Lao động, việc làm quý 2/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thống kê công bố, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý 2 giảm.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý 2/2020 ước tính là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Đây là năm có mức giảm kỷ lục do trong quý 2 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng với việc áp dụng giãn cách xã hội trong tháng 4.2020 nên thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở các ngành, nghề lao động.
Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý 2/2020 ước tính là 46,8 triệu người, giảm 2,1 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó: Lao động nam 25,9 triệu người, chiếm 55,3% tổng số và lao động nữ 20,9 triệu người, chiếm 44,7%; lao động khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 35% và khu vực nông thôn là 30,4 triệu người, chiếm 65%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,26% (quý 1 là 2,02%; quý 2 là 2,51%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,62%; khu vực nông thôn là 1,59%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng ước tính là 2,47% (quý 1 là 2,22%; quý 2 là 2,73%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,82%; khu vực nông thôn là 1,77%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 6 tháng ước tính là 7%, trong đó khu vực thành thị là 10,45%; khu vực nông thôn là 5,5%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,67%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,05% (tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng đầu năm 2019 tương ứng là 1,52%; 0,86%; 1,85%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý 2/2020 là 6,3 triệu đồng/tháng, giảm 732 nghìn đồng so với quý trước và giảm 180 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 6,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng/tháng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 6,7 triệu đồng/tháng, giảm 11 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trả lời báo chí, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) phân tích: Dịch COVID-19 đã xuất hiện cuối quý 1/2020 đến nay ảnh hưởng đến các ngành nghề, lao động trên cả nước.
“Tình hình lao động việc làm bị ảnh hưởng rất rõ rệt, đặc biệt là khu vực dịch vụ”, bà Vũ Thị Thu Thuỷ nói.
Từ cuối tháng 4, khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, sản xuất kinh doanh dần hồi phục. Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở kinh tế cao, trong khi nhiều đối tác truyền thống đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Vì vậy, dự báo tình hình lao động việc làm đến cuối năm vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.
“Nếu không có biện pháp kịp thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đồng thời, người lao động không chủ động thích ứng với tình hình thì việc thực hiện các mục tiêu đề ra sẽ gặp nhiều khó khăn”, bà Vũ Thị Thu Thuỷ nhận định.
Để hỗ trợ cho người dân, Chính phủ đã có Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các địa phương đang tích cực lập danh sách, triển khai một cách minh bạch nhất vừa bảo đảm chi trả đúng người, đúng đối tượng, công bằng, không bỏ sót vừa không để xảy ra hành vi trục lợi chính sách.
Lam Thanh