Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các doanh nghiệp (DN) FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng DN Việt thực hiện các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng xanh đã trở thành một xu thế tất yếu, một nhân tố không thể thiếu của phát triển bền vững.
“Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”, ông Dũng nêu.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.
Trong quá trình đó, cộng đồng DN được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các DN FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng DN trong nước thực hiện các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh.
Ông Dũng cũng cho rằng với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch VBF đánh giá đây là sự kiện bản lề thể hiện sự quyết tâm phát triển của doanh nghiệp tại Việt Nam - một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam.
Theo ông Nitin Kapoor, kể từ sau đại dịch, các DN đang tăng tốc và Việt Nam được công nhận là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay.
“Chủ đề tăng trưởng xanh là về việc đảm bảo “sức khỏe” của hành tinh, hạnh phúc của cộng đồng, đồng thời xây dựng các doanh nghiệp bền vững”, ông Nitin Kapoor nhấn mạnh và cho biết “chúng ta đang ở trong một môi trường cạnh tranh đáng kinh ngạc được đánh dấu bằng thương mại, phân chia địa lý và căng thẳng địa chính trị”.
Theo đó, để đi trước đòi hỏi hệ thống pháp luật có các chính sách mạnh mẽ, đáng tin cậy và bền vững, cơ sở hạ tầng tốt và tất nhiên là lực lượng lao động tốt. Tất cả đều cần thiết để vận hành suôn sẻ và thu hút đầu tư liên tục tại Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng nền kinh tế năm 2023 đã bộc lộ một số điểm yếu, bao gồm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào xu hướng thị trường nước ngoài; khu vực tư nhân trong nước dễ bị tổn thương; thủ tục hành chính còn một số bất cập và tình trạng thiếu nguồn cung cấp điện…
Để Việt Nam có thể lấy lại được động lực và phát triển chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tiến hành thêm cải cách cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước, quản lý chính phủ và quy trình quản lý đối với khu vực tư nhân.
“Tin vui là hơn một nửa thành viên của Amcham thông tin rằng họ đang kinh doanh đạt kế hoạch hoặc tốt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, tin không vui là hơn một nửa thành viên cảm thấy môi trường kinh doanh cần được cải thiện hoặc Việt Nam đang không đi đúng hướng trong một số lĩnh vực then chốt”, Amcham nêu.
Các DN tin rằng hành động của Chính phủ có thể giúp đất nước duy trì lợi thế cạnh tranh khi các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm các điểm đến đầu tư và sản xuất trên khắp Tây bán cầu, châu Á, châu Phi và châu Âu.
Về vấn đề này, AmCham chú trọng vào các ưu tiên của Việt Nam trong việc tháo gỡ các nút thắt trong huy động nguồn lực sản xuất và kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo; khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số; đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và đổi mới trong ngành y tế; thúc đẩy đầu tư bền vững và tích hợp chuỗi cung ứng; phát triển khu vực tài chính trong đó có thị trường vốn; tạo ra một môi trường trong sạch.