Những người phản đối chế độ quân sự ở Myanmar đã tuần hành và đặt những bó hoa hôm 2.4 trong khi cố gắng tìm cách thay thế để tổ chức chiến dịch chống đảo chính sau khi chính quyền cắt internet.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra gần như hàng ngày kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1.2. Ít nhất 540 thường dân đã thiệt mạng trong một cuộc đàn áp của lực lượng an ninh bị quốc tế lên án.
Hôm 2.4, lực lượng an ninh đã nổ súng tại cuộc biểu tình gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, làm 4 người bị thương, 2 người nghiêm trọng.
Tại thị trấn Tamu (Myanmar) gần với bang Manipur (Ấn Độ), một cảnh sát ủng hộ phong trào dân chủ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội, tờ Monywa Gazette đưa tin.
Cổng thông tin Myanmar Now đưa tin cảnh sát ủng hộ phong trào dân chủ này đã giết chết 5 người thuộc lực lượng an ninh trong vụ tấn công bằng lựu đạn trước khi bị bắn chết.
Từng cắt dữ liệu di động trong nỗ lực ngăn chặn sự phản đối với chính quyền cầm quyền, quân đội Myanmar đã ra lệnh cho các nhà cung cấp internet từ ngày 2.4 cắt băng thông rộng không dây, tước quyền truy cập của hầu hết khách hàng.
Đáp lại, các nhóm ủng hộ dân chủ đã chia sẻ tần số vô tuyến, các ứng dụng ngoại tuyến hoạt động mà không cần kết nối dữ liệu và các mẹo sử dụng tin nhắn SMS thay thế cho các dịch vụ dữ liệu để liên lạc.
“Trong những ngày tiếp theo sẽ có các cuộc biểu tình trên đường phố. Thực hiện càng nhiều cuộc tấn công du kích càng tốt. Xin hãy tham gia. Chúng ta hãy nghe đài lần nữa. Chúng ta cũng hãy gọi điện thoại cho nhau”, Khin Sadar, một nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, viết trên Facebook với dự báo về sự cố internet và ám chỉ các cuộc biểu tình chớp nhoáng khi lực lượng an ninh xuất hiện.
Quân đội Myanmar đã không thông báo hoặc giải thích lệnh bắt các nhà cung cấp internet cắt băng thông rộng không dây.
Internet chỉ có sẵn trên các đường dây cố định, hiếm có ở Myanmar, nơi hầu hết các gia đình và doanh nghiệp kết nối thông qua mạng không dây.
Phát ngôn viên quân đội Myanmar đã không trả lời các cuộc điện thoại tìm kiếm bình luận.
Bất chấp việc bị cắt internet, người dùng vẫn có thể tải lên hình ảnh các cuộc tuần hành, "đình công hoa" và đám tang của một người biểu tình bị giết.
Hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội là con chim nhìn thấy hàng trăm ngọn nến lung linh trên con đường tối tăm, đánh vần những từ "Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng".
Trên khắp đất nước, những người biểu tình đã để lại những bó hoa với thông điệp thách thức tại những địa điểm có liên quan đến các nhà hoạt động bị lực lượng an ninh giết hại.
Nhiều người giơ cao hoa hồng trong khi chào bằng ba ngón tay, biểu tượng của sự phản kháng. Có người sắp xếp hoa bồ công anh và hoa hồng đỏ trên lối đi ven hồ có dòng chữ"Myanmar đang chảy máu".
Hơn 540 người đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy, theo nhóm vận động Hiệp hội Tù nhân Chính trị (AAPP), tổ chức đang theo dõi số người thương vong và bị giam giữ.
Tại thành phố Yangon, một nhân viên người Myanmar của Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) đã thiệt mạng hôm 2.4 do bị bắn vào đầu khi đang đi trên chiếc xe buýt nhỏ. Ngân hàng Shinhan cho biết đang thảo luận về tình hình với chính phủ quân sự.
Quân đội cho biết những người bị giết vì đã kích động bạo lực, thực hiện đảo chính vì cuộc bầu cử vào tháng 11.2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng có gian lận nhưng ủy ban bầu cử không lưu ý đến các khiếu nại của họ. Ủy ban bầu cử Myanmar và nhiều cơ quan quốc tế đã bác bỏ nhận định đó.
Bà Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo NLD đang bị giam giữ.
Suu Kyi và bốn đồng minh đã bị buộc tội để lộ bí mật quốc gia thời thuộc địa, luật sư trưởng của bà nói hôm 1.4. Đây là cáo buộc nghiêm trọng nhất chống lại bà Suu Kyi mà nếu bị kết án có thể đi tù đến 14 năm.
Lực lượng an ninh đã bắt giữ nhiều đối thủ bị tình nghi là đảo chính. Cổng thông tin Myanmar Now cho biết 5 phụ nữ nói chuyện với nhóm phóng viên CNN trên đường phố Yangon trong tuần này đã bị các nhân viên an ninh bắt đi.
Trung Quốc lên tiếng về Myanmar sau khi gặp Ngoại trưởng Malaysia
Các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính và Mỹ, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với quân đội Myanmar. Thế nhưng, cả Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước cạnh tranh để giành ảnh hưởng, đều từ chối lên án việc lật đổ bà Suu Kyi.
Các nước láng giềng của Myanmar trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ trước đến nay thường không chỉ trích thành viên theo nguyên tắc không can thiệp. Song, một số nước bày tỏ thái độ và kêu gọi quân đội Myanmar giảm bạo lực.
Một số ngoại trưởng Đông Nam Á đã gặp riêng trong tuần này với Ngoại trưởng Vương Nghị ở Trung Quốc, nhà đầu tư lớn ở Myanmar và là một trong số ít quốc gia có thể ảnh hưởng đến các tướng lĩnh, để tìm kiếm sự ủng hộ cho nỗ lực tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
"Trung Quốc ủng hộ việc triệu tập một cuộc họp đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN để làm trung gian càng sớm càng tốt", ông Vương Nghị cho biết sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Malaysia - Hishammuddin Hussein. Xem chi tiết tại đây.
Trong cuộc họp báo, ông Hishammuddin Hussein cho biết Chính phủ Malaysia tin rằng "Trung Quốc có thể cùng với ASEAN đóng một vai trò quan trọng và mang tính xây dựng để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar".
Hôm 31.1, trong cuộc gặp ở Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan và ông Vương Nghị đã "kêu gọi giảm leo thang tình hình, ngừng bạo lực và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên".
Ngoại trưởng Vương Nghị lưu ý rằng Myanmar là một thành viên quan trọng của gia đình ASEAN. Ông vui khi thấy và ủng hộ nỗ lực của khối trong việc duy trì nguyên tắc "không can thiệp", đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự ổn định của tình hình ở Myanmar thông qua "cách tiếp cận ASEAN”.
Hôm 2.4, ông Vương Nghị lần lượt tiếp người đồng cấp Indonesia - Retno Marsudi và Ngoại trưởng Philippines - Teodoro Locsin.
Thêm vào sự hỗn loạn tại thuộc địa cũ của Anh, các cuộc thù địch giữa các lực lượng vũ trang Myanmar và quân nổi dậy dân tộc thiểu số đã nổ ra ở ít nhất hai khu vực.