Theo thông tin từ Bộ TT-TT, tháng 1.2022 đối với ngành Bưu chính là tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, doanh thu, sản lượng của lĩnh vực tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến hết tháng 1.2022, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 11,496 nghìn tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Số thuê bao điện thoại smartphone đạt 91,32 triệu (chiếm 72,6% số thuê bao điện thoại di động), tăng 1,01% so với cùng kỳ 2021. Số thuê bao băng rộng cố định hộ gia đình là 18,66 triệu, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước chiếm 68% hộ gia đình.
Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, tính đến ngày 20.1.2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 96,74%. 63/63 địa phương hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
54/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử, phiên bản 2.0. 54/63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT 5 năm giai đoạn 2021-2025. 52/63 tỉnh, thành phố xây dựng ban hành Chương trình/Kế hoạch chuyển đổi số.
Đặc biệt, trong lĩnh vực An toàn thông tin mạng, trong tháng 1.2022, đã ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 1.383 sự cố tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (197 cuộc Phishing, 125 cuộc Deface, 1.061 cuộc Malware), tăng 10,29% so với tháng 12.2021.
Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 879.342 địa chỉ, giảm 9,29% so với tháng 12.2021.
Tổng Số chứng thư số công cộng đã cấp tháng 1.2022 là 4.581.000, tăng 14,1% % so với cùng kỳ năm 2021 (4.014.701). Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 1.2022 là 1.690.000 chứng thư số, tăng 7,03 % so với cùng kỳ năm 2021 (1.578.959).
Trong tháng 1.2022, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 222.762 tỉ đồng (~ 9,6 tỉ USD), giảm khoảng 23% so với cùng kỳ 2021.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Do đó, các hoạt động, lĩnh vực của Bộ phải tập trung phục vụ người dân, lấy dân làm gốc.
“Hãy bắt đầu bằng việc cung cấp cẩm nang hành động, phổ biến tri thức về các nền tảng số phục vụ người dân. Khó nhất là để dân theo nhưng cũng là dễ nhất, bởi nếu có lợi là họ sẽ theo. Đa số các nền tảng số mà chúng ta đặt mục tiêu năm 2022 này đều là để mang lại lợi ích cho người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp cận vấn đề này theo hướng mới, mỗi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nên có cho mình cẩm nang phổ biến tri thức cho người dân dễ hiểu, dễ làm, dễ thực thi và coi đây là công cụ quản lý nhà nước hiệu quả.