Theo dự báo mới nhất của Boeing, đội bay thương mại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gần 4 lần, đạt hơn 4.000 chiếc vào năm 2042, giúp khu vực này trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lưu lượng hàng không và quy mô đội bay lớn nhất thế giới.

Đông Nam Á sẽ là thị trường phát triển máy bay thân hẹp nhanh nhất thế giới

Nguyễn Hằng | 10/11/2023, 20:40

Theo dự báo mới nhất của Boeing, đội bay thương mại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gần 4 lần, đạt hơn 4.000 chiếc vào năm 2042, giúp khu vực này trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lưu lượng hàng không và quy mô đội bay lớn nhất thế giới.

Theo nhận định của Công ty hàng không vũ trụ Mỹ, các hãng hàng không giá rẻ trở thành mô hình kinh doanh thống lĩnh thị trường và ngày càng mở rộng mạng lưới trên toàn khu vực. Dự báo Đông Nam Á sẽ trở thành thị trường phát triển máy bay thân hẹp nhanh nhất thế giới trong 20 năm tới.

Các dự báo này được đề cập trong dự báo Thị trường Thương mại (Commercial Market Outlook - CMO) của Boeing năm 2023. Đây là công tác dự báo dài hạn hàng năm của tập đoàn để dự đoán nhu cầu máy bay thương mại và các dịch vụ liên quan.

boeing.jpg
Boeing đang tăng cường sự hiện diện tại thị trường Đông Nam Á - Ảnh: TTXVN 

Theo dự báo, các hãng hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á sẽ có thêm hơn 2.000 chiếc máy bay một lối đi trong vòng 20 năm tới, chiếm gần 2/3 trên tổng 3.390 đơn hàng máy bay một lối đi dự kiến sẽ giao trong khu vực. Vào năm 2042, hàng không giá rẻ sẽ vận chuyển 56% lượng khách, so với 22% trong năm 2012.

Dự báo Thị trường thương mại Đông Nam Á năm 2023 cũng sẽ bao gồm một số dự đoán thị trường trước năm 2042: 83% số lượng đơn hàng bàn giao cho khu vực sẽ giúp mở rộng quy mô đội bay, và 17% đơn hàng còn lại sẽ thay thế máy bay đời cũ bằng những loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Số lượng máy bay thân rộng dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần, với nhu cầu gần 800 chiếc, bao gồm máy bay chở khách như Boeing 787 Dreamliner, 777X và các loại máy bay chở hàng.

Việc tăng trưởng đội bay sẽ thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ hàng không, trị giá đến 310 tỉ USD, bao gồm bảo dưỡng, sửa chữa, huấn luyện và thay thế phụ tùng.

"Thị trường Đông Nam Á mở cửa trở lại sẽ khiến lưu lượng hàng không tăng trưởng một cách đáng kể", ông Dave Schulte, Tổng giám đốc Tiếp thị Mảng Thương mại Boeing khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định và cho biết việc "mở rộng kết nối, du lịch và vé máy bay giá rẻ sẽ tiếp tục giúp tăng trưởng du lịch, nhất là trong giới trung lưu ngày càng đông đảo trong khu vực. Vai trò của hàng không giá rẻ vẫn sẽ tiếp tục được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch hàng không của người dân".

Quan hệ đối tác lâu dài của Boeing với Đông Nam Á đã có từ rất lâu, vào những năm 1940. Và thời gian gần đây, Công ty hàng không vũ trụ Mỹ tiếp tục đầu tư và tăng cường sự hiện diện tại thị trường này. Vào năm 2021, Boeing đã mở loạt văn phòng đại diện tại Việt Nam và Indonesia.

Gần đây nhất, Boeing và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines công bố một thương vụ lớn, trong đó Vietnam Airlines mua 50 chiếc Boeing 737-8 phục vụ cho chiến lược tăng trưởng đội máy bay thân hẹp của hãng. Thương vụ này được công bố vào ngày 11.9, với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam, cùng các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, tập đoàn sản xuất máy bay Mỹ thông báo sẽ phối hợp với tổ chức Hội thảo về vật liệu sinh học bền vững (RSB) thực hiện một nghiên cứu nhằm mở rộng quy mô sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) tại Đông Nam Á.

Theo Boeing, SAF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giúp ngành hàng không thương mại đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nếu sử dụng SAF thì lượng phát thải carbon sẽ giảm 80% so với sử dụng xăng nhiên liệu.

Trong một dự báo thị trường mới nhất của Airbus, trong hai thập kỷ tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 17.580 máy bay mới (bao gồm máy bay chở khách và máy bay vận tải hàng hóa), chiếm 44,5% nhu cầu toàn cầu. Với sự gia tăng mạnh mẽ về lưu lượng hành khách và vận tải hàng hóa, Việt Nam cũng đang trở thành một thị trường hàng không quan trọng, phát triển song song với xu hướng tăng trưởng trong khu vực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông Nam Á sẽ là thị trường phát triển máy bay thân hẹp nhanh nhất thế giới