Các doanh nghiệp cho rằng quy định cấm quảng cáo bia là không phù hợp, trái với Luật Quảng cáo hiện hành. Đặc biệt, sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bia phản đối việc cấm quảng cáo, khuyến mại trực tiếp

tuyetnhung | 07/09/2018, 17:28

Các doanh nghiệp cho rằng quy định cấm quảng cáo bia là không phù hợp, trái với Luật Quảng cáo hiện hành. Đặc biệt, sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp.

Góp ý tại Tọa đàm "Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6.9, ông Lương Thanh Hải - Thành viên HĐQT Sabeco; ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam, bà Đào Thị Thu Hiền - đại diện Công ty Carlsberg Việt Nam đều cho rằng, quy định cấm quảng cáo bia là không phù hợp, trái với Luật Quảng cáo hiện hành.

Cụ thể là quy định không được quảng cáo ngoài trời, các chương trình thể thao, trên mạng xã hội sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Nếu tài trợ mà không được gắn tên hoặc sản phẩm thì doanh nghiệp không được quyền lợi gì, như vậy khác nào "áo gấm đi đêm". Như vậy, doanh nghiệp sẽ không tài trợ cho các sự kiện lớn, các chương trình giải trí, các doanh nghiệp trong nước sẽ tài trợ kinh phí cho các hoạt động tại nước ngoài.

"Việc Sabecotài trợ cho đội bóng nước ngoài là một ví dụ. Cấm quảng cáo không chỉ người tiêu dùng bị thiệt thòi vì thiếu thông tin mà ngành quảng cáo, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Nếu không cho các doanh nghiệp bia, rượu tài trợ cho trường học thì các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, nơi bị thiên tai sẽ mất cơ hội, vì vậy nên xem xét lại quy định này. Chúng tôi ủng hộ việc cấm quảng cáo bia trên phương tiện giao thông, cấm quảng cáo tới trẻ em, phụ nữ có thai; không khuyến khích hành vi uống nhiều...", đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Trong khi đó, bà Trần Việt Hương - Giám đốc điều hành một công ty về quảng cáo cho biết bản chất của quảng cáo là đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng, sản phẩm nào tốt để người dân lựa chọn mua, chứ không quyết định việc họ tăng sử dụng thêm.

"Các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia họ cũng là doanh nghiệp nên họ cần có sân chơi bình đẳng, đối xử công bằng như với các sản phẩm khác. Như quy định này thì bia không cồn cũng không được quảng cáo, nếu cấm thì ngăn người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin", bà Hương cho hay.

Việc cấm khuyến mại trực tiếp cũng được các doanh nghiệp cho là không hợp lý, bởi vì khi ra sản phẩm mới, doanh nghiệp muốn giới thiệu và mời khách dùng thử mà cũng bị cấm thì bất bình đẳng với các sản phẩm khác (luật hiện hành cho phép khuyến mại các sản phẩm). Thông thường sản phẩm dùng thử chỉ với số lượng ít, chứ không phải khuyến khích người tiêu dùng uống nhiều.

Bên cạnh đó, cấm bán bia, rượu trên internet cũng được các doanh nghiệp đề xuất bỏ vì đây là bước thụt lùi, không phù hợp với chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết số liệu cho rằng việc sử dụng bia, rượu ở Việt Nam đang ở mức báo động là không đúng, bởi tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình thấp, mức tăng trưởng của ngành bia cũng đang giảm dần. Năm 2017, mức tăng trưởng giảm còn 5,6%, trước đây tăng trưởng 2 con số nay chỉ còn 1 con số. Sản lượng rượu cũng giảm dần theo quy hoạch của ngành...

"Cần đánh giá khách quan cả hai mặt của bia, rượu thì mới xây dựng luật khách quan, phù hợp. Cụ thể là cần tăng cường kiểm soát, quản lý rượu không rõ nguồn gốc, rượu thủ công, đó mới là điều đáng lo ngại. Tại Ninh Bình, có hơn 2.000 hộ nấu rượu thủ công nhưng số hộ có giấy phép chỉ đếm trên đầu ngón tay", Chủ tịch VBA cho hay.

Ông Trần Quang Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quy hoạch phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Trong những năm gần đây, mức tăng trưởng của ngành Bia, rượu có xu hướng giảm dần, thực hiện đúng theo quy hoạch. Để kiểm soát, quản lý rượu thủ công cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp, nhất là phải gắn với trách nhiệm; đồng thời có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành chức năng trong công tác kiểm soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm như không đảm bảo chất lượng, không có giấy phép… Dự thảo Luật mới chỉ đưa ra các quy định về hạn chế nguồn cung mà chưa có biện pháp quản lý và xử lý hành vi lạm dụng.

Trước đó vào tháng 8, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất cấm nhiều hình thức quảng cáo bia trong Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo như: Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia không được tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí; Không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; Không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ và không được có tên sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ.

Bộ Y tế cho biết, nhu cầu sử dụng rượu, bia tại Việt Nam tăng nhanh. Mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn một năm. Trên thế giới, mức tiêu thụ chỉ tăng từ 6,1 lít lên 6,2 lít và ổn định trong 15 năm qua.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp bia phản đối việc cấm quảng cáo, khuyến mại trực tiếp