Việc định hướng đúng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm gần đây đã giúp ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp vượt qua khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng.
Gần 30 tỉ đồng đầu tư dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến
Dự án cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến được triển khai thực hiện từ năm 2017 tại HTX Mỹ Đông 2 với diện tích 170 héc ta. Tổng mức đầu tư dự án gần 30 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất. Đây là cánh đồng mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong sản xuất.
Dự án áp dụng thiết bị cấy máy, bón vùi phân, áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ trong quản lý nước; sử dụng thiết bị giám sát sâu rầy thông minh, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Đồng thời sử dụng cơ giới trong thu hoạch lúa và gom rơm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR code.
Việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất khoảng 400 đồng/kg lúa, lợi nhuận thu được cao hơn gần 10 triệu đồng/héc ta so với quy trình sản xuất truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định qua 3 năm triển khai thực hiện dự án đạt được những kết quả khả quan. Bên cạnh việc giúp bà con nông dân tăng thu nhập, giảm 40-50% phát thải khí nhà kính, dự án còn bảo vệ tốt sức khỏe của bà con nông dân khi các khâu sản xuất đều được cơ giới hóa, đưa bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển.
Đạt 290.000 tỉ đồng tổng giá trị kinh tế
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 3 khu công nghiệp Sa Đéc - Trần Quốc Toản - Sông Hậu đã hoạt động với tổng diện tích 250 héc ta, có 60 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.810 tỉ đồng, tỉ lệ lấp đầy khoảng 98%. 12 cụm công nghiệp đã hoạt động với tổng diện tích 405 héc ta, có 60 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 14.000 tỉ đồng, tỉ lệ lấp đầy khoảng 76%.
Song song đó, tỉnh đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Tân Lập (50 héc ta); đang xây dựng phương án đền bù và giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp An Hòa (43 héc ta); đang san lấp mặt bằng khu công nghiệp Tân Kiều (150 héc ta) nhằm tạo thêm quỹ đất công nghiệp cho kêu gọi đầu tư.
Đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng về kinh tế của tỉnh trong những năm qua. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 290.000 tỉ đồng, thu hút khoảng 30.000 lao động. Năm 2020, mặc dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng tổng giá trị sản xuất công nghiệp dự kiến khoảng 66.957 tỉ đồng.
GRDP mức cao nhất ĐBSCL
Tăng trưởng GRDP ước đạt 3,41%, tuy tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2019 (6,54%) nhưng là mức cao nhất ĐBSCL. Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 2,39%; ngành lâm nghiệp tăng 2,79%; ngành thủy sản tăng 1,15%, do nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước tăng và nhu cầu chế biến của doanh nghiệp chế biến vẫn tăng nhẹ.
Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,51% so với cùng kỳ, vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm giảm 13,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31.5, có 205 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9 doanh nghiệp và tổng vốn điều lệ giảm 762.340 triệu đồng so với 5 tháng đầu năm 2019. Riêng khu vực dịch vụ chỉ tăng 0,65%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,45% của 6 tháng đầu năm 2019.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 622,811 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, đã có 14.908 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 724 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh (PAR Index) tiếp tục xếp vị trí thứ 3 cả nước; Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần đầu vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, TP trong cả nước.
Chờ sức bật mới
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (ĐHĐB) tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định mục tiêu hướng mạnh về nông nghiệp, phát triển kinh tế bền vững, thực sự là thế mạnh của tỉnh. Việc định hướng đúng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm gần đây đã phát huy vai trò, giúp ngành nông nghiệp của tỉnh vượt qua khó khăn, làm bệ đỡ và giúp giảm sốc cho nền kinh tế để duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Sáng 18.10, ĐHĐB tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Có 350 đại biểu tham dự đại hội gồm 51 đại biểu đương nhiên và 299 đại biểu được bầu từ 16 Đảng bộ trực thuộc đại diện hơn 60.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tham dự.
Nhiệm kỳ qua Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã phát huy thành quả các nhiệm kỳ trước, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp có bước phát triển khá toàn diện, xã hội ổn định, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, thay đổi cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 6,44%. Ước tính đến cuối năm 2020 giá trị GRDP ước đạt hơn 87.300 tỉ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.292 USD) - tăng 1,55 lần so với đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng qua các năm. Đến cuối năm 2020, ước đạt trên 8.000 tỉ đồng, tăng bình quân 9,24%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020 tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,93% (năm 2015 là 17,4%); thương mại - dịch vụ chiếm 45,53% (năm 2015 là 42,7%), nông - lâm - thủy sản chiếm 34,54% (năm 2015 là 39,9%).
Với phương châm đại hội là "Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - hành động - phát triển", ĐHĐB tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI xác định 3 khâu đột phá là: đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.