"Điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là phải tạo ra một lộ trình tri thức. Các bạn trẻ phải đóng gói tri thức từ nhà trường, từ xã hội, để khi bước ra làm startup sẽ thực sự vững vàng".
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược của Tập đoàn VNPT trong buổi nói chuyện cùng với cộng đồng startup xoay quanh “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho các startup” vào chiều 5.8 tại Hà Nội.
Cần tư duy đột phá, cách dạy đột phá
Nhiều chuyên gia nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội công bằng cho tất cả cộng đồng, ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể đón được làn sóng nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng đón nhận các cơ hội.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, để Việt Nam có thể dẫn dắt trong thời đại công nghiệp 4.0, điều quan trọng là sự thay đổi tư duy của chính người Việt, của từng bạn trẻ, từng startup. Bởi điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là phải tạo ra một lộ trình tri thức. Các bạn trẻ phải đóng gói tri thức từ nhà trường, từ xã hội, để khi bước ra làm startup sẽ thực sự vững vàng.“Công cụ trong thời đại thông tin không quan trọng bằng chính chúng ta phải thay đổi tư duy, tận dụng cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin để mở ra tương lai cho khởi nghiệp”, ông Hòa khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược của Tập đoàn VNPT - Ảnh: VnMeida
Từng có thời gian làm việc lâu năm tại Tập đoàn công nghiệp đa quốc gia Schneider Electric, Giám đốc chiến lược cho FPT và sau đó là VNPT, ông Hòa phân tích: “Các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đang có những cơ hội rất lớn khi tiếp cận trên toàn cầu về một nền công nghiệp thông minh. Trong vòng 10 năm tới, đó là một kỷ nguyên bùng nổ của startup với điều kiện chúng ta phải định vị lại startup, phải có hướng phát triển startup một cách bài bản”.
Về phía Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, thầy Ngô Hồng Sơn - giảng viên nhà trường cho biết hiện nay nhà trường đang thay đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận nhiều hơn với doanh nghiệp. Hiện nay, Trường đại học Bách Khoa đã có các dự án hợp tác với Tập đoàn VNPT để đào tào theo chương trình doanh nghiệp cần và thực hiện các dự án nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp và các sinh viên năm thứ 5 sẽ tham gia các dự án của doanh nghiệp. Về đào tạo sau đại học, nhà trường hướng tới đào tạo những người có khả năng nghiên cứu phát triển, đây là nguồn nhân lực tiềm năng cho các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của doanh nghiệp.
Cần những sản phẩm dịch vụ chạy trên hạ tầng Internet
Theo các số liệu dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỉ người và 20 tỉ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỉ USD doanh thu với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đạt tới 5,05 tỉ USD vào năm 2020 và máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy.
Trước những con số dự báo này, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa khẳng định: “Hiện các công ty viễn thông của Việt Nam đang xây dựng rất tốt nền tảng hạ tầng Internet. Cái mà chúng ta cần là những sản phẩm dịch vụ chạy trên hạ tầng này để phục vụ cộng đồng. Còn toàn bộ trách nhiệm đem những giải pháp mới nhất nằm trên vai các startup. Đây là cơ hội cho những bạn sinh viên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người rất nhanh nhạy trong việc thay đổi các mô hình kinh doanh, họ sẵn sàng kết nối với toàn cầu để đem các giải pháp công nghệ vào Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó TGĐ VNPT-Media (phải) cùng Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Hà Nội - Ảnh: BTC
Theo ông Hòa, startup trong thời điểm này khó hơn cả quản trị doanh nghiệp vì mỗi một lứa tuổi, startup lại có một cách nhìn khác nhau, những suy nghĩ khác nhau về kết nối, mobile, về không dây... Những giải pháp thông minh của toàn cầu đi vào Việt Nam sẽ nhanh nhất thông qua con đường của các startup.
Về phía VNPT, ông Nguyễn Văn Tấn - Phó TGĐ VNPT-Media mong muốn và sẵn sàng gặp những startup, những người có ý tưởng để cùng trao đổi và hợp tác bởi VNPT đã có những nguồn vốn có thể đầu tư cho các dự án, hợp tác phát triển với các ý tưởng khả thi.
“Lãnh đạo VNPT đã nhận thức được rằng cần phải thành lập rất nhanh một trung tâm R&D với những yêu cầu, nguyên tắc rõ ràng, công khai để tất cả những startup có ý tưởng, đáp ứng được những yêu cầu có thể đến và kết nối. Khi đó, những sản phẩm mới hoàn toàn có thể triển khai ngay trên hệ thống của VNPT”, lãnh đạo VNPT nói.
Thu Anh