Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở miền Tây đang rất ‘sợ’ mua tôm sú nguyên liệu ngoài thị trường. Nếu như có điều kiện, họ tự xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư nuôi. Bằng không, nhiều doanh nghiệp chỉ mua tôm thẻ chân trắng…
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng), xác nhận thông tin trên. Thậm chí, khi tiếp xúc PV, ông còn không nắm giá tôm sú nguyên liệu ngay, do gần đây không mua vào nên không theo dõi. “Sao Ta chỉ mua tôm thẻ chân trắng nguyên liệu”, ông Lực nói vậy.
Trong tháng 5 vừa qua, sản lượng tôm chế biến của Sao Ta đạt hơn 1.000 tấn, xuất khẩu đạt 10,6 triệu USD. Đó là nhờ Sao Ta đã xây dựng được vùng nguyên liệu tôm sú chủ động với 10 tổ hợp, với quy mô từ 50-70ha/tổ hợp. Còn tôm sú nguyên liệu bên ngoài, Sao Ta không dám ‘rớ”, còn nếu thiếu thì chỉ nhập về từ Ấn Độ...
Còn Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú- một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, cũng đã tự xây dựng vùng nguyên liệu tôm sú ở Cà Mau, Kiên Giang… lâu nay. Năm 2015, Minh Phú còn đề xuất Đề án Chuỗi giá trị tôm cá toàn cầu, theo đó các dự án thành phần trong chuỗi giá trị đạt tối thiểu 2.000 tỷ đồng, sử dụng được tối thiểu 5.000-10.000 lao động, chưa kể hàng vạn hộ nông dân tham gia liên kết trong chuỗi giá trị.
Theo đó, Minh Phú sẽ ký kết hợp đồng cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh và hướng dẫn quy trình nuôi, giám sát quy trình nuôi, hợp đồng mua lại sản phẩm tôm cá với tối thiểu 10.000 hộ nuôi... Đó là cách duy nhất để quản lý tốt chất lượng tôm nguyên liệu!
Đó cũng là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp chế biến tôm ở miền Tây. Nguyên nhân vì sao? Theo ông Lực, không phải các doanh nghiệp quay lưng với người nông dân, mà thứ nhất chỉ vì doanh nghiệp không cạnh tranh nổi với các thương lái Trung Quốc sang thu mua.
“Họ tìm thuê các nhà máy đã ngưng hoạt động, rồi ‘núp bóng’ mua tôm nguyên liệu với giá cao hơn, khiến chúng tôi không thể cạnh tranh”, ông Lực nói. Chính vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang chuẩn bị văn bản đề xuất đến Bộ NN&PTNT, theo đó dĩ nhiên phải chấp nhận việc họ cạnh tranh thu mua, miễn sao có lợi cho nông dân.
Ông Lực thậm chí còn không theo dõi giá tôm sú nguyên liệu ở miền Tây.
Bởi theo tìm hiểu của PV, những ngày qua, giá mua tôm nguyên liệu của các thương lái Trung Quốc luôn cao hơn các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 10.000 đồng/kg. “Tuy nhiên, VASEP sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra giấy phép kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các thương lái Trung Quốc để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh”, ông Lực nói.
Cũng chính vì các thương lái Trung Quốc mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngại mua tôm sú nguyên liệu tại miền Tây- ngoài yếu tố về giá. Bởi theo giám đốc một doanh nghiệp: “Họ chấp nhận- thậm chí khuyến khích các chủ vựa bơm tạp chất vào tôm! Còn doanh nghiệp chúng tôi làm sao dám mua, bởi hàng xuất khẩu phát hiện dính tạp chất, trả về là tiêu”.
Tôm sú bơm tạp chất có hình dáng cứng đơ, dễ phát hiện. Nhưng tôm nguyên liệu phải mua với số lượng lớn, chẳng lẽ kiểm soát từng con? Thôi thì, nếu không có vùng nguyên liệu riêng thì đành nhập khẩu từ Ấn Độ,.. hoặc quay sang chế biến tôm thẻ chân trắng. Bởi tôm thẻ chân trắng không bơm tạp chất vào được.
Ngoài ra, còn lý do khác là giá thành tôm nuôi tại Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1-3 USD/kg. Và để giảm giá thành, nhiều cơ sở nuôi tăng cường sử dụng… kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm. Do đó, bán ra, các doanh nghiệp khác ‘ngán ngẫm’ vì sợ sự cố.
Nguyễn Hồ