Ngày 3.11, Bộ KH-CN, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức Lễ công bố các báo cáo về KH-CN và Đổi mới sáng tạo.
Vượt lên thách thức nhờ đổi mới sáng tạo
Báo cáo “KH-CN và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn của Ngân hàng Thế giới về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam. Báo cáo được xây dựng theo đặt hàng của Bộ KH-CN Việt Nam, do Chương trình Đối tác chiến lược giai đoạn II giữa Chính phủ Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới (ABP2) tài trợ.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045; và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng".
Tuy nhiên, bà Carolyn Turk cũng cho rằng có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam.
Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp…
Báo cáo cho rằng việc áp dụng đổi mới sáng tạo sâu rộng hơn nữa có thể giúp các quốc gia vượt lên các thách thức mới để tiếp tục phát triển, kể cả các yếu tố về đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng năng suất.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện. Ngoài việc định hướng lại các chính sách KH-CN và đổi mới sáng tạo cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, các quốc gia cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Điển hình như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án đổi mới sáng tạo...
Tác động của việc hấp thụ công nghệ cũng được định lượng rõ ràng trong báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” do CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia Úc và các đơn vị thuộc Bộ KH-CN Việt Nam cùng thực hiện.
Báo cáo cung cấp các công cụ để đánh giá hiện trạng và tác động của tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Bằng cách, áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.
Bà Robyn Mudie - Đại sứ Úc tại Việt Nam nói: Úc đã và đang hỗ trợ Việt Nam đưa ra các quyết định chính sách dựa trên cơ sở thực chứng trong lĩnh vực KH-CN và đổi mới sáng tạo, báo cáo này là một mốc quan trọng nữa trong quan hệ đối tác của 2 bên.
Tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, các báo cáo được công bố hôm nay là thành quả của sự hợp tác trong thời gian qua của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của KH-CN và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam và con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, báo cáo "KH-CN và Đổi mới sáng tạo Việt Nam" nêu rõ việc ứng dụng và truyền bá các công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật số cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội nâng cao năng suất và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng.
Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt là làn sóng mới về số hoá, tự động hóa, và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tinh vi sẽ định hình lại chiến lược định hướng xuất khẩu dựa trên thâm dụng lao động với chi phí thấp của Việt Nam.
Các đột phá công nghệ trong quá trình sản xuất và phân phối sẽ tác động đến các ngành sản xuất ở mức độ khác nhau, đồng thời mang lại cơ hội mới cho các ngành dịch vụ như một nhân tố bổ trợ cần thiết thúc đẩy thành công của các ngành sản xuất.
Các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty “siêu ứng dụng” như ZaloPay, Momo mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân (VCPE).
Đại dịch COVID-19 bùng phát càng cho thấy nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Báo cáo nhấn mạnh tới yếu tố còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ KH-CN đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Úc và Ngân hàng Thế giới trong các nỗ lực này. Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt mong muốn có thêm các sáng kiến hợp tác tiếp theo để đưa các khuyến nghị, công cụ hữu ích này vào thực tiễn.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045”, Bộ trưởng nhấn mạnh.