Ngày 20.1.2017 là một trong những thời điểm quan trọng nhất với nước Mỹ và thế giới không chỉ trong năm 2017 mà có thể là trong vòng gần một thập kỷ tới, khi tổng thống Barack Obama sẽ chính thức rời Nhà Trắng để nhường chỗ cho người kế nhiệm Donald Trump.
Và có lẽ đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại những gì vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đạt được trong vòng 8 năm qua, đặc biệt là về khía cạnh kinh tế. Câu cửa miệng của ông Donald Trump trong quá trình tranh cử khi nói về nền kinh tế Mỹ là “thảm họa kinh tế của Obama”, nhưng những con số thống kê lại đang chỉ ra điều ngược lại: 8 năm ông Obama cầm quyền là một trong những giai đoạn kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng gần 30 năm qua. Và không dễ để tân tổng thống Donald Trump có thể bắt kịp thành tựu ấy.
Theo kết quả một cuộc thăm dò mới nhất do đài CNN/ORC thực hiện, thì tỷ lệ ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama ngay trước thời điểm rời nhiệm sở đang đạt mức đỉnh cao nhất kể từ khi nhậm chức vào tháng 1.2009, lên tới 60%. Kết quả này đưa ông Obama trở thành một trong những tổng thống Mỹ nhận được sự ủng hộ cao nhất từ trước đến nay, chỉ xếp sau mức 66% của tổng thống Bill Clinton vào tháng 1.2001 và mức 64% của tổng thống Ronald Reagan vào tháng 1.1989.
Ngoài ra, khoảng 2/3 số người tham gia khảo sát (65%) cho rằng nhiệm kỳ của ông Obama là một thành công. Khoảng 25% số người được hỏi cho rằng ông Obama là một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, cao hơn mức 11% của ông Reagan hay 10% của Bill Clinton.
Báo cáo kinh tế của tổng thống Obama được công bố mới đây về những thành tựu đạt được trong vòng 8 năm qua đã phần nào lý giải được tỷ lệ ủng hộ rất cao mà người dân Mỹ dành cho vị tổng thống sắp mãn nhiệm. Thời điểm ông Obama nhậm chức vào tháng 1.2009, nền kinh tế Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sau cuộc Đại khủng hoảng 1930.
Tại thời điểm đó, mỗi tháng có khoảng 600.000 người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức trên 8% trước khi đạt đỉnh vào mức 10% ở thời điểm tháng 10.2009, tăng trưởng GDP sụt giảm khoảng 8% và đạt mức âm 5,4%, nhiều tập đoàn và công ty lớn của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản.
Còn vào thời điểm tháng 12.2016 khi ông Obama chuẩn bị rời nhiệm sở, nền kinh tế Mỹ tạo thêm được 180.000 việc làm mới mỗi tháng, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 4,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 8.2007, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của nền kinh tế đạt khoảng gần 2%.
Nếu so sánh về những chỉ số vĩ mô quan trọng nhất, thì nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Obama luôn nằm trong top đầu trong vòng 30-40 năm trở lại đây. Số việc làm mới được tạo ra dưới thời ông Obama đạt khoảng 11,2 triệu, chỉ đứng sau Bill Clinton (22,9 triệu) và Ronald Reagan (trên 15 triệu), cao hơn nhiều so với George W. Bush (1,35 triệu) và George H. W. Bush (2,6 triệu).
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ông Obama đạt khoảng 1,8%/năm, thấp hơn Bill Clinton (3,7%) và Bush cha (2%) nhưng tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế Mỹ giai đoạn 2009-2016 của ông Obama lại cao hơn thứ hai, chỉ xếp sau giai đoạn 1993-2.000 của ông Bill Clinton.
Nhìn nhận một cách tổng thể những thành tựu của nền kinh tế Mỹ trong từng giai đoạn cầm quyền của các tổng thống Mỹ từ năm 1980 trở lại đây, thì nhiệm kỳ 8 năm của ông Obama xếp thứ 2, chỉ đứng sau nhiệm kỳ của tổng thống Bill Clinton. Nhưng, không nên quên rằng Bill Clinton không hề phải đối mặt và xử lý hậu quả của một cuộc khủng hoảng kinh tế nào khi nhậm chức tổng thống Mỹ như ông Obama đã phải đối mặt.
Bản thân ông Bill Clinton cũng thừa nhận điều này trong một bài phát biểu tại hội nghị của đảng Dân Chủ vào năm 2012: “Tổng thống Obama phải bắt đầu nhiệm kỳ với một nền kinh tế bất ổn và yếu ớt hơn nhiều so với những gì tôi có khi nhậm chức. Không có bất cứ một đời tổng thống Mỹ nào trước đó, kể cả tôi hay những người tiền nhiệm nào của tôi, có thể hàn gắn những thiệt hại của nền kinh tế chỉ trong vòng 4 năm tốt hơn Obama”.
Ronald Reagan cũng đã phải bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng việc đối mặt với một cuộc suy thoái lớn nhất kể từ sau năm 1945, nhưng vị tổng thống này cũng để xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường chứng khoán vào năm 1987 chỉ 2 năm trước khi rời nhiệm sở vốn là điều mà ông Obama không mắc phải.
Cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 đã chọn Donald Trump chứ không phải Hillary Clinton – người được xem là sẽ tiếp tục những chính sách kinh tế của ông Obama. Không phải là họ phủ nhận những thành tựu kinh tế mà ông Obama đã đạt được, bằng chứng là tỷ lệ ủng hộ rất cao với ông Obama ở thời điểm hiện tại, mà là người dân Mỹ kỳ vọng rằng ông Trump sẽ có thể sửa chữa những mặt trái và những hạn chế trong nền kinh tế Mỹ mà ông Obama đã không làm được, đó là: khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng lên, việc làm trong các ngành sản xuất công nghiệp ngày càng ít,… Điều đó cũng trùng khớp với ý định và câu khẩu hiệu tranh cử của ông Trump – “Make America Great Again”.
Nhưng, để có thể vượt qua những thành tựu kinh tế lớn mà ông Obama đạt được trong 8 năm qua, có lẽ là một việc không hề dễ chút nào.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF, The Saigon Times)