HLV Jose Mourinho từng nói một câu đầy triết lý trong bóng đá: “Thắng 1 trận đấu 10-0 bạn hủy diệt 1 trận đấu, thắng 10 trận đấu 1-0 bạn hủy diệt cả giải đấu”.
Trong bài viết hôm qua, tôi đã cảnh báo Nhật có thể thua Costa Rica giống như Ả Rập Saudi:
“Việc Ả Rập Saudi bị đảo chiều ngược cũng là nỗi thất vọng cho người hâm mộ châu Á. Lượt trận đầu, họ thắng ấn tượng Argentina 2-1 nhưng lại để thua 0-2 đầy đáng tiếc trước Ba Lan nên từ thứ nhất đã xuống thứ 3 bảng C. Thất bại của Ả Rập Saudi sẽ là lời cảnh báo cho Nhật để chơi thận trọng hơn khi gặp Costa Rica ở lượt trận thứ hai.
Cũng như Ả Rập Saudi, Nhật đã được tung hô lên mây khi thắng ngược Đức ở trận ra quân. Rõ ràng Costa Rica không được đánh giá cao bằng Đức, nhưng với trào lưu ‘bại binh phục hận’ như đã kể ở trên, Costa Rica sẽ rất nguy hiểm khi đá trong thế không còn gì để mất”.
Và những điều lo lắng cho đại diện châu Á đã trở thành hiện thực: khi Nhật thua Costa Rica 0-1. Lúc này, Nhật tuy đứng thứ nhì bảng E nhưng ưu thế không còn nhiều nữa. Lượt cuối, Nhật cần phải thắng Tây Ban Nha mới giành quyền vé đi tiếp mà không cần nhìn trước ngó sau.
Trong trường hợp Nhật chỉ hòa thì quyền tự quyết không còn ở trong tay họ vì khi đó vé có thể thuộc về Costa Rica (nếu thắng Đức) hay thuộc về Đức (nếu thắng Costa Rica).
Với tâm lý hiện nay, để Nhật có được trận hòa Tây Ban Nha cũng không dễ dàng gì và nếu thua đội bóng xứ đấu bò thì Nhật chắc chắn bị loại.
Quá đáng tiếc cho Nhật khi họ rơi vào hiểm cảnh như vậy. Nhật đã vượt qua ngọn núi khó khăn là thắng Đức nhưng lại vấp ngã khi bị ngáng đường bởi hòn đá Costa Rica. Nếu thắng Costa Rica thì Nhật giờ này đã thành đội bóng châu Á đầu tiên vượt qua vòng bảng. Thực tế lúc này, cơ hội đi tiếp của Nhật còn bị đánh giá thấp hơn cả các đại diện châu Á khác như Úc, Iran hay thậm chí là Ả Rập Saudi.
Nhật đã thắng Đức bằng sự khiêm tốn khi đối thủ mạnh hơn có dấu hiệu chủ quan. Tuy nhiên, ngay sau đó, Nhật lại rơi vào vết xe đổ chủ quan của Đức khi đá với Costa Rica.
HLV tuyển Nhật đã có những toan tính khó hiểu khi xáo trộn lực lượng và những nhân tố mới mà ông đưa vào sân đều gây thất vọng. Nhật tuy có thế trận áp đảo nhưng những đường dứt điểm không còn sắc lẹm như kiếm của Samurai nữa.
Trước đó, Ả Rập Saudi cũng rơi vào trạng thái lâng lâng sau khi thắng Argentina để rồi đến khi gặp Ba Lan họ đánh mất sự sắc sảo. Ả Rập Saudi cũng tạo ra thế trận áp đảo hơn, dồn ép đối thủ hơn nhưng không kiếm nổi bàn thắng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cả Nhật và Ả Rập Saudi đều thắng các đội bóng lớn trong thế trận khó khăn rồi để thua trước những đối thủ dễ chơi hơn trong một thế trận dễ dàng?
HLV Jose Mourinho từng nói một câu đầy triết lý trong bóng đá: “Thắng 1 trận đấu 10-0 bạn hủy diệt 1 trận đấu, thắng 10 trận đấu 1-0 bạn hủy diệt cả giải đấu”. Nó cũng là một cách để diễn giải câu của Sir Alex Ferguson là: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”.
Việc chơi một trận tưng bừng, tạo ra cú sốc như kiểu thắng 10-0 thì cũng… bình thường thôi. Việc Ả Rập Saudi hay Nhật thắng được Argentina hay Đức cũng bình thường thôi. Điều quan trọng là sau đó là phải thắng liên tục.
Một đội bóng mạnh thực sự, đẳng cấp thực sự sẽ luôn biết cách tìm chiến thắng cho dù đối thủ phía trước là ai, dù đối thủ mạnh như Đức hay dễ chơi như Costa Rica. Còn việc thắng được Đức rồi sau lại thua Costa Rica thì điều đó chứng tỏ Nhật chưa phải đội bóng cứng cáp tại World Cup theo quan điểm của Mourinho.
Rõ ràng Nhật tỏ ra thoải mái khi đóng vai đội cửa dưới khi gặp Đức và thuận lợi về tâm lý khi triển khai lối chơi. Nhưng đến khi họ phải đóng vai cửa trên khi đá với Costa Rica thì các cầu thủ Nhật đã đánh mất chính mình.
Dường như Nhật chưa sẵn sàng với tâm lý lạnh lùng để đóng vai kẻ chinh phạt khi ra sân chơi World Cup.
Ở World Cup 2018 cũng vậy. Nhật khi bị đánh giá thấp trước Colombia đã chơi tuyệt hay để thắng 2-1, trả món nợ để thua 1-4 lượt cuối vòng bảng năm 2014. Đến trận thứ 2, Nhật vẫn chơi quả cảm trước Senegal để hòa 2-2. Nhưng ở lượt cuối, khi găp Ba Lan đã bị loại thì Nhật đá không đúng sức và thua 0-1. May là 4 năm trước, Nhật đi tiếp nhờ hơn Senegal chỉ số fair-play.
Tại vòng 1/8 sau đó, Nhật chơi rất hay khi bị đánh giá thấp trước Bỉ khi dẫn 2-0 đến tận giữa hiệp 2. Nhưng khi có chút vốn liếng thì Nhật rơi vào bẫy tâm lý và thua ngược 2-3 trong hơn 20 phút cuối.
Các cổ động viên châu Á mong rằng Nhật và cả Ả Rập Saudi đều có thể vượt được cú sốc ngã từ trên mây để chơi bình tĩnh ở lượt cuối. Nhưng cái đó thì phải chờ xem độ cứng của họ ra sao khi đá tại sân chơi World Cup.