Chính phủ đã nhận thấy ngay việc chồng chéo các ứng dụng là rào cản khó cho người dân trong việc khai báo để từ đó hạ quyết tâm hành động để thuận tiện nhất cho người dân.

Bớt “áp” để giảm áp lực cho người dân, nêu cao tinh thần kiến tạo

Anh Tú | 13/09/2021, 15:55

Chính phủ đã nhận thấy ngay việc chồng chéo các ứng dụng là rào cản khó cho người dân trong việc khai báo để từ đó hạ quyết tâm hành động để thuận tiện nhất cho người dân.

App cần thiết nhưng quá nhiều

Thời gian qua, các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đóng vai trò quan trọng trong thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm…

Tuy nhiên, việc nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành triển khai ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 hay khai báo y tế khác nhau khiến người dùng gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện, phải khai báo nhiều lần.

Trước thực trạng đó, tại cuộc làm việc chiều 10.9 với lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; một số doanh nghiệp công nghệ thông tin… về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19  tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu, thời gian tới, sẽ chỉ có một ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng yêu cầu thông tin và dữ liệu. Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ứng dụng, giải pháp phải thuận tiện để người dân sử dụng và phục vụ thiết thực cho phòng, chống dịch

Sáng ngày 11,9, cũng tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm…); kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân.

Có thể thấy, Chính phủ đã nhận thấy ngay việc chồng chéo các ứng dụng là rào cản khó cho người dân trong việc khai báo để từ đó hạ quyết tâm hành động để thuận tiện nhất cho người dân. Việc giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông bắt tay vào thống nhất các ứng dụng về một mối là quyết định đúng đắn về cả mặt khoa học và phù hợp với tinh thần chính phủ kiến tạo.

App gì không quan trọng mà quan trọng là vận dụng tinh thần kiến tạo để thuận tiện cho dân

Chú ý trong nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông là kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Vấn đề ở đây không phải là người dân phải dùng app nào mà là việc các dữ liệu của người dân khai báo được liên thông với nhau. Các cơ quan chức năng khi cần kiểm tra thông tin cần thiết liên quan người dân đều có thể tiếp cận với thông tin mà người dân đã khai báo qua app nào đó.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có điều kiện về kinh tế và trình độ để sử dụng các thiết bị thông minh. Với những người già trên 65 mắt mờ, thị lực giảm thì không phải ai cũng dễ dàng cầm một chiếc điện thoại nhỏ xíu vuốt vuốt để khai báo thông tin hay chìa mã QR cho cán bộ. Khi đó, giải pháp nào cho công dân không có thói quen dùng điện thoại thông minh? Các cơ quan chức năng khi có dữ liệu của người dân thì có thể gửi thông tin đúng số điện thoại để tạo giấy thông hành như tin nhắn mời đi tiêm vắcxin thời gian qua.

Và ngay cả khi với những người dân không có thói quen dùng điện thoại di động, không biết sử dụng chức năng xem tin nhắn vì có thể họ mù chữ hoặc thị lực quá suy giảm thì chính quyền vẫn có thể giúp có “giấy thông hành” theo nhiều cách đơn giản trong tầm tay. Mọi công dân Việt Nam đều có định danh bằng số chứng minh thư hay căn cước công dân. Nếu cơ sở dữ liệu được liên kết tốt như tinh thần Thủ tướng vừa chỉ đạo thì mọi thông tin của mỗi người dân khi tiêm vắc xin, được điều trị khỏi… đều có thể cập nhật vào chính thông tin cá nhân dựa theo số chứng minh thư, căn cước công dân.

Hãy thử tưởng tượng người dân đi đường qua mỗi trạm nếu thiếu giấy chứng nhận chỉ cần chìa căn cước công dân ra và người kiểm tra chỉ cần quét vạch trên đó để truy cập vào cơ sở dữ liệu trung tâm rồi trả lời bằng đèn báo xanh, vàng hay đỏ để có hướng dẫn tiếp theo.

Hay người dân muốn xin giấy đi đường thì chỉ cần lên ủy ban phường xã trình chứng minh thư và cán bộ ủy ban nhập số chứng minh để so sánh đối chiếu với cơ sở dữ liệu trung tâm rồi duyệt cấp giấy.

Cơ sở dữ liệu, các phần mềm thuật toán phải là công cụ để chính quyền đem ra áp dụng nhằm phục vụ người dân tốt nhất chứ không phải là thứ làm người dân khó xoay sở.

Có thể thấy những chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ rất gợi mở, rất phù hợp với tinh thần chính phủ kiến tạo, phục vụ lợi ích của người dân. Vấn đề chỉ là các cơ quan bên dưới cần phải cụ thể hóa những chỉ đạo đó một cách quyết tâm và khoa học nhất.

Khi người dân có thể được tự do trở lại cuộc sống, không bị rào cản thủ tục thì mạch máu kinh tế sẽ thông suốt. Các ban ngành cần thấu hiểu điều đó để đồng hành với Chính phủ và người dân.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bớt “áp” để giảm áp lực cho người dân, nêu cao tinh thần kiến tạo