Các dịp lễ, tết, ngày nghỉ người dân đi lại nhiều, cộng với việc quản lý vật nuôi có phần bị buông lỏng là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn hoặc tấn công gây chấn thương.
Thông tin Y học

Dịp tết, nhiều trẻ em bị vật nuôi cắn thương tâm, có trường hợp tử vong

Minh An 20:55 20/02/2024

Các dịp lễ, tết, ngày nghỉ người dân đi lại nhiều, cộng với việc quản lý vật nuôi có phần bị buông lỏng là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn hoặc tấn công gây chấn thương.

Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công

Theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương (TP.Hà Nội), chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bệnh viện đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.

Hoàn cảnh bị tấn công chủ yếu xảy ra khi người dân đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc vật nuôi trong dịp tết.

Đã có những trường hợp bị chó cắn rất thương tâm. Như trường hợp bé trai 7 tuổi (ở Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang), đi chúc Tết nhà bà ngoại bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi, đến mức lộ ruột ra ngoài và thủng ruột. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương cháu được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại kịp thời.

Một trường hợp khác là bé gái 6 tuổi (ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội), bị chó nhà nuôi cắn, day vào đầu, mặt khiến lộ vùng xương sọ hai bên đỉnh đầu. Sau khi được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Vân Đình, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị và tiêm huyết thanh, vắc xin phòng bệnh dại.

Cả hai con chó tấn công trẻ trong hai vụ việc trên đều chưa được tiêm phòng dại.

Các bác sĩ cảnh báo, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

t02-19-03.jpg.png
Thời gian ủ bệnh dại phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn - Ảnh mang tính minh họa

Trẻ tử vong sau 9 ngày bị chó cắn

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết trong thời gian Tết vừa qua đơn vị đã tiếp nhận một số trường hợp ở tỉnh chuyển đến vì bị chó dại cắn.

Có trường hợp chuyển nặng, không qua khỏi. Đó là trường hợp bé gái T.T.H.T (4 tuổi, ngụ xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã tử vong sau 9 ngày bị một con chó nhỏ (khoảng 5 - 6 tháng tuổi) cắn vào vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má.

Báo cáo của Trung tâm Y tế Hàm Tân cho biết, bé gái T.T.H.T sau khi bị chó cắn nhiều vị trí ở mặt không được người nhà xử lý vết thương tại chỗ, không tiêm phòng dại nhưng lại đưa em đi điều trị dại bằng phương pháp dân tộc.

7 ngày sau khi bị chó cắn, bé T. có biểu hiện lừ đừ, buồn nôn và nôn. Qua ngày sau, nạn nhân có triệu chứng sợ gió, nôn ói, sốt nhẹ và được đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi, tỉnh Bình Thuận. Tại đây, bé được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại nên chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) trong tình trạng nặng và bệnh viện đã trả về trong cùng ngày.

Một trường hợp khác là bệnh nhân V.V.T (53 tuổi, ngụ huyện Krông Búk, Đắk Lắk) được Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chẩn đoán chưa loại trừ được cơn dại sau khi nhập viện vì sốt không rõ nguyên nhân, viêm màng não, nhiễm trùng máu… Bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại.

Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi.

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm vào ngày thứ 7 sau mũi vắc xin đầu tiên. Tiêm vắc xin phòng dại sớm, với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.

Phòng chống bệnh dại theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Trong trường hợp bị chó mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch.

Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone. Hạn chế làm giập vết thương và không được băng kín vết thương.

Sau đó, hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịp tết, nhiều trẻ em bị vật nuôi cắn thương tâm, có trường hợp tử vong