TS.Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng Chính phủ đang quá tập trung vào chống dịch hơn là lo các chính sách kinh tế giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khủng hoảng. Gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Việt Nam có quy mô “tương đối khiêm tốn”.

TS.Phạm Sỹ Thành: Gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam còn ‘tương đối khiêm tốn’

13/04/2020, 22:05

TS.Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng Chính phủ đang quá tập trung vào chống dịch hơn là lo các chính sách kinh tế giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khủng hoảng. Gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Việt Nam có quy mô “tương đối khiêm tốn”.

TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR - Ảnh: Internet

Sáng 13.4, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 1/2020.

PGS-TS Phạm Thế Anh nhận định, ở bất kỳ kịch bản nào trong thời kỳ hậu COVID-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên, nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới.

Đặc biệt, ông Phạm Thế Anh cho rằng con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn của nền kinh tế, do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

TS.Phạm Sỹ Thành cho rằng bức tranh kinh tế năm 2020 rất khác so với những năm trước, thậm chí là so với các giai đoạn trước.

Theo đó, năm 2020, kinh tế toàn cầu có 2 điểm xấu chưa từng xảy ra: một là suy giảm kinh tế ở mọi quốc gia, các thị trường lớn của Việt Nam đều là tâm dịch; hai là mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng, kể cả những ngành hái ra tiền như du lịch, nông nghiệp, điện tử…

Tiếp theo đó là sự gián đoạn nguồn cung trở nên rõ nét. Việc gián đoạn này tác động mạnh tới Việt Nam, bởi kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công ở trình độ thấp, phụ thuộc lớn vào nguồn cung nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN. Nguồn cung bị gián đoạn, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng rất lớn.

“Gián đoạn nguồn cung xảy ra ngay lập tức ở Trung Quốc. Một con số làm chúng ta giật mình là có 14 tỉnh thành của Trung Quốc chiếm 69% GDP của nước này và cho đến nay hoạt động xuất khẩu của họ vẫn chưa trở lại bình thường. Nguồn cung trên toàn cầu và của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Thành nói.

Điểm đáng chú ý nữa là khủng hoảng làm gián đoạn nguồn cung dẫn đến tổng cầu suy giảm. Cả cung và cầu đều bị gián đoạn khiến cho những nước khỏi dịch và trở lại sản xuất đối diện với khó khăn vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Kinh tế Việt Nam lại càng bị ảnh hưởng nặng vì sản xuất của Việt Nam đa phần phục vụ xuất khẩu, phần giữ lại cho tiêu dùng trong nước rất nhỏ.

Một điểm khác là sau đại dịch, thế giới sẽ ngập tràn tiền rẻ, vốn rẻ. Và đây là nguy cơ đối với các nước có đồng tiền yếu.

Theo ông Thành, các dự báo về kinh tế toàn cầu đã trở nên bi quan hơn rất nhiều so với tháng 10.2019 hoặc tháng 1.2020.

“Điều quan ngại hơn cả mà ta đang thấy là không có quốc gia lãnh đạo, không có sự hợp tác giữa các nước, vai trò của các định chế đa phương rất mờ nhạt. Đây là thử thách cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu”, ông Thành bình luận.

Ông Thành cho rằng các kịch bản dự báo kinh tế đã được nhiều bên đưa ra, tuy nhiên có một câu hỏi rất quan trọng là liệu nền kinh tế sẽ thoát khỏi đại dịch này như một tai nạn hay đại dịch sẽ vĩnh viễn thay đổi các nhu cầu và hành vi kinh tế?

“Sau cách ly, thói quen đi lại, chi tiêu sẽ thay đổi như thế nào? Thời gian làm việc, mua sắm trên mạng so với mua sắm trực tiếp khác nhau ra sao? Đấy đều là những vấn đề phải tính toán nghiêm túc vì khi các hành vi thay đổi thì nền kinh tế sẽ hoàn toàn khác”.

Ông Thành thì cho rằng Chính phủ đang quá tập trung vào chống dịch hơn là lo các chính sách kinh tế giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khủng hoảng. Gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Việt Nam có quy mô “tương đối khiêm tốn”.

“Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, tức là khoảng 2,5 tỉ USD, bằng 1% GDP. Nhìn sang với các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Singapore, 2 gói kích thích của họ đã lên tới 38 tỉ USD, bằng 11% GDP và chiếm nửa ngân sách của họ. Như vậy, gói hỗ trợ của ta vẫn còn khiêm tốn, cách phản ứng vẫn rất truyền thống”, ông Thành nói.

Chuyên gia này cũng bày tỏ mình hiểu ngân sách không dư dả để Chính phủ có thể mạnh tay. Bộ Tài chính đã phải dành nhiều công sức để giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng ở thời điểm bất thường, những chính sách phi truyền thống nên được tính đến.

“Các phản ứng của Chính phủ, thoạt nhìn rất toàn diện, từ tiền tệ, tài khóa đến bảo hiểm xã hội, an sinh nhưng tôi không thấy trọng tâm của chính sách ấy. Không ai hiểu Chính phủ đang hướng tới khu vực nào, ngành nghề nào, doanh nghiệp nào. Hãy tập trung vào một nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề có mức độ tổn thương lớn hoặc có sức lan tỏa lớn. Đó mới là hiệu quả của chính sách ở thời điểm bất thường”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, đến thời điểm này, đại dịch đã bước sang tháng thứ 3. Trong chính sách tiền tệ, tất cả những gì Ngân hàng Nhà nước và 23 ngân hàng thương mại đã làm là lên phương án hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhưng đến nay chưa có gói nào giải ngân. Chính sách tài khóa, bảo hiểm xã hội cũng vậy.

“Ở thời điểm nào thì liều thuốc kích thích thực sự được bơm vào nền kinh tế? Tôi nghĩ về quy mô, tốc độ và đích ngắm, Chính phủ đều thiếu. Đó là điều phải khắc phục nhanh nếu không muốn các doanh nghiệp và người dân đối diện với khó khăn hơn nữa, nhất là khi dịch vẫn chưa biết còn kéo dài đến bao giờ”, ông Thành bày tỏ.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS.Phạm Sỹ Thành: Gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam còn ‘tương đối khiêm tốn’