Trong bài viết này, tôi chỉ muốn thắc mắc là dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam có phục vụ lợi ích cho đại đa số người dân hay không?

Đòi tăng giá sàn vé máy bay thì đặt lợi ích người dân ở đâu?

Anh Tú | 16/09/2021, 09:45

Trong bài viết này, tôi chỉ muốn thắc mắc là dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam có phục vụ lợi ích cho đại đa số người dân hay không?

Dư luận đang xôn xao trước đề xuất áp giá sàn vé máy bay mà Cục Hàng không Việt Nam mới trình Bộ Giao thông Vận tải. Dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị áp dụng mức giá sàn đối với các chuyến bay nội địa, với mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều. Đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

jetstar.jpg
Vé không đồng, thỏa thích bay sẽ chỉ còn là hoài niệm?

Đây giống như một cú đấm từ phía sau đối với ngành du lịch. Do đại dịch, một năm rưỡi qua, Việt Nam hầu như không có khách quốc tế và gần nửa năm qua, hoạt động du lịch trong nước tê liệt. Nền công nghiệp không khói Việt Nam đã rơi vào cảnh kiệt quệ vì không có nguồn thu. Hơn lúc nào hết, du lịch Việt Nam đang mong ngóng ngày các tỉnh thành mở cửa trở lại. Du khách quốc tế có thể chưa tới ngay nhưng dự báo du lịch nội địa rất lớn vì sau thời gian dài phải cách ly, nhu cầu đi lại, thăm thú của người dân đang rất lớn.

Vào lúc này, đáng ra cần phải thúc đẩy du lịch nội địa thì Cục Hàng không Việt Nam lại dội gáo nước lạnh vào tinh thần của du khách. Theo tính toán, nếu biết săn vé giá rẻ thì một người bay khứ hồi chặng Hà Nội – TP.HCM trước đây chỉ phải chi hơn 1 triệu đồng (gồm cả thuế phí) nhưng khi áp dụng giá sàn thì giá vé sẽ tăng lên thành ít nhất là 2,7 triệu. Nếu một gia đình đi 4-5 người muốn đi du lịch xuyên Việt sau dịch thì áp lực tài chính từ giá vé đủ lớn để họ từ bỏ ý định. Thậm chí, với người khá giả hơn chút thì họ thà đi du lịch các nước trong khu vực còn hơn. Nên nhớ, Thái Lan cũng đang rục rịch mở cửa trở lại nên để khách Việt bỏ đi sang nước ngoài tiêu ngoại tệ chỉ vì câu chuyện giá vé thì quả là đáng buồn.

Việc dự thảo của Cục Hàng không Việt Nam làm khó cho ngành du lịch đã nhiều người, nhiều báo nhắc. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn thắc mắc thêm là Cục Hàng không Việt Nam xuất phát từ việc phục vụ lợi ích của ai mà lại đưa ra đề xuất bị phản ứng như vậy.

Cục Hàng không Việt Nam cũng là cơ quan quản lý nhà nước thì phải thấm nhuần việc Đảng và Nhà nước ta xác định nước ta kiên định phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Xét trên yếu tố của nền kinh tế thị trường thì dự thảo nâng giá vé sàn không phù hợp quy luật kinh tế thị trường chút nào. Cục Hàng không Việt Nam không nên can thiệp vào việc các hãng đưa ra giá vé ở mức cạnh tranh nhất, phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ. Việc của Cục Hàng không Việt Nam là tìm cách giúp người tham gia hàng không cảm thấy thoải mái hơn chứ không phải khó chịu hơn.

Còn xét theo yếu tố định hướng XHCN thì chúng ta cần ý thức nền kinh tế Việt Nam vận động sao cho phục vụ lợi ích tối đa của đại đa số người dân. Việc tăng giá sàn sẽ đẩy giá vé lên cao, ngăn trở người dân nghèo tiếp cận hình thức giao thông vốn đã được phổ cập bấy lâu nay. Tính ưu việt của XHCN tại Việt Nam cần thể hiện ngay cả ở lĩnh vực hàng không, nơi mọi người đều có thể tham gia và không hiểu Cục Hàng không Việt Nam có ý thức được điều này một cách rõ ràng hay không?

Gần đây, tôi có xem qua bộ phim Soorarai Pottru của Ấn Độ nói về một người con không kịp về thăm cha lúc hấp hối vì giá vé máy bay quá đắt. Sau đó, người con này đã vượt qua nhiều bầm dập từ cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ và thờ ơ của cơ quan quản lý hàng không, để xây dựng hãng máy bay giá rẻ đầu tiên cho người dân Ấn Độ. Nhờ sự quyết tâm đó, Ấn Độ đã có thị trường máy bay giá rẻ sôi nổi bậc nhất thế giới, mang lại cơ hội tiếp cận giao thông cho cả những người Dalit. Nếu người của Cục hàng không nước ta xem bộ phim này, không hiểu họ suy nghĩ gì?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đòi tăng giá sàn vé máy bay thì đặt lợi ích người dân ở đâu?