Phó thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn khi các nhà đầu tư đến Việt Nam thì Việt Nam phát triển và các nhà đầu tư có lợi nhuận, còn các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam được tham gia vào chuỗi sản xuất để lớn mạnh.
Thị trường và chính sách

Doanh nghiệp trong nước phải hợp tác được với doanh nghiệp FDI để tiến ra 'sân chơi' thế giới

Lam Thanh 18:24 12/03/2024

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn khi các nhà đầu tư đến Việt Nam thì Việt Nam phát triển và các nhà đầu tư có lợi nhuận, còn các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam được tham gia vào chuỗi sản xuất để lớn mạnh.

Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc

Tại hội nghị lãnh đạo các tập đoàn Bắc Âu đang đầu tư tại Việt Nam, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn.

Phó thủ tướng cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo ra sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Cụ thể, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện, bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, y tế…

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công - tư, bao gồm cả hợp tác với DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới; khuyến khích sản xuất xanh, hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.

quang-2.jpeg
Các đại biểu tại hội nghị với các doanh nghiệp Bắc Âu đang đầu tư tại Việt Nam

Phó thủ tướng khẳng định mong muốn lớn lao nhất của Việt Nam là khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, Việt Nam phát triển và các nhà đầu tư có lợi nhuận.

“Mong muốn lớn lao hơn là DN trong nước, DN của Việt Nam được tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN FDI để phát triển lớn mạnh từng ngày”, Phó thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các DN trong nước cùng hợp tác làm ăn với các DN FDI, qua đó vươn mình, từng bước tiến ra "sân chơi" của thế giới.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các DN Bắc Âu thúc đẩy một số định hướng hợp tác mà các DN khu vực Bắc Âu có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: tài chính - ngân hàng, các ngành công nghiệp xanh, giáo dục đào tạo, y tế…

“Với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, trong đó có các DN của khu vực Bắc Âu đến đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam”, Phó thủ tướng khẳng định.

Việt Nam cam kết đủ điện, không gián đoạn

Về cải cách hành chính, Phó thủ tướng cho biết Việt Nam chuyển đổi từ cách làm cũ sang cách làm mới, tiếp cận với thế giới, nên còn nhiều việc cần làm, nhất là quy trình thực hiện các thủ tục hành chính trong khi việc chuyển đổi số chưa được mạnh mẽ.

Để khắc phục những hạn chế, Việt Nam sẽ tiếp tục phân cấp mạnh cho địa phương gắn liền với sự hỗ trợ, giúp đỡ tăng cường năng lực cho cấp cơ sở bởi chỉ có ở địa phương mới biết rõ làm thế nào là đúng nhất cho địa phương và cho DN đến đầu tư trên địa bàn của mình.

Theo đó, khi phân cấp, Chính phủ kiểm soát quy hoạch (định hướng phát triển của quốc gia, vùng và địa phương) đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số, trước hết là chính quyền số để giảm bớt thủ tục hành chính và minh bạch hoá thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

“Chính phủ sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số để đến cuối nhiệm kỳ này, tất cả thủ tục hành chính của Việt Nam sẽ được đưa lên môi trường mạng để các nhà đầu tư có thể tìm hiểu được một cách chi tiết; khuyến khích giao dịch qua môi trường điện tử để hạn chế chi phí không cần thiết”, Phó thủ tướng nêu.

quang-1.jpeg
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị

Về đào tạo nguồn nhân lực, Phó thủ tướng cho biết ngoài nỗ lực của Việt Nam, các DN Bắc Âu cùng hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nghề, trong đó Việt Nam đào tạo phần cơ bản, còn các DN đào tạo chuyên sâu để đáp ứng tốt nhất mong muốn của nhà đầu tư.

Về nhân lực cho ngành bán dẫn, Phó thủ tướng cho hay Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030; đã và đang liên kết đào tạo với những trung tâm đào tạo lớn và các DN nước ngoài đang đầu tư thành công tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel…

Về cung cấp điện và giảm phát thải, Phó thủ tướng khẳng định không thiếu điện và Việt Nam đang nỗ lực điều chỉnh cơ cấu nguồn điện theo hướng nâng tỷ lệ của năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cam kết cung cấp đủ và không gián đoạn.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Phó thủ tướng nêu: Từ một quốc gia không đủ lương thực cách đây 40 năm, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt trong năm 2023, Việt Nam đạt "kỳ tích" khi giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới, lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 8,6 triệu tấn, trị giá hơn 4 tỉ USD.

“Nhiều nước đã tiếp cận Việt Nam và bày tỏ mong muốn Việt Nam cung cấp gạo ổn định cho các quốc gia này. Đây là nguồn động viên rất lớn cho Việt Nam nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng”, ông Quang nói.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng Việt Nam bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, do đang đối mặt với những tác động to lớn, vượt dự báo của biến đổi khí hậu, Việt Nam chủ trương phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu, nông nghiệp phát thải thấp.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Việt Nam luôn thể hiện và được bạn bè đánh giá là chân thành, có trách nhiệm, bởi Việt Nam không chỉ vì lợi ích của mình mà còn vì lợi ích của cộng đồng quốc tế và khu vực".

Bài liên quan
Doanh nghiệp vẫn khó khăn, đề xuất kéo dài việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Chính phủ đề xuất cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp trong nước phải hợp tác được với doanh nghiệp FDI để tiến ra 'sân chơi' thế giới