Đề xuất cắt giảm ngân sách cho các chương trình hỗ trợ Liên Hiệp Quốc của Donald Trump là một phần trong chính sách “America First” trong đó dành nhiều nguồn lực hơn cho người dân Mỹ. Nhưng đứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người ở châu Phi hiện nay, liệu nó có được điều chỉnh?

Donald Trump có thay đổi chính sách 'nước Mỹ trên hết'

Nhàn Đàm | 31/03/2017, 11:45

Đề xuất cắt giảm ngân sách cho các chương trình hỗ trợ Liên Hiệp Quốc của Donald Trump là một phần trong chính sách “America First” trong đó dành nhiều nguồn lực hơn cho người dân Mỹ. Nhưng đứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người ở châu Phi hiện nay, liệu nó có được điều chỉnh?

Cuộc khủng hoảng nhân đạo được đánh giá là lớn nhất thế giới trong vòng 70 năm trở lại đây đã chính thức được 3 quốc gia châu Phi là Nigeria, Somalia và Nam Sudan tuyên bố khi cả 3 nước này đang đứng trên bờ vực của một nạn đói lớn nhất trong lịch sử, khi theo ước tính sẽ có khoảng 16 triệu người phải đối mặt với nguy cơ tử vong chỉ trong vòng vài tháng tới nếu như không có các biện pháp cứu nguy khẩn cấp từ phía cộng đồng quốc tế.

Điều đáng nói nhất ở đây là cuộc khủng hoảng này diễn ra ngay tại thời điểm đề xuất ngân sách của Tổng thống Donald Trump đang đe dọa sẽ chấm dứt vai trò là quốc gia tài trợ cho quỹ hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất thế giới của Mỹ đã tồn tại suốt nhiều năm qua. Đề xuất cắt giảm ngân sách cho các chương trình hỗ trợ Liên Hiệp Quốc của Donald Trump là một phần trong chính sách “America First” trong đó dành nhiều nguồn lực hơn cho người dân Mỹ, nhưng đứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người, liệu nó có được điều chỉnh?

Các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết, nạn đói đã chính thức được tuyên bố ở 2 quận của Nam Sudan và khoảng 1 triệu người đang đứng trên bờ vực tử vong do thiếu lương thực. Somalia cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán gây ra và sẽ có khoảng 2,9 triệu người dân nước này đối mặt với nạn đói thảm khốc nhất. Trong khi đó, ở Đông Bắc Nigeria, tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng đang lan rộng hơn bao giờ hết ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi bạo lực từ những thành phần cực đoan Boko Haram.

Stephen O’Brien, trưởng nhóm nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an sau chuyến đi tới Somalia và Nam Sudan trong tháng này: “Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi thành lập Liên Hiệp Quốc”. Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, sẽ cần có ít nhất khoảng 4,4 tỉ USD vào cuối tháng 3 để ngăn chặn thảm họa tại các nước bao gồm Nigeria, Somalia, Nam Sudan và cả Yemen. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại Liên Hiệp Quốc mới chuẩn bị được khoảng 10% số tiền cần thiết nói trên mà thôi.

Khó khăn càng trở nên chồng chất hơn sau khi bản đề xuất ngân sách mà tổng thống Donald Trump trình lên Quốc hội vào đầu tháng 3 vừa qua, trong đó có việc cắt giảm các nguồn tài trợ cho các chương trình của Liên Hiệp Quốc bao gồm một số kế hoạch viện trợ nhân đạo trên thế giới. Giám đốc ngân sách của Tổng thống Trump là ông Mick Mulvaney cho biết, bản đề xuất ngân sách mới của Nhà Trắng sẽ tập trung theo hướng chi tiêu ít hơn cho người nước ngoài và dành nhiều tiền hơn cho người dân trong nước.

Theo truyền thống, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho các chương trình của Liên Hiệp Quốc, số tiền mà Mỹ dành cho các chương trình viện trợ nước ngoài cũng tập trung hầu hết ở châu Phi hơn bất cứ châu lục nào khác trên thế giới. Vào năm 2016, Mỹ đã tài trợ khoảng hơn 2 tỉ USD cho chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, chiếm khoảng ¼ tổng ngân sách tài trợ. Các khoản tài trợ này theo các quan chức Mỹ cho biết sẽ dự kiến giảm trong năm nay do đề xuất ngân sách của Tổng thống Trump.

Steven Feldstein, nguyên phó trợ lý Ngoại trưởng của chính quyền Tổng thống Obama, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy trước đây sự đe dọa hiện nay đối với sự đồng thuận của cả 2 đảng về sự cần thiết của các chương trình hỗ trợ lương thực và trợ giúp nhân đạo”. Trong một bài trả lời phỏng vấn khác, Mitch McConnell, người đứng đầu nhóm nghị sĩ chiếm đa số, cũng bác bỏ những đề xuất cắt giảm viện trợ nước ngoài của Tổng thống Trump: “Vai trò của Mỹ trên thế giới quan trọng và trải rộng hơn rất nhiều chứ không chỉ gói gọn xung quanh Bộ Quốc Phòng. Ngoại giao rất quan trọng, vô cùng quan trọng, và tôi không nghĩ rằng những đề xuất cắt giảm này với Bộ Ngoại giao là một điều thích hợp bởi vì ngoại giao luôn hiệu quả hơn và chắc chắn là rẻ hơn các cam kết quân sự”.

Ông J.Peter Pham, người đứng đầu trung tâm châu Phi tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, cuộc khủng hoảng lương thực tại Nigeria, Somalia và Nam Sudan hiện nay đang gây chấn động hơn bao giờ hết vì chúng chủ yếu đến từ các tác động của con người dù một phần là do biến đổi khí hậu. Nam Sudan đã bị chìm trong cuộc nội chiến từ cuối năm 2013, nó đã giết chết hàng chục ngàn người và ngăn cản việc trồng trọt lương thực rộng rãi. Ở Nigeria và Somalia, các nhóm cực đoan Boko Haram và al-Shabab tỏ ra không dễ bị đánh bại, và cả hai nhóm này hiện vẫn đang duy trì quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ khiến cho những nỗ lực viện trợ lương thực trở nên rất khó khăn.

Trong bối cảnh đó, nếu đề xuất cắt giảm viện trợ nước ngoài của Donald Trump được thông qua, thì gánh nặng chi phí tài chính để giải cứu các cuộc khủng hoảng sẽ chuyển sang các nhà tài trợ khác, ví dụ như Anh. Nhưng chắc chắn rằng chỉ có Mỹ mới có thể đủ khả năng đứng ra kêu gọi sự hỗ trợ từ khắp nơi trên toàn cầu. Bà Nancy Lindborg, chủ tịch Học viện Hòa bình Mỹ, cho biết: “Nếu không có sự đóng góp đáng kể từ phía chính phủ Mỹ, sẽ rất khó có thể thúc đẩy sự đóng góp của các nhà tài trợ khác và đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo”.

Cuộc khủng hoảng lương thực tại 3 nước châu Phi theo dự báo thậm chí sẽ lan rộng sang các nước láng giềng trong khu vực. Các nhân viên Liên Hiệp Quốc cho biết, vào ngày thứ Năm 23.3 vừa qua, đã có khoảng 570.000 người Nam Sudan tràn sang Uganda tị nạn để trốn khỏi nạn đói. Đã xuất hiện những cảnh báo về tình trạng người tị nạn sẽ tìm cách chạy sang châu Âu nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết.

Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi, cho biết: “Sẽ có khoảng 19 quốc gia ở châu Phi phải đối mặt với vấn đề căng thẳng về lương thực, và 3 quốc gia đang rơi vào tình trạng đói kém”. Người tị nạn tại các nước đang đối mặt với nạn đói có thể gây ra những bất ổn và xung đột nghiêm trọng khi tìm cách di chuyển sang các nước láng giềng.

Tương lai của 3 quốc gia đang phải đối mặt với nạn đói nói riêng và châu Phi nói chung sẽ phụ thuộc vào việc cộng đồng quốc tế phản ứng như thế nào. Ông Alex De Waal, giám đốc điều hành của Qũy Hòa bình Thế giới, tổng kết tình hình hiện nay: “Nạn đói hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu chúng ta muốn”.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Donald Trump có thay đổi chính sách 'nước Mỹ trên hết'