Đó là 2 trong 4 nghiên cứu đáng chú ý gần đây liên quan đến COVID-19.

Đối tượng được lợi nhất khi tiêm mũi vắc xin mRNA thứ 3, người có gen OAS1 / 2/3 ít bị COVID-19 nặng

Sơn Vân | 22/01/2022, 09:36

Đó là 2 trong 4 nghiên cứu đáng chú ý gần đây liên quan đến COVID-19.

Người từ 50 tuổi được lợi nhất khi tiêm mũi vắc xin Pfizer và Moderna thứ 3

Nghiên cứu từ Mỹ cho thấy liều vắc xin mRNA thứ ba là chìa khóa để chống lại biến thể Omicron với hiệu quả 90% ngăn nhập viện do COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hôm 21.1.2022.

Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Mỹ xem xét tác động của mũi vắc xin tăng cường với biến thể Omicron đang lây lan cực nhanh, hiện chiếm 99% tổng số ca COVID-19 mới tại nước này.

Nhìn chung, các nghiên cứu cho biết mũi vắc xin tăng cường giúp ngăn nhiễm SARS-CoV-2 và mắc bệnh có triệu chứng. Người lớn từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất khi tiêm mũi vắc xin Pfizer - BioNTech hoặc Moderna thứ ba.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết trong cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng hôm 21.1.2022: "Bảo vệ chống lại nhiễm vi rút và nhập viện do biến thể Omicron là cao nhất ở những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường khi họ đủ điều kiện".

dot-tuong-duoc-loi-nhat-khi-tiem-mui-vac-xin-mrna-thu-3.jpg
Nhân viên từ Trung tâm Sức khỏe Gia đình Chicago chuẩn bị tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người dân ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ - Ảnh: Reuters

Như đã được chứng minh ở các quốc gia khác, mũi vắc xin tăng cường hoạt động tốt hơn trong việc chống lại biến thể Delta so với Omicron, một phiên bản đột biến cao của SARS-CoV-2 có khả năng tránh được khả năng miễn dịch từ vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó.

Một trong những nghiên cứu, được công bố trên Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC, đã xem xét tỷ lệ nhập viện, vào khoa cấp cứu và các lần khám chăm sóc khẩn cấp ở 10 bang từ ngày 26.8.2021 đến 5.1.2022.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng khả năng bảo vệ từ hai liều vắc xin COVID-19 giảm xuống 57% ở những người tiêm mũi thứ hai ít nhất 6 tháng trước đó. Trong số những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường, tỷ lệ bảo vệ khỏi nhập viện và các lần chăm sóc khẩn cấp là 90%.

Trong một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Y khoa JAMA, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về 23.391 ca mắc COVID-19 do biến thể Delta hoặc Omicron gây ra ở những người xét nghiệm từ ngày 10.12.2021 đến 1.1.2022. Họ phát hiện ra rằng trong số những người đi xét nghiệm để tìm các triệu chứng giống COVID-19, những ai đã tiêm ba liều vắc xin mRNA có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm vi rút cao hơn nhiều so với đối tượng nhận hai liều hoặc chưa được chủng ngừa.

Do thời điểm của các khuyến nghị về mũi vắc xin tăng cường ở Mỹ, hầu hết những người trong nghiên cứu đã đi tiêm trong vòng 1 tháng sau khi xét nghiệm, điều này có thể góp phần mang lại lợi ích.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu cung cấp mũi vắc xin COVID-19 tăng cường, nhưng một nghiên cứu gần đây từ Israel cho thấy dù liều thứ tư của vắc xin mRNA nâng cao kháng thể, mức độ không đủ để ngăn nhiễm biến thể Omicron.

Sự nhiệt tình ban đầu với tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường ở Mỹ đã giảm dần, một phần do sự chuyển đổi nhanh chóng thông điệp về sức khỏe cộng đồng và mối quan tâm của một số chuyên gia về việc thiếu dữ liệu chứng minh lợi ích của tiêm thêm vắc xin.

Một số người Mỹ cũng có quan niệm sai lầm rằng nếu vẫn có thể nhiễm Omicron thì tại sao phải bận tâm đến mũi vắc xin tăng cường?

Theo CDC, chỉ 82,5 triệu (tương đương 39,3%) người Mỹ tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ đã nhận thêm mũi tăng cường.

Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng ở trẻ nhỏ so với Delta nhưng…

Theo một nghiên cứu mới đây, ở trẻ nhỏ, biến thể Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về gần 80.000 trẻ em Mỹ dưới 5 tuổi nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu, bao gồm cả 7.201 bé mắc COVID-19 vào cuối tháng 12.2021 hoặc đầu tháng 1.2022 khi Omicron gây ra hơn 90% ca ở Mỹ.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm cả điều kiện y tế và hoàn cảnh kinh tế xã hội, các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em nhiễm Omicron có nguy cơ phải đến khoa cấp cứu thấp hơn 29%, nguy cơ nhập viện thấp hơn 67%, nguy cơ cần chăm sóc đặc biệt thấp hơn 68%, giảm 71% nguy cơ cần máy để thở, so với những đứa trẻ nhiễm Delta. Tuy nhiên, "do khả năng lây truyền của Omicron tăng cao nên tổng số lần khám tại khoa cấp cứu, nhập viện, chăm sóc đặc biệt và sử dụng máy thở cơ học ở trẻ em vẫn có thể nhiều hơn" ở làn sóng dịch biến thể mới này so với Delta, theo một báo cáo đăng trên trang medRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp.

Các nhà điều tra cũng đã quan sát thấy rằng tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 (cả biến thể Omicron và Delta) ở trẻ em da đen và gốc Tây Ban Nha với nhóm tuổi này cao hơn một cách không cân xứng và số ca nhiễm Omicron ngày càng mở rộng điều này, theo trưởng nhóm nghiên cứu, Rong Xu thuộc Trường Y Đại học Case Western Reserve (Mỹ).

Dữ liệu cho thấy "trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ nhiễm Omicron cao nhất" so với lứa lớn hơn và người lớn ở tất cả các nhóm tuổi, bà Rong Xu nói.

Người mang gen OAS1 / 2/3 ít mắc COVID-19 nghiêm trọng

Phát hiện mới bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những người có một phiên bản gen nhất định ít có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Nghiên cứu trước đó đã xác định một nhóm gen cụ thể, được gọi là cụm gen OAS1 / 2/3, có liên quan đến một số cơ chế kháng vi rút và nguy cơ mắc COVID-19 ít nghiêm trọng. Một phiên bản gen trong cụm đó, được truyền lại từ người Neanderthal, có khả năng làm giảm khoảng 23% nguy cơ chuyển biến nặng khi nhiễm SARS-CoV-2.

Các nghiên cứu trước đây được thực hiện chủ yếu ở những người có tổ tiên châu Âu. Theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Nature Genetics, các nhà nghiên cứu hiện nhận thấy mối liên hệ tương tự của đột biến gen này (biến đổi trong mã di truyền) với COVID-19 ít nghiêm trọng hơn ở những người có tổ tiên châu Phi.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Jennifer Huffman, cho biết: “Thực tế là các cá nhân gốc Phi có cùng sự bảo vệ cho phép chúng tôi xác định biến thể duy nhất trong DNA thực sự bảo vệ khỏi mắc COVID-19”.

Các nhà nghiên cứu nói gen OAS có liên quan đến một loạt các tác động giúp tế bào chống lại vi rút SARS-CoV-2. Họ cho biết thêm, hiểu biết về những gen này và ảnh hưởng của chúng với rủi ro COVID-19 có thể hỗ trợ sự phát triển các loại thuốc trong tương lai.

Người tiêm 2 liều vắc xin Moderna ít bị nhiễm COVID-19 đột phá và nhập viện hơn so với Pfizer

Khi biến thể Delta phổ biến ở Mỹ, những người tiêm hai liều vắc xin mRNA của Moderna ít bị nhiễm COVID-19 đột phá hơn. Nếu có thì khả năng phải nhập viện sẽ thấp hơn một chút so với người nhận hai liều vắc xin mRNA của Pfizer - BioNTech, một nghiên cứu lớn cho thấy.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 637.000 người tiêm vắc xin, trước đó không nhiễm SARS-CoV-2 và chưa nhận mũi tăng cường.

Các ca lây nhiễm đột phá tăng đều đặn hàng tháng từ tháng 7 đến tháng 11.2021, với tỷ lệ cao hơn ở nhóm tiêm hai liều vắc xin Pfizer - BioNTech. Vào tháng 11.2021, có 2,8 trường hợp trong số 1.000 người được tiêm hai liều vắc xin Pfizer – BioNTech nhiễm COVID-19 đột phá, so với 1,6 trường hợp trên 1.000 người được tiêm hai liều vắc xin Moderna.

Hai loại vắc xin này đều bảo vệ chống tử vong do COVID-19 tốt như nhau, nhưng tỷ lệ nhập viện do nhiễm đột phá là 12,7% với những người tiêm hai liều vắc xin Moderna và 13,3% ở những người nhận hai liều Pfizer - BioNTech.

dot-tuong-duoc-loi-nhat-khi-tiem-mui-vac-xin-mrna-thu-3_1.jpg
Vắc xin Moderna hiệu quả hơn Pfizer trong ngăn nhiễm COVID-19 đột phá và nhập viện - Ảnh: Internet

Khi các nhà nghiên cứu so sánh 62.584 người tiêm vắc xin Moderna với số người nhận vắc xin Pfizer - BioNTech gần tương đương, nguy cơ nhiễm COVID-19 đột phá ở nhóm Moderna thấp hơn 15%.

Đồng tác giả nghiên cứu, Pamela Davis thuộc Trường Y Đại học Case Western Reserve (Mỹ), cho biết: “Mặc dù có sự khác biệt trong các trường hợp nhiễm COVID-19 đột phá, cả hai loại vắc xin này đều có khả năng bảo vệ cao chống lại sự lây truyền SARS-COV-2 và đặc biệt là ngăn những hậu quả nghiêm trọng nhất do COVID-19”.

Bài liên quan
Mũi vắc xin Pfizer thứ 3 bảo vệ bao lâu và tác dụng ra sao với biến thể Omicron?
Các chuyên gia vi rút đã ủng hộ tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường khi Omicron lây lan cực nhanh và đây được coi là biện pháp tối ưu hiện tại để đối phó với biến thể mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối tượng được lợi nhất khi tiêm mũi vắc xin mRNA thứ 3, người có gen OAS1 / 2/3 ít bị COVID-19 nặng