Sáng 11.4, đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023” đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai.
Báo cáo đoàn giám sát, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương có diện tích rộng, dân số đông thứ 2 Đông Nam Bộ (sau TP.HCM), là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; có nhiều tuyến quốc lộ (QL) huyết mạch đi qua như QL1, QL51, QL20, QL56. Đây cũng là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế của khu vực phía Nam, do đó nhu cầu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên tuyến đường bộ rất lớn. Tỉnh còn có đa dạng loại hình giao thông bao gồm: đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính trị - xã hội tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT.
Do đó, tình hình trật tự ATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023, dù một số thời điểm có diễn biến phức tạp và đột biến nhưng về tổng thể vẫn được duy trì ổn định trong 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy; số người chết vì tai nạn giao thông cũng giảm dần theo từng năm.
Trong buổi làm việc, đoàn giám sát đã đánh giá cao các giải pháp ban đầu được thực hiện để xử lý các điểm đen tai nạn giao thông ở Đồng Nai. Đặc biệt, việc bố trí camera giám sát tại các mỏ đá, bến cảng là điểm sáng trong việc đảm bảo ATGT và cần tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng.
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng nhận thấy rằng tình trạng vi phạm trật tự ATGT vẫn còn cao; mặc dù số vụ tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và còn nhiều điểm đen chưa được xử lý một cách triệt để.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với đoàn giám sát về dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ cần bổ sung một chương (hoặc điều) cụ thể về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này) để đảm bảo bộ máy hoạt động được đồng bộ, hiệu quả; đồng thời cần thiết lập cơ chế đặc thù để tăng số lượng biên chế cho các địa phương có tình hình giao thông phức tạp.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị cần phải cấu trúc hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giao thông một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Qua đó giúp các cơ quan chức năng ở mỗi địa phương có thể bố trí kinh phí, cân đối nguồn lực để đầu tư và xử lý các vấn đề trên các tuyến đường trong khu vực quản lý của họ.
Đối với việc đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, ông Cường nhấn mạnh cần nghiên cứu và đảm bảo mọi phía đều có ít nhất 3 làn đường và 1 làn dừng khẩn cấp, cũng như phải có dải phân cách cứng ở giữ; đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cần quan tâm và kiến nghị các chế độ, chính sách để bảo đảm an ninh trật tự và ATGT tại cơ sở.
Kết luận tại buổi làm việc, Trung tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội - ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Đồng Nai trong việc thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến 2023. Các phát biểu giải trình từ UBND tỉnh, cũng như đại diện các sở, ban, ngành địa phương đã cung cấp thông tin chi tiết và theo dõi các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh để cải thiện công tác bảo đảm trật tự ATGT, Đồng Nai cần tập trung vào việc rà soát các văn bản thực hiện để đưa ra những kiến nghị phù hợp với điều kiện địa lý, văn hóa của địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng vào việc phân tích số liệu và nguyên nhân của các vụ tai nạn để đề xuất các giải pháp phù hợp, nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông; đồng thời cần tập trung vào việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng và ngành chức năng trong công tác quản lý về trật tự ATGT, quan tâm việc tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đối với những kiến nghị và đề xuất của Đồng Nai, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá tính khả thi để báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.