Nhu cầu thúc đẩy sản xuất lương thực tại các quốc gia Đông Nam Á đem lại cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp Israel.

Doanh nghiệp công nghệ Israel thâm nhập thị trường nông nghiệp Đông Nam Á

Cẩm Bình | 21/06/2021, 11:03

Nhu cầu thúc đẩy sản xuất lương thực tại các quốc gia Đông Nam Á đem lại cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp Israel.

Hàng loạt sáng kiến công nghệ thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này thông qua nhiều chương trình nông nghiệp song phương. Israel mở rộng hợp tác với Thái Lan bằng một cơ sở nhà kính nữa xây dựng trên địa bàn tỉnh Petchburi vào tháng 10, nhà kính đầu tiên xây dựng năm 2018 để làm mẫu cho nông dân địa phương.

Dự án nhà kính dùng hệ thống tưới phun nước của Israel được thiết kế giúp sản xuất nông sản hiệu quả và bền vững. Chuyên gia Israel cũng sang hướng dẫn nông dân sử dụng.

Việt Nam không hề thua kém khi chuẩn bị ký với Israel một thỏa thuận hợp tác lao động trong năm nay. Lao động Việt Nam sẽ được đưa sang học hỏi kinh nghiệm nông nghiệp.

Giống như Thái Lan, Việt Nam cũng có một nhà kính do Israel hỗ trợ xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc - nơi nông dân đã gieo trồng thành công một số loại cây bằng phương pháp thủy canh.

Đại sứ Israel tại Singapore Sagi Karni cho biết: “Những gì chúng tôi cung cấp thường là công nghệ, chẳng hạn như hệ thống tưới nhỏ giọt lọc tốt hơn, hệ thống tạo thẩm thấu ngược sử dụng nước hiệu quả hơn nhưng cần ít năng lượng”.

Ông giới thiệu quốc gia Trung Đông này có khoảng 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm. Nhiều đơn vị đủ khả năng tinh chỉnh giải pháp công nghệ họ cung cấp cho phù hợp với điều kiện canh tác tại nước ngoài.

agri0.jpg
Nhiều quốc gia Đông Nam Á là nhà sản xuất, cung cấp nông sản hàng đầu thế giới - Ảnh: Netafirm

Năm 2019, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu công bố báo cáo đánh giá cao nỗ lực trở thành nước dẫn đầu thế giới về sử dụng nước và nông nghiệp của Israel, quốc gia có 2/3 diện tích đất bị khô cằn hoặc kém chất lượng. Thành tựu Israel đạt được rất đáng nể: mỗi hecta đất có thể sản xuất ra 300 tấn cà chua, cao hơn mức trung bình toàn cầu 50 tấn; thất thoát ngũ cốc sau thu hoạch chỉ là 0,5%, trong khi mức toàn cầu lên đến 20%.

Khi biến đổi khí hậu cùng gián đoạn nguồn cung gây ra bởi đại dịch COVID-19 đe dọa an ninh lương thực, các nước Đông Nam Á chú ý nhiều hơn đến kinh nghiệp nông nghiệp từ Israel.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á, một số thành viên ASEAN với hàng trăm triệu hecta đất nông nghiệp đang là nhà sản xuất, cung cấp, xuất khẩu nhiều loại sản phẩm cây trồng cùng ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nhưng nông nghiệp và thực phẩm thuộc nhóm ngành bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất, các biện pháp phòng dịch ảnh hưởng hoạt động đưa nông sản đến tay khách hàng trong lẫn ngoài nước.

Công ty phân tích thị trường Oxford Economics chỉ ra rằng đảm bảo an ninh lương thực rất quan trọng đối với Đông Nam Á: ngành nông nghiệp - thực phẩm năm 2019 đóng góp 717 tỉ USD cho 4 nền kinh tế Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam; tăng 30% so với năm 2015, đem lại 127 triệu việc làm - tương đương 48% lực lượng lao động 4 nước cộng lại.

“Trong bối cảnh khu vực dường như hồi phục từ đại dịch mạnh mẽ hơn, giới hoạch định chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành nông nghiệp - thực phẩm tái thiết thành công”, chuyên gia James Lambert thuộc Oxford Economics nhận định.

agri1.jpg
Ngành nông nghiệp - thực phẩm đóng góp lớn cho GDP 4 nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam - Ảnh: Nikkei Asian Review

Kinh nghiệm nông nghiệp của Israel có thể giúp ngành nông nghiệp - thực phẩm Đông Nam Á phát triển, kể cả tại một quốc gia “phi nông nghiệp” như Singapore (đặt mục tiêu tự đáp ứng được 30% nhu cầu lương thực nội địa vào năm 2030). Quỹ Nghiên cứu và phát triển Singapore - Israel ra đời nhằm mục đích hợp tác cùng tài trợ cho những dự án công nghệ phục vụ cho ngành.

Tháng 12.2020, đơn vị phát triển công nghệ tưới vi mô Rivulis thông báo được chính phủ Israel chấp thuận bán lại 85% cổ phần cho Quỹ đầu tư Singapore (Temasek). Giám đốc điều hành Rivulis thời điểm đó là ông Richard Klapholz cho biết Temasek cam kết giúp họ theo đuổi mục tiêu đem giải pháp nông nghiệp giá cả phải chăng đến nông dân.

Một đơn vị cung cấp thiết bị tưới tiêu Israel khác là Netafim cũng tìm cách tăng thị phần, thiết bị của công ty đã được bán tại Việt Nam, Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia. Công ty bắt tay với nông dân, vài hợp tác xã lớn cùng nhà đầu tư tư nhân tại nhiều nước Đông Nam Á.

Ngành sản xuất chuối trên đảo Mindanao của Philippines hưởng lợi từ công nghệ Netafirm cung cấp. Khoảng 60% diện tích đất thuộc sở hữu một số nhà xuất khẩu và công ty lớn sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun cỡ nhỏ, giữ vững năng suất bất chấp biến đổi khí hậu hay lượng mưa cao thấp bất thường.

Theo giám đốc điều hành Gabriel Miodowni của Netafirm, công nghệ tưới nhỏ giọt làm tăng năng suất 20 - 30%, cải thiện tính ổn định cũng như kích thước nông sản.

Bài liên quan
ICC phát lệnh bắt ông Netanyahu, Israel phản ứng mạnh
Ngày 21.11, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel cùng chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì vi phạm tội ác chiến tranh trong xung đột ở Dải Gaza.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
43 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp công nghệ Israel thâm nhập thị trường nông nghiệp Đông Nam Á