Dự luật của Hạ viện Mỹ đưa DJI (Trung Quốc), hãng cung cấp máy bay không người lái tiêu dùng lớn nhất thế giới, vào danh sách đen an ninh quốc gia.
Thế giới số

DJI: ‘Dự luật cấm máy bay không người lái mới làm suy yếu lợi ích của Mỹ’

Sơn Vân 10/09/2024 22:39

Dự luật của Hạ viện Mỹ đưa DJI (Trung Quốc), hãng cung cấp máy bay không người lái tiêu dùng lớn nhất thế giới, vào danh sách đen an ninh quốc gia.

Hạ viện đã thông qua một dự luật cấm các máy bay không người lái mới của DJI (công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) hoạt động ở Mỹ và truy cập vào cơ sở hạ tầng truyền thông trong nước này. Đây là một phần trong loạt biện pháp tập trung vào Trung Quốc mà các nhà làm luật Mỹ đang xem xét trong tuần này.

Được gọi là Đạo luật Chống máy bay không người lái của Trung Quốc, dự luật đưa DJI vào danh sách đen an ninh quốc gia theo cơ quan quản lý của Mỹ là Ủy ban Truyền thông Liên bang. Dự luật này, không bao gồm cả các máy bay không người lái DJI đang được sử dụng trong nước, sẽ cần được Thượng viện chấp thuận trước khi chuyển đến bàn của Tổng thống Mỹ - Joe Biden để ký thành luật.

"Dù nản lòng khi thấy các cuộc thảo luận về chính sách công một lần nữa bị chi phối bởi các cân nhắc chính trị thay vì sự thật, DJI vẫn cam kết tích cực hợp tác với các nhà làm luật để xóa tan những quan niệm sai lầm về thương hiệu của chúng tôi", một đại diện cho DJI nói hôm 10.9 với tờ SCMP.

Đại diện của DJI cho biết lệnh hạn chế được đề xuất "không chỉ làm suy yếu lợi ích của Mỹ mà còn gây hại cho chính ngành mà Quốc hội dự định hỗ trợ".

dji-du-luat-cam-may-bay-khong-nguoi-lai-moi-lam-suy-yeu-loi-ich-cua-my.jpg
Nhiều loại máy bay không người lái DJI được trưng bày tại một cửa hàng điện tử bán lẻ của Mỹ - Ảnh: Shutterstock

DJI chỉ ra rằng máy bay không người lái của họ được các cơ quan liên bang Mỹ, cơ quan thực thi pháp luật địa phương, lực lượng ứng phó khẩn cấp và các doanh nghiệp nhỏ sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp và giao thông vận tải.

Lệnh hạn chế được đề xuất làm tăng thêm những thách thức mà DJI phải đối mặt tại một trong những thị trường lớn nhất của mình, sau khi Bộ Thương mại Mỹ năm 2020 đã đưa công ty vào danh sách đen thương mại vì lý do an ninh quốc gia.

Năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa DJI vào danh sách các công ty Trung Quốc mà họ cho là có liên hệ với quân đội nước này, cùng với hàng chục hãng công nghệ cao khác.

Theo hãng theo dõi hoạt động vận động hành lang Open Secrets, DJI đã chi 1,6 triệu USD cho các nỗ lực vận động hành lang tại Mỹ vào năm ngoái để nhận được sự ủng hộ từ người dùng và những người đam mê.

Được thành lập vào năm 2006, DJI là hãng cung cấp máy bay không người lái tiêu dùng lớn nhất thế giới, nổi tiếng với việc sản xuất các sản phẩm giá cả phải chăng và chất lượng cao.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã nêu lên mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể khai thác các lỗ hổng trong ứng dụng của DJI để truy cập dữ liệu cá nhân và có khả năng được sử dụng cho mục đích quân sự.

Theo báo cáo từ Drone Industry Insights, thị trường máy bay không người lái toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng lên 54,6 tỉ ISD vào năm 2030.

Ngoài lệnh hạn chế DJI được đề xuất đó, Hạ viện Mỹ dự kiến ​​sẽ đưa ra tới 28 dự luật trong tuần này tập trung vào ảnh hưởng của Trung Quốc trên các lĩnh vực gồm công nghệ, y sinh học, ô tô điện và quyền sở hữu đất nông nghiệp. Động thái đó được gọi là "Tuần lễ Trung Quốc", đánh dấu nỗ lực rộng lớn hơn nhằm hạn chế phạm vi chính trị và kinh tế của cường quốc châu Á này tại Mỹ.

Drone Industry Insights là tổ chức hoặc công ty chuyên nghiên cứu và phân tích về thị trường máy bay không người lái. Họ cung cấp các báo cáo, dữ liệu và thông tin chi tiết về xu hướng, tăng trưởng và triển vọng của ngành công nghiệp máy bay không người lái toàn cầu.

Những thông tin thường được cung cấp bởi Drone Industry Insights có thể gồm:

- Dự báo thị trường: Các dự đoán về quy mô thị trường, tốc độ tăng trưởng và các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

- Phân tích thị phần: Đánh giá về thị phần của các nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu, gồm cả DJI và các đối thủ cạnh tranh.

- Ứng dụng của máy bay không người lái: Phân tích chi tiết về các ứng dụng khác nhau của máy bay không người lái trong các ngành công nghiệp như nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, an ninh,…

- Quy định và chính sách: Theo dõi các quy định và chính sách liên quan đến việc sử dụng máy bay không người lái ở các quốc gia khác nhau.

- Công nghệ mới: Cập nhật về các công nghệ mới và xu hướng phát triển trong ngành máy bay không người lái.

Hồi tháng 8.2023, DJI đã vướng vào tranh cãi sau khi máy bay không người lái của họ bị phát hiện trên chiến trường ở Ukraine. Điều đáng nói là DJI đã tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại Nga và Ukraine từ tháng 4.2022, một tháng sau khi Nga tấn công Ukraine.

DJI trở thành công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc viện dẫn lý do xung đột để ngừng bán hàng tại Nga.

Các quan chức Ukraine từng cáo buộc DJI làm rò rỉ dữ liệu về quân đội Ukraine cho Nga. Đây là cáo buộc mà DJI gọi là "hoàn toàn sai sự thật".

Một phát ngôn viên của DJI nói việc ngừng kinh doanh ở Nga và Ukraine "không phải để đưa ra tuyên bố về bất kỳ quốc gia nào, mà là về các nguyên tắc của chúng tôi".

"DJI phản đối bất kỳ việc sử dụng máy bay không người lái nào của chúng tôi để gây hại và chúng tôi đang tạm ngừng bán hàng ở hai quốc gia này để đảm bảo không ai sử dụng máy bay không người lái của chúng tôi trong chiến đấu", DJI thông báo.

Hồi tháng 6.2024, DJI đạt được chiến tích lớn khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái đầu tiên thành công trên đỉnh Everest, vận chuyển hàng hóa giữa các trại và di dời rác thải do những người leo núi bỏ lại trên núi ở độ cao hơn 6.000 mét.

Chiến tích của DJI có thể làm giảm bớt gánh nặng cho các hướng dẫn viên người Nepal địa phương, thường thực hiện những chuyến leo núi nguy hiểm để loại bỏ hàng tấn rác thải do hàng ngàn người leo núi để lại và thậm chí cung cấp đồ cứu sinh cho những người gặp nạn.

DJI thông báo rằng máy bay không người lái FlyCart 30 của hãng đã hoàn thành cuộc thử nghiệm, trong đó nó vận chuyển 15kg bình oxy và các vật tư khác từ Trại nền phía nam Everest ở độ cao 5.364 mét đến Trại 1 (cao hơn 6.000 mét), trước khi quay trở lại chỗ cũ (Trại nền) cùng trọng lượng rác thải.

Ở chuyến đi khứ hồi này (được thực hiện ở nhiệt độ dưới 0 độ C trong bối cảnh gió mạnh), FlyCart 30 đã đạt đến độ cao tối đa gần 6.200 mét và vẫn còn 43% pin, theo DJI.

Christina Zhang, Giám đốc chiến lược cấp cao của DJI, cho biết: “Khả năng vận chuyển thiết bị, vật tư và rác thải một cách an toàn bằng máy bay không người lái có khả năng cách mạng hóa công tác hậu cần khi leo núi Everest, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực dọn rác và cải thiện sự an toàn cho tất cả những người liên quan”.

Chuyến bay trở nên khó khăn hơn ở độ cao lớn hơn, vì áp suất và mật độ không khí giảm, dẫn đến không khí loãng hơn. Trong điều kiện như vậy, máy bay không người lái phải hoạt động nhiều hơn để cất cánh, nên hạn chế tải trọng mà nó có thể mang theo.

Những yếu tố này cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của chuyến bay và gây áp lực lớn hơn cho pin máy bay không người lái. DJI trước đây tuyên bố rằng 6.000 mét là độ cao tối đa mà máy bay không người lái có thể bay khi sử dụng cả hai pin, song giới hạn đó không gồm cả trọng tải.

dji-du-luat-cam-may-bay-khong-nguoi-lai-moi-lam-suy-yeu-loi-ich-cua-my1.jpg
FlyCart 30 của DJI cất cánh thử nghiệm giao hàng từ trại nền phía nam Everest - Ảnh: Tân Hoa Xã

Sau cuộc thử nghiệm của DJI, một công ty của Nepal được chính phủ ủy quyền đã triển khai dự án vận chuyển bằng máy bay không người lái vào tháng 5 với mục tiêu dọn sạch rác thải còn sót lại trên sườn dốc phía nam của Everest.

Đỉnh Everest nằm giữa biên giới Trung Quốc và Nepal, thu hút hàng nghìn người leo núi mỗi năm với mục tiêu chinh phục đỉnh cao hơn 8.800 mét so với mực nước biển.

Hơn 6.600 người đã chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới này vào năm 2023, trong đó mỗi người leo núi để lại khoảng 8kg rác trên các sườn dốc. Bất chấp các chiến dịch dọn dẹp, núi Everest vẫn được coi là “bãi rác cao nhất thế giới”, DJI cho biết.

Trong 70 năm qua, ước tính có khoảng 140 tấn chất thải đã tích tụ trên núi Everest, theo DJI, trích dẫn tờ Nepali Times.

Nhiệm vụ dọn rác được giao cho các hướng dẫn viên người Nepal địa phương, thường mạo hiểm tính mạng để vận chuyển các bình oxy rỗng, lều trại bỏ hoang, bao bì thức ăn và rác thải của người.

Để chuyển rác thải từ Trại 1 đến Trại nền, hướng dẫn viên người Sherpa (dân tộc ở phía đông Nepal) phải băng qua thác băng Khumbu (dòng sông băng di chuyển chậm dần dần đổ xuống vách núi), một trong những đoạn khó vượt qua nhất của Everest.

Mingma Gyalje, hướng dẫn viên leo núi của công ty Imagine Nepal, cho biết: “Chúng tôi cần dành 6 đến 8 giờ mỗi ngày để đi bộ qua thác băng này. Năm ngoái, tôi đã chứng kiến ba người Sherpa thiệt mạng. Nếu không may mắn và không đúng thời điểm, chúng tôi sẽ mất mạng ở đó”.

Dù về mặt lý thuyết, trực thăng có thể thực hiện hành trình tương tự nhưng chúng hiếm khi được sử dụng do chi phí cao và nguy hiểm, theo DJI. Công ty Trung Quốc này cho biết máy bay không người lái FlyCart 30, chở 15kg hàng hóa, có thể thực hiện chuyến bay khứ hồi từ Trại nền đến Trại 1 chỉ trong 12 phút.

Do thách thức đặt ra khi hạ cánh xuống Trại 1, đội ngũ của DJI đã chọn một địa điểm giữa trại và đỉnh thác băng, nơi hàng hóa có thể dỡ xuống và rác thải được chất lên bằng cách sử dụng cáp gắn vào máy bay không người lái khi nó bay lơ lửng.

Trước khi thực hiện một chuyến đi hoàn chỉnh, DJI nói nhóm leo núi đã tiến hành nhiều thử nghiệm để kiểm tra khả năng bay lơ lửng và dỡ hàng của máy bay không người lái, khả năng chịu trọng lượng cũng như chống gió và nhiệt độ.

DJI đã phải thử các địa điểm cất cánh khác nhau để giảm thiểu khả năng mất tín hiệu của máy bay không người lái.

Cuối tháng 5, máy bay không người lái của DJI đã đưa một lượng dây thừng và thang nặng hơn 30kg xuống sườn núi Everest, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

DJI cho biết FlyCart 30 (ra mắt vào tháng 1) cũng được sử dụng để trồng cây non ở Nhật Bản, hỗ trợ cứu hộ cháy rừng tại Na Uy, tiến hành nghiên cứu ở Nam Cực và lắp đặt các tấm pin Mặt trời tại Mexico.

Bài liên quan
Người Trung Quốc e ngại khi tướng Nga khen máy bay không người lái DJI là 'biểu tượng chiến tranh hiện đại'
DJI Technology Co bác bỏ bài đăng trên Weibo từ Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc với nhiều lời khen cho các sản phẩm của công ty này trong "chiến tranh hiện đại".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo 4 tập đoàn hàng đầu của Brazil
8 giờ trước Sự kiện
Sáng 17.11 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo 4 tập đoàn hàng đầu của Brazil, gồm Tập đoàn hàng không - vũ trụ Embraer, Nhà sản xuất thịt hàng đầu thế giới JBS, Tập đoàn Oceanside One Trading - tập đoàn thương mại hàng đầu châu Mỹ, Tập đoàn Alterosa hoạt động trong lĩnh vực thẻ thông minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
DJI: ‘Dự luật cấm máy bay không người lái mới làm suy yếu lợi ích của Mỹ’