển cả lý thuyết lẫn thực hành