Căng thẳng ngoại giao về nhân quyền leo thang đặt doanh nghiệp phương Tây có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vào thế khó.

Doanh nghiệp phương Tây ngày càng khó làm ăn tại Trung Quốc

Cẩm Bình | 04/04/2021, 09:50

Căng thẳng ngoại giao về nhân quyền leo thang đặt doanh nghiệp phương Tây có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vào thế khó.

Với cáo buộc Trung Quốc thực thi chính sách đàn áp và bóc lột lao động Tân Cương, Mỹ cùng hàng loạt quốc gia khác vừa đồng loạt triển khai trừng phạt quan chức Trung Quốc. Phía chính quyền Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền đồng thời thực hiện biện pháp trả đũa.

Các thương hiệu thời trang H&M, Nike, Adidas… sau đó tuyên bố không dùng bông Tân Cương trong sản phẩm. Họ lập tức hứng chịu đáp trả bằng làn sóng tẩy chay rộng khắp, thậm chí H&M còn bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.

hm_01_web.jpg
H&M là mục tiêu bị tẩy chay kịch liệt - Ảnh: Retail in Asia

Chủ tịch công ty tư vấn APCO Worldwide James McGregor nhận định: “Tôi nghĩ Trung Quốc thực sự cảm thấy bị loạt trừng phạt mới ban hành đe dọa, nên họ quyết định đáp trả mạnh mẽ nhất lên các doanh nghiệp, để doanh nghiệp gây ảnh hưởng lên chính quyền nước họ với hy vọng chính quyền sẽ giảm nhẹ trừng phạt”.

Thị trường đắt giá nhưng khó khăn

Doanh nghiệp nước ngoài không thể bỏ qua nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tầng lớp trung lưu ngày càng lớn của nước này là thị trường tiêu dùng phong phú.

Học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Tiếp cận thị trường nội địa Trung Quốc luôn rất hấp dẫn. Nhiều năm trước lúc các doanh nghiệp vừa đến Trung Quốc làm ăn, dù chịu lỗ suốt thời gian dài nhưng họ vẫn ở lại, vì họ biết người tiêu dùng ở đó sẽ có nhiều tiền hơn và chi tiêu nhiều hơn”.

Thâm nhập thị trường đồng nghĩa phải thỏa hiệp. Doanh nghiệp quốc tế thường không thể không nhượng bộ đôi chút: phải lập liên doanh với doanh nghiệp nội địa, phải chuyển giao công nghệ, chịu giám sát nghiêm ngặt…

Cánh cửa đóng lại với doanh nghiệp từ chối tuân thủ, ví dụ như Google biến mất khỏi Trung Quốc từ năm 2010 do không chịu để cho cơ quan chức năng kiểm duyệt thông tin. Vài năm sau Google muốn quay lại nhưng lại hứng chịu chỉ trích từ nhiều nhóm nhân quyền lo ngại nguy cơ chính quyền Bắc Kinh lấy được thông tin người dùng.

china-internet-google-001.jpg
Google biến mất khỏi Trung Quốc từ năm 2010 - Ảnh: The Guardian

Doanh nghiệp thâm nhập thị trường thành công đôi lúc lại vướng vào tranh cãi, dẫn đến thiệt hại nặng nề. Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) năm 2017 đóng cửa tất cả cửa hàng trên lãnh thổ Trung Quốc do bị trả đũa khi chính quyền Seoul cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Năm 2018, Trung Quốc yêu cầu 3 hãng hàng không Mỹ American Airlines (AAL), Delta (DAL) và United (UAL) thay đổi thông tin giới thiệu về Đài Loan trên trang web nếu không muốn bị xử phạt. Thông tin trước đó có ý chỉ Đài Loan là vùng lãnh thổ độc lập với Trung Quốc.

Năm 2019 đến lượt Liên đoàn bóng rổ Mỹ (NBA) vướng vào tranh cãi xuất phát từ tuyên bố ủng hộ biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông của Tổng giám đốc CLB Houston Rockets Daryl Morey. Tất cả đối tác Trung Quốc của NBA thông báo ngừng hợp tác, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngừng phát sóng mọi trận đấu NBA.

Thậm chí doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ tương đối thân thiết với chính quyền Bắc Kinh cũng chưa chắc an toàn. Tesla - được ưu ái tại Trung Quốc nhiều năm qua - bất ngờ “gặp nguy hiểm” bởi nghi vấn xung quanh chất lượng sản phẩm xe điện ở Thượng Hải, cũng như liệu máy quay gắn trên xe có thể phục vụ mục đích gián điệp hay không. Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk lập tức lên tiếng ca ngợi Trung Quốc trong một bài trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương.

Chính quyền Bắc Kinh đã nói rõ các tập đoàn đa quốc gia phải tuân theo quy định của nước này nếu muốn hoạt động tại đây. Tuân thủ nghiêm túc quy định hay nói tốt cho Trung Quốc có thể giúp doanh nghiệp được ưu ái. Trước sức hút từ một nền kinh tế khổng lồ - thị trường béo bở cho mọi sản phẩm từ bình dân đến xa xỉ - thì không ít đơn vị chấp nhận thỏa hiệp.

Đồng thời với nỗ lực gây sức ép từ Trung Quốc, phía phương Tây (người tiêu dùng, chính trị gia, nhà đầu tư) cũng gia tăng áp lực lên doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó tránh khỏi việc phải chọn đứng về bên nào.

Tiến thoái lưỡng nan

Căng thẳng xung quanh vấn đề nhân quyền tại Tân Cương khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó. Nike và Adidas năm ngoái đã phải chịu áp lực đảm bảo chuỗi cung ứng của mình không liên quan gì đến Tân Cương, họ tạm xoa dịu được người dân ở nước mình thì nay gặp khủng hoảng ở Trung Quốc.

Sau khi trở thành mục tiêu chịu tẩy chay kịch liệt, H&M hôm 31.3 ra tuyên bố: “Chúng tôi đang làm việc để giải quyết thách thức hiện tại và tìm ra hướng đi cho thời gian tới”. Phát ngôn dùng từ ngữ cẩn thận, đặc biệt tránh nhắc đến vấn đề nhạy cảm hiện tại.

image.jpg
H&M bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng thương mại Trung Quốc - Ảnh: CTV News

Tình hình có khả năng căng thẳng hơn trong vài tháng tới. Nhiều chính trị gia phương Tây cùng nhóm nhân quyền kêu gọi tẩy chay Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh để tỏ ý phản đối chính sách đàn áp tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Chủ tịch công ty tư vấn APCO Worldwide James McGregor cho rằng Trung Quốc sẽ không dám làm mất lòng toàn thế giới, tuy nhiên biện pháp đáp trả hiện tại cũng đủ khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Nike và Adidas với mối quan hệ kinh doanh sâu rộng có thể cứu vãn tình hình, nhưng H&M ở thị trường Trung Quốc chỉ là nhà bán lẻ.

Bài liên quan
Cuộc chiến 'công nghệ xa xỉ' ở Trung Quốc khi ô tô điện ngày càng thông minh và rẻ
Cuộc chiến giành sự chú ý của người tiêu dùng trên thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang diễn ra gay gắt với những "công nghệ xa xỉ" mà người mua ô tô ở nước khác chưa từng thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp phương Tây ngày càng khó làm ăn tại Trung Quốc