Các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn cho rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ đưa ra quyết định đầu tư.
Thị trường và chính sách

Doanh nghiệp bán dẫn chần chừ đầu tư vào Việt Nam vì lo ngại thiếu điện

Lam Thanh 19/03/2024 13:16

Các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn cho rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ đưa ra quyết định đầu tư.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên diễn ra sáng 19.3, các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ băn khoăn về hiện tượng thiếu điện của Việt Nam.

Theo đó, trong thời gian từ tháng 6 - 7.2023, nhiều khu vực ở miền Bắc (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.

"Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng hiện tượng thiếu điện như vậy là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra giải pháp, tuy nhiên đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn", các doanh nghiệp nêu.

dien-3.jpeg
Vận hành tại một trạm điện

Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn, đang chỉ ra rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ quyết định đầu tư. Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.

Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng cho rằng nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng và nguồn cung cấp điện bền vững, thì nhiều mục tiêu sẽ khó có thể đạt được.

Đề cập đến năng lượng tái tạo, Amcham cho hay một trong các nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.

Theo đó, duy trì các hệ thống năng lượng hoạt động là mục tiêu thiết yếu của quản trị năng lượng tốt và cung cấp cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo giúp cho đất nước có lợi thế cạnh tranh hơn.

“Động lực cung cầu điện rất phức tạp và cách tiếp cận hợp tác giữa khu vực công và tư nhân là điều cần thiết để phát triển nguồn điện bền vững, đáng tin cậy, giá cả phải chăng. Việt Nam có thể thu hút nguồn tài chính toàn cầu nhờ hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả”, Amcham nêu.

z5263142969236_73c91526ae602730ce6300c9078d708c.jpg
Diễn đàn VBF thường niên

Hiệp hội này khuyến khích tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để có thể đưa ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng. Trong đó, bao gồm cả thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn nhằm hỗ trợ an ninh năng lượng.

“Cơ sở hạ tầng năng lượng không thể được thiết lập trong một sớm một chiều và việc lập kế hoạch cho sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Chúng ta cần loại bỏ những bất ổn về quy định và hướng sự tập trung mới vào việc phê duyệt các dự án trong ngắn hạn có tính thực tế và khả thi về mặt tài chính để đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở đây”, Amcham nhấn mạnh.

Amcham cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính phát triển cho vay các dự án lớn về chuyển đổi năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Các doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cũng cho hay có nhiều cơ hội từ việc phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Eurocham khuyến nghị cần ưu tiên các cơ chế minh bạch và hiệu quả để kích thích tất cả những người tiêu dùng điện đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược hiệu quả năng lượng quốc gia, trong đó có giảm trợ cấp giá điện.

Ngoài ra, cần phân bổ các hệ thống truyền tải phát điện than hiện tại và tương lai cũng như khả năng phát triển năng lượng tái tạo mới và cơ sở hạ tầng truyền tải liên quan; tối đa hóa phần đóng góp của điện mặt trời, điện sinh khối, thủy điện nhỏ, điện gió và điện gió ngoài khơi trong hệ thống năng lượng.

Tổ chức này cũng cho rằng cần triển khai chính sách nhằm hỗ trợ phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo một cách rộng rãi hơn, có kiểm soát và hiệu quả. Vai trò và trách nhiệm ra quyết định rõ ràng, mốc thời gian cho ý kiến/phê duyệt, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro để mở ra các khoản đầu tư quy mô lớn vào thế hệ xanh, truyền tải xanh và các công nghệ mới như power-to-X (hydro, pin lưu trữ…).

Về hợp đồng mua bán điện (PPA), cần thiết lập các quy định để có thể cung cấp năng lượng từ các dự án năng lượng tái tạo trực tiếp đến người dùng cuối (chứ không phải qua EVN và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà phát điện và người tiêu dùng cuối cùng…

Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẽ là cửa ngõ kết nối các doanh nghiệp Peru với thị trường ASEAN
Trưa 14.11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Lima, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã có buổi tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp tiêu biểu Peru. Đây đều là doanh nghiệp lớn của Peru trong các lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, đầu tư cảng biển, dịch vụ tài chính, quản lý quỹ tương hỗ, điện và bảo hiểm...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
10 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp bán dẫn chần chừ đầu tư vào Việt Nam vì lo ngại thiếu điện