Trước tình hình dịch bệnh có nơi từ "xanh rờn" tới "đỏ quạch", Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ tỏ ra rất sốt ruột trước những hạn chế, thiếu trách nhiệm từ bên dưới.

Từ "xanh rờn" tới "đỏ quạch" chỉ vì quản lý lỏng lẻo là do lãnh đạo thiếu sâu sát?

Quốc Phong | 16/09/2021, 07:08

Trước tình hình dịch bệnh có nơi từ "xanh rờn" tới "đỏ quạch", Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ tỏ ra rất sốt ruột trước những hạn chế, thiếu trách nhiệm từ bên dưới.

hop-truc-tuyen.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang ngày 13.9

Chính Thủ tướng Phạm Minh Chính sau những lần thị sát dưới cơ sở, nhất là chuyến kiểm tra đột xuất ổ dịch của phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã khiến ông thấy rõ những điểm yếu chí mạng ngay từ cấp cơ sở. Nó rất đáng báo động.

Đó là biểu hiện của đội ngũ cán bộ công chức cấp dưới nắm công việc rất lơ mơ, không rốt ráo kiểm tra, hỏi gì cũng phải giở giấy ra đọc mà đọc cũng không ra hồn.

Việc Thủ tướng tiến hành sau đó là tức tốc mở ngay cơ quan “Tổng hành dinh” để nối thẳng mạng với cả chục nghìn điểm cầu từ UBND cấp tỉnh, thành phố xuống huyện, quận và tới tận xã, phường.

Từ đây, 24/24 giờ, người đứng đầu Chính phủ kiêm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có thể kiểm tra và nói chuyện với cơ sở chỉ trong tích tắc.

Tôi tin rằng với cách làm này, tới đây sẽ thật khó còn vị lãnh đạo cơ sở nào dám lơ mơ, bỏ trống trận địa lúc đại dịch hoành hành, nếu như có một vài trường hợp vi phạm nặng, buộc ra quyết định phải rời vị trí, chuyển công tác khác.

Trên VTV1 lúc 12 giờ trưa 13.9 có đưa chuyện Thủ tướng họp trực tuyến với các địa phương. Thông qua những cuộc hỏi đáp giữa người đứng đầu Chính phủ với lãnh đạo địa phương đã khiến dư luận cả nước khá bức xúc và lo lắng. Họ lo là lo trước năng lực quản lý của cán bộ công chức không nắm chắc thực trạng địa phương mình phụ trách, mà tỉnh Kiên Giang là một ví dụ, để rồi từ cấp tỉnh cho đến cấp phường đều có chuyện.

Trước ngày họp trực tuyến nói trên, tính đến ngày 12.9, tỉnh Kiên Giang có 3.261 ca dương tính với SARS-CoV-2. Các ca nhiễm được phát hiện tại 15/15 huyện, thành phố trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh này còn có 3 ổ dịch tại ba bệnh viện tuyến tỉnh là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh và Bệnh viện Lao và các bệnh Phổi tỉnh.

Do cách quản lý các bệnh viện điều trị COVID-19 rất lỏng lẻo nên dịch bệnh mới lây chéo nhanh như vậy để rồi, nói như Thủ tướng hôm 13.9 là: “Tỉnh Kiên Giang đang từ chỗ “xanh rờn” mà nay các đồng chí quản lý thế nào để rồi nó “đỏ quạch” hết cả là sao?”.

Hiện công tác xét nghiệm sàng lọc của Kiên Giang đang bộc lộ những yếu kém cùng với những khó khăn nội tại. Tất cả đã dẫn đến tốc độ xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây nhiễm.

Theo Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang thì công tác lấy mẫu không bảo đảm số lượng theo kế hoạch, tiến độ thực hiện còn chậm, chất lượng mẫu chưa cao; việc xét nghiệm trả kết quả cũng chậm gây khó khăn trong đánh giá mức độ nguy cơ. Tiếp đó, quy trình nhập liệu lại chủ yếu bằng phương pháp thủ công, phải huy động cùng một lúc nhiều nhân lực cho công tác này nên không bảo đảm công tác phòng chống dịch…

Vấn đề đặt ra là tỉnh Kiên Giang và riêng với thành phố Phú Quốc đang chuẩn bị kế hoạch đón khách trở lại vào tháng 10 tới nếu như du khách và người dân trên đảo đều có “Thẻ xanh” (tiêm đủ 2 mũi vắc xin). Thế nhưng khả năng đáp ứng vắc xin của Phú Quốc vẫn rất hạn hẹp (ngày 13.9, hòn đảo này mới tiêm mũi 1 được 35% dân số từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cũng chỉ được 14%). Như vậy thì thật khó cho tham vọng của Đảo ngọc Phú Quốc trong khi dịch thì đang bùng rộng khắp các nơi thuộc tỉnh. Lẽ ra trong cái khó này, ngoài việc chia sẻ thì lãnh đạo tỉnh còn có trách nhiệm bịt ngay những lỗ hổng, không để dịch lan đến độ “đỏ quạch” như Thủ tướng nói, bằng những giải pháp của riêng mình. Tiếc rằng nó lại không hề vậy.

Trong buổi họp trực tuyến, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và một phường của thành phố Rạch Giá đã bị "việt vị" với Thủ tướng qua những câu hỏi trực diện của ông. Theo tôi nó hoàn toàn không có gì là khó nếu như người lãnh đạo sâu sát cơ sở và nắm chắc số liệu từng buổi, từng ngành và có thể tự tin trả lời không cần giấy tờ trước những câu Thủ tướng hỏi trực diện.

Tôi không tán thành với cách thanh minh của vị Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang hôm trước trên báo Tiền Phong trước những gì đã diễn ra tại cuộc họp trực tuyến. Theo đó, khi được PV hỏi vì sao lại lúng túng trước các số liệu đáng lẽ phải nằm lòng như thế? Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nói: “Bây giờ anh (PV) lấy báo cáo của Kiên Giang xem sẽ rõ hết”.

Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến ngày 13.9, trong lúc Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang còn tìm tài liệu trên mặt bàn trả lời Thủ tướng thì có tiếng vọng của ai đó “nhắc bài”. Được biết, đó là một Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang, người cùng ngồi tham gia trực tuyến. Thế nhưng vị bí thư vẫn loay hoay rồi thật thà thừa nhận đúng là “không nhớ nổi” 154 ca nhiễm F0 là ở những đâu...

Tối 14.9, chúng ta theo dõi trên VTV1 buổi thời sự cuối ngày thì lại thêm mấy huyện khác tại An Giang và Đồng Tháp cũng có dấu hiệu lơ mơ kiểu như thế vì mấy địa phương này có dịch nhưng chưa quá căng thẳng như TP.HCM, Bình Dương nên có phần chủ quan thì quả là rất đáng lo.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính cho mở “Tổng hành dinh” từ Trung ương để theo dõi, chỉ đạo xuống tận các địa phương (cấp thấp nhất trong bộ máy chính quyền) như cả chục hôm nay là rất đúng và rất cần thiết. Tôi mong rằng, qua hình thức này Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh, thành phố sẽ có những hình thức kỷ luật ngay những cán bộ yếu kém, sớm đưa họ ra khỏi bộ máy. Đồng thời cũng biểu dương kịp thời những địa phương, cá nhân nào làm tốt, có sáng tạo nhưng chắc chắn. Qua đó vừa có tính răn đe và từ đó mọi việc sẽ tốt dần lên, sẽ vào guồng tích cực hơn để nơi khác nhìn vào học tập.

Cũng qua cách điều hành nói trên, chúng ta hy vọng đây cũng sẽ là một biện pháp hữu ích để hệ thống chính trị từ trên xuống dưới sàng lọc, tìm ra những cán bộ lãnh đạo suất sắc cũng như cán bộ yếu kém, lơ mơ đang còn ngồi yên vị chưa xứng đáng.

“Lửa thử vàng” chính là lúc khó khăn này! Hy vọng sau đại dịch, cả hệ thống chính trị sẽ có một guồng máy trơn tru lành mạnh hơn, quyết liệt hơn, có trách nhiệm trước những quyết sách của mình, thể hiện họ luôn biết vì dân, vì nước hơn là chỉ nói mà không làm...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ "xanh rờn" tới "đỏ quạch" chỉ vì quản lý lỏng lẻo là do lãnh đạo thiếu sâu sát?