Sau khi Chính phủ cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.2020, người trồng lúa ở ĐBSCL rất vui vì giá đã tăng trở lại. Nhưng doanh nghiệp kinh doanh gạo và nếp đang lâm vào cảnh khó khăn vì không kịp làm tờ khai báo hải quan từ lúc 0 giờ đến 3 giờ sáng 12.4.

Doanh nghiệp kêu cứu vì Tổng cục Hải quan cho khai báo hải quan lúc nửa đêm

15/04/2020, 17:13

Sau khi Chính phủ cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.2020, người trồng lúa ở ĐBSCL rất vui vì giá đã tăng trở lại. Nhưng doanh nghiệp kinh doanh gạo và nếp đang lâm vào cảnh khó khăn vì không kịp làm tờ khai báo hải quan từ lúc 0 giờ đến 3 giờ sáng 12.4.

Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều tranh cãi - Ảnh: Thanh Nguyên

Giám đốc Sở Công thương Long An - Lê Minh Đức, cho biết: “Long An là tỉnh sản xuất lúa gạo đứng thứ 3 toàn quốc và sản xuất nếp đứng nhất cả nước. Nhưng vừa qua, Chính phủ cho xuất 400.000 tấn thì Long An chỉ kịp khai hải quan được 8.500 tấn, quá ít so với tổng sản lượng sản xuất của Long An. Trong đó mặt hàng nếp thương phẩm không có tên trong danh sách được xuất khẩu”.

Trong đợt khai báo vừa qua có 41 doanh nghiệp kịp thời khai hải quan, trong đó Công ty cổ phần tập đoàn Intimexcó số lượng khai báo nhiều nhất là 96.234 tấn. Thấp nhất là Công ty TNHH Thương mại Chiến Thắng với số lượng 9 tấn. Mặt khác, việc khai hải quan xuất khẩu gạo vừa qua được diễn ra với khung giờ kỳ dị: từ 0 giờ đến 3 giờ sáng 12.4, nên có rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện được.

Trước thực trạng này, hôm nay (15.4), Hiệp hội Lương thực Việt Nam- VFA đã có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác có liên quan về những bất cập, khó khăn gặp phải của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trước đó có 41/92 thương nhân đã có ý kiến gửi đến đơn vị này nhờ can thiệp, giúp đỡ liên quan đến vấn đề khai báo hải quan.

Theo đó, các thương nhân cho biết, việc đăng ký tờ khai đã bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày 12.4 và kết thúc chỉ sau 150 phút, mà không có một thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan về thời gian mở hệ thống nên phần lớn các thương nhân bị động, không đăng ký được.

Và các thương nhân đang có hàng sẵn sàng trên cảng mà không được phép xuất khẩu, nên họ phải đối diện nhiều khó khăn: chi phí phát sinh từ các container hàng trên cảng. Các doanh nghiệp thậm chí có khả năng phá sản do chi phí phát sinh mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng và nghĩa vụ bồi thường hợp đồng cho khách hàng theo quy tắc ngoại thương cùng hàng loạt rủi ro nặng nề khác kéo theo.

Việc xuất khẩu bị đình trệ nhưng các chi phí sản xuất, chi phí quản lý, tiền lương.. vẫn phát sinh. Và càng để lâu, chất lượng gạo hàng hóa đó cũng bị ảnh hưởng. Do đó, nếu các lô hàng này không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỉ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sự sống còn của các thương nhân, thậm chí là ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Danh sách các doanh nghiệp rất “nhanh”, làm tờ khai hải quan lúc nửa đêm, với tổng cộng 400.000 tấn gạo - Ảnh: P.V

Do đó, các doanh nghiệp đề xuất, trước hết giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã có tại các cảng bằng cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hóa đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng thực tế ước không vượt quá 300.000 tấn).

Về hạn ngạch 400.000 tấn, đối với hàng container, tiến hành kiểm tra số container, số seal đã được các thương nhân mở tờ khai qua mạng xem có hay không. Tùy thực tế có thể vừa kiểm tra và vừa xuất hàng bị tồn đọng tại cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo khống nhằm giữ lượng hạn ngạch.

Các cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp chế tài đối với các thương nhân không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa, số container và số seal hàng như đã khai báo. Hủy toàn bộ tờ khai của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.

Đối với hàng tàu, ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan cho các thương nhân có tàu đã vào cảng nhận hàng trước và trong ngày 12.4.2020 để các doanh nghiệp tranh thủ xếp hàng nhanh. Cũng như hàng container, các cơ quan có thẩm quyền phải có biện pháp chế tài đối với các thương nhân không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa như đã khai báo. Hủy toàn bộ tờ khai của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện tình trạng không có tàu tại phao, khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hóa.

Ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (P.Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An), cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin của Thủ tướng Chính phủ cho phép trong tháng 4.2020 các doanh nghiệp được xuất khẩu 400.000 tấn gạo, công ty đã lên lịch sản xuất và hoàn tất đóng 1.037 tấn gạo thơm vào 45 container vận chuyển về cảng Cát Lái, TP.HCM để xuất bán cho các đối tác.

Thế nhưng, vào lúc 0 giờ ngày 12.4, có thông tin cho mở tờ khai hải quan, công ty chỉ thực hiện kịp 2 tờ khai, tổng cộng 5 container với sản lượng 119 tấn. Hiện tại, còn lại 40 container đã hạ bãi cảng Cát lái chờ xuất từ ngày 24.3 đến nay không thể thông quan để giao hàng cho các đối tác. Với số lượng 40 container đang lưu cảng thì mỗi ngày công ty phải tốn chi phí 3.000 USD”.

Theo ông Khoa, hiện tại, doanh nghiệp tồn kho 7.500 tấn gạo chất lượng cao. Nếu không được thông quan thì sẽ không thể thu mua lúa hè thu của nông dân chuẩn bị thu hoạch. Trước tình hình này, công ty kiến nghị Trung ương cho các phép doanh nghiệp được xuất khẩu đối với các hợp đồng đã ký để giải quyết hết số lượng hàng còn nằm lại ở cảng Cát Lái.

Không chỉ gạo mà mặt hàng nếp thương phẩm ở Long An cũng không thể thông quan bán được cho khách hàng. Vì trong số lượng số 400.000 tấn gạo Chính phủ cho phép xuất khẩu thì không có sản lượng nếp thương phẩm. Riêng tại Long An, theo ông Đức, qua thống kê vụ đông xuân 2019-2020, nông dân Long An gieo trồng khoảng 65.000 héc-ta, chiếm khoảng 32 % diện tích trồng lúa trong toàn tỉnh, sản lượng khoảng 65.000 tấn. Từ ngày 24.3 đến nay, riêng tất cả doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng nếp thương phẩm đã phải tạm dừng hoạt động vì chưa được phép thông quan xuất khẩu.

Hiện tại, lượng nếp thương phẩm tồn kho là 56.000 tấn được doanh nghiệp thu mua của nông dân. Để giải cứu lượng nếp tồn kho này và để đảm bảo mục tiêu duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần, đã gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cho Long An xuất khẩu mặt hàng nếp thương phẩm không hạn chế số lượng, có mã HS 1006.30 nhằm để giải quyết xuất khẩu lượng nếp tồn kho trong các doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới tiếp tục thu mua nếp của nông dân với giá mua tốt hơn.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (TT.Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho biết: “Bình quân mỗi năm công ty thu mua và tiêu thụ khoảng 200.000 tấn nếp thương phẩm của bà con sản xuất. Từ ngày 24.3 đến nay, doanh nghiệp không xuất bán được container nếp thương phẩm nào cho khách hàng do không có tên trong danh sách cho xuất khẩu.

Hiện tại, công ty đã dừng mọi hoạt động sản xuất, hơn 13.000 tấn nếp thương phẩm đang nằm ụ tại cảng Cát Lái và 30.000 tấn trong kho không biết làm sao tiêu thụ. Hợp đồng đã ký xuất khẩu với các đối tác nếu không giao đúng thời hạn sẽ phải bồi thường hợp đồng.Với tình hình này kéo dài thì công ty sẽ phá sản vì mặt hàng nếp thương phẩm là sản phẩm đặc thù chuyên để làm nguyên liệu sản xuất bánh. Nếu không xuất khẩu được để lâu trong kho sẽ giảm chất lượng, tiêu thụ trong nước thì chẳng được bao nhiêu người mua”.

Nhóm PV

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
26 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp kêu cứu vì Tổng cục Hải quan cho khai báo hải quan lúc nửa đêm