Các phản hồi xã hội mang rất nhiều thông tin và dự báo hữu ích. Biết được các thông tin và dự báo đó, chính quyền hiểu được ý dân và lòng dân hơn, có các chính sách phục vụ dân chúng vừa ý và đúng đắn hơn với vai trò là “công bộc của dân” mà chính quyền thường tự nhận.
Phản hồi xã hội cụ thể mà bài viết này đề cập tới là phản hồi xã hội về quyết định tạm dừng lưu hành 5 tác phẩm âm nhạc đang khá được yêu thích trong xã hội. Bằng chứng của sự yêu thích đó là con số không nhỏ người chọn hát trong các buổi hát Karaoke tập thể.
Từ trước khi quyết định tạm dừng được chính thức ban hành, trong xã hội có nhiều tiếng nói cất lên bàn luận về đề nghị tạm dừng này. Một phần lớn các phản hồi không đồng tình với quyết định tạm dừng dựa trên nhiều lý do: văn học, xã hội, pháp lý… trong đó lý do pháp lý được nêu lên nhiều. Một số các phản hồi khác thì bênh vực đề nghị tạm dừng hay phản bác các quan điểm phản đối tạm dừng.
Trước các phản hồi phê phán quyết định tạm dừng, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha lên tiếng:
“Hàng trăm hợp xướng của tôi và các đồng nghiệp, hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại thì chẳng ai nhắc đến hay ca ngợi. Còn 5 ca khúc kia mới bị tạm dừng lưu hành lại được đưa ra mổ xẻ, tranh cãi, bênh vực. Tôi cho rằng, thị hiếu của một bộ phận công chúng người Việt đang thực sự có vấn đề. Đó là điều rất đáng buồn. Nền âm nhạc Việt Nam có bao nhiêu tác phẩm âm nhạc đã cùng với dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước. Chúng ta cần phải nhìn vào đó để tự hào và nhắc nhở, để tri ân trong những giải thưởng chứ không phải để dành thời gian đi tranh cãi”.
Ông Nguyễn Thụy Kha là nhạc sĩ và nhà thơ được nhiều người biết. Bài này trao đổi về thái độ đối xử với các phản hồi xã hội qua đoạn văn trích nói trên, một thái độ có thể đại diện cho một khuynh hướng đối xử với phản hồi xã hội của một thời đại.
Tôi không nghĩ rằng cách lý luận của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đi vào cốt lõi của vấn đề. Vấn đề cốt lõi nhất ở đây là quyết định tạm dừng đó có phải là cách hành xử đúng đắn, hợp lòng dân, hợp khuynh hướng quản trị nhà nước của đa số các nước dân chủ và giàu mạnh trên thế giới hay không? Hơn thế nữa, việc cấm đó có vi phạm pháp luật hay hiến pháp hay không? Đó mới là chủ đề chính, và chủ đề này liên quan tới triết lý tổ chức xã hội, triết lý tổ chức bộ máy hành chính, tới quan điểm về mối liên hệ giữa chính quyền và dân chúng, tới một vài giá trị cốt lõi của đất nước. Xin quí độc giả đừng vội cho những dòng trên là “đao to búa lớn”, và hãy cùng nhau ngẫm nghĩ, có phải đề tài này thật sự liên quan tới các vấn đề cốt lõi của xã hội hay không?
Cho nên, vấn đề không nằm ở chỗ “chẳng ai nhắc đến hay ca ngợi hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại”. Việc khen hay chê “hàng nghìn ca khúc cách mạng vĩ đại” nằm ở chỗ khác, với tính chất khác.
Ngoài ra, khi viết “Tôi cho rằng, thị hiếu của một bộ phận công chúng người Việt đang thực sự có vấn đề”, không rõ ông Nguyễn Thụy Kha có tìm hiểu một cách khách quan xem cái “bộ phận công chúng người Việt” đó chiếm bao nhiêu phần trăm công chúng? Thuộc giới nào, thành phần nào trong xã hội? Khi ông nhìn thấy thị hiếu của họ “có vấn đề”, thì họ nhìn thị hiếu của ông như thế nào? Nếu họ chiếm đa số công chúng và thuộc giới trí thức, văn nghệ sĩ thì ông nghĩ gì?
Khi thảo luận một đề tài, một kế hoạch, một quyết sách… người ta có hai giai đoạn thảo luận chính. Giai đoạn thứ nhất người ta thu thập thông tin, ý kiến của người tham dự. Trong giai đoạn này, tất cả các thông tin, số liệu, ý kiến… theo bất kỳ khuynh hướng nào, ủng hộ hay phản bác, đều được khuyến khích nêu ra.
Để tối đa hóa lượng thông tin thu được, có một nguyên tắc quan trọng là không nhận xét, phê bình những ý kiến đưa ra. Việc không nhận xét, phê bình này thể hiện tinh thần cầu thị. Đây là phương pháp Brain Storming, được tổng hợp và phát triển từ những kết quả nghiên cứu, và được công nhận rất hiệu quả trong phương pháp luận thảo luận hiện đại. Sau giai đoạn này người ta mới sắp xếp, phân tích, nhận xét, đánh giá… các thông tin đã thu nhận được.
Khi chính quyền các nước muốn đưa ra một chính sách, thông thường họ thăm dò ý kiến dân chúng và lắng nghe nhận xét, bình luận của dân chúng. Đây chính là giai đoạn “brain storming”. Sau khi chính sách được ban hành, chính quyền cũng cần biết nhận xét, ý kiến của dân chúng để điều chỉnh nếu cần.
Do đó, việc trong xã hội có tranh luận về chủ trương, chính sách tạm dừng lưu hành 5 tác phẩm âm nhạc, theo tôi, là hoạt động lành mạnh và xây dựng, góp phần làm xã hội sáng suốt và ủng hộ những chủ trương hợp lòng dân thay vì tuân phục một cách mù quáng, góp phần nâng cao dân trí, do đó góp phần phát triển mọi mặt của xã hội.
Các phản hồi như vậy mang rất nhiều thông tin và dự báo hữu ích. Biết được các thông tin và dự báo đó, chính quyền hiểu được ý dân và lòng dân hơn, có các chính sách phục vụ dân chúng vừa ý họ hơn và đúng đắn hơn với vai trò là “công bộc của dân” mà chính quyền thường tự nhận. Các thành phần khác nhau trong dân chúng cũng hiểu biết quan điểm của nhau hơn, thông cảm nhau hơn, tôn trọng nhau hơn, từ đó mà tính đoàn kết xã hội cao hơn.
Các phản hồi đó cũng chứa nhiều kinh nghiệm, chỉ dẫn hay gợi ý về giải pháp, phương pháp… giúp ích nhiều cho toàn xã hội và cho chính quyền trong mục tiêu biến mình thành một “chính phủ kiến tạo” và trong mục đich phục vụ quyền lợi của dân chúng và tổ quốc.
Tìm hiểu và rút các bài học từ phản hồi xã hội có lợi cho toàn xã hội như vậy, cho nên xã hội các nước dân chủ văn minh có thái độ rất trân trọng, cầu thị với các phản hồi xã hội.
Lê Học Lãnh Vân