Khác với tập tục mê tín đốt giấy tiền vàng mã hoàn toàn không phải của đạo Phật, việc đốt nhang vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng vừa có ý nghĩa triết học của Phật giáo.
Tháng Chạp đi tảo mộ, cúng đưa ông Táo về trời, cúng giao thừa, cúng gia tiên, đầu năm đi lễ chùa, ra Giêng là mùa lễ hội…
Có thể nói từ trung tuần tháng Chạp trở đi cho đến hết tháng Giêng là tháng sinh hoạt tâm linh của người Việt. Một trong những nét văn hoá không thể thiếu của nhiều lễ hội tâm linh ở nước ta là việc đốt nhang. Người đi lễ thông qua hương thơm làn khói nhang gửi tâm nguyện của mình lên thần phật, tổ tiên cầu cho gia đạo một năm mới bình an sức khỏe, đất nước được mưa thuận gió hòa. Cũng có người quyết ý một “dự án” tinh thần, một kế hoạch hành động cho năm mới cầu được ơn trên chứng nhận độ trì…
Vậy đốt loại nhang gì để lời cầu nguyện được gửi lên “đúng địa chỉ”, để được Phật tổ, thánh thần ban phước?
Khác với tập tục mê tín đốt giấy tiền vàng mã hoàn toàn không phải của đạo Phật, việc đốt nhang vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng vừa có ý nghĩa triết học của Phật giáo. Theo đó, ở phương diện phổ thông thì khi quỳ dưới bàn thờ Phật hai tay dâng ba cây nhang khấn rằng: xin gửi lòng thành kính này bay theo làn khói hương dâng lên đức Phật, nguyện sống đời sống lương thiện, tránh dữ làm lành, chuyên cần tu học để sớm hiểu rõ bản tánh cõi nhân sinh là “duyên sinh”, “vô thường”, “vô ngã”… theo lời Phật dạy. Ba cây nhang là biểu trưng dâng lên Ba Ngôi Quý (Tam Bảo).
Cấp độ cao hơn thì đốt năm loại nhang (ngũ phần hương) lên cúng Phật: hương thanh tịnh của việc giữ giới (giới hương), hương tĩnh tâm do tu tập thiền định (định hương), hương trí tuệ sáng suốt (tuệ hương), hương tự tại vô ngại (giải thoát hương) và hương vượt thoát định kiến khen chê (giải thoát tri kiến hương).
Trong điển tích Phật giáo có một dị bản về câu chuyện La Hầu La, con của Thái tử Tất Đạt Đa (tên tục của Phật Thích Ca) và công chúa Da Du Đà La nói về sự linh nghiệm của việc cầu nguyện. Chuyện kể là Thái tử Tất Đạt Đa đi tu sáu năm sau thì nàng Da Du mới sinh La Hầu La. Điều này làm vua Tịnh Phạn nổi giận nên ông đã lập ra một “hội đồng” truy hỏi về lai lịch của đứa bé.
Khi ấy Da Du Đà La đốt cây nhang làm từ gỗ Chiên Đàn cắm vào cái lư rồi thưa trước hội đồng rằng: Nếu cha của đứa bé đúng là Tất Đạt Đa thì khi nàng ôm con nhảy vào hầm lửa hai mẹ con vẫn được an toàn. Nói xong nàng ôm La Hầu La nhảy xuống thì hầm lửa hóa thành nơi mát mẻ!
Nhà vua, ai nấy đều cảm động khâm phục lòng trinh nguyên của Công chúa. Nguyên do mang thai sáu năm được giải thích là vì kiếp trước La Hầu La có chơi nghịch lấy đá chặn cái hang chuột 6 ngày mới mở ra nên phải thọ quả báo ở trong bào thai sáu năm!
Bỏ qua yếu tố huyền thoại thì điển tích cho thấy để việc đốt nhang linh nghiệm phải hội đủ 3 điều, là đức hạnh của nàng Da Du, sự thành tâm cao (nhảy vào hầm lửa) và lễ vật trang nghiêm (hương Chiên đàn). Câu chuyện đã được “thi hóa” để nhà chùa đọc lên mỗi khi làm lễ dâng hương cúng Phật: “Chiên đàn hải ngạn / Lư nhiệt danh hương / Da Du tử mẫu lưỡng vô ương / Hỏa nội đắc thanh lương / Chí tâm kim tương / Nhất chú biến thập phương”.
Hiểu ý nghĩa của việc đốt hương giúp ta nhận thức tính chất phương tiện khi tiến hành nghi lễ tâm linh mà đốt nhang cho đúng cách. Thậm chí khi đi lễ đình, chùa mà không đốt nhang cũng không có thần phật nào quở trách, với tấm lòng thành đốt “Tâm hương” lên dâng cúng vẫn được ơn trên chứng giám.
Những chuyển biến việc thực hành lễ hội tâm linh ở nước ta vài năm nay cho thấy, tổ chức hay cá nhân tiến hành lễ hội đúng với ý nghĩa cốt lõi sẽ có tác dụng làm lan tỏa năng lượng tích cực như giáo dục văn hóa truyền thống, khuyến khích con người về đời sống hướng thượng hướng thiện… Còn ngược lại sẽ làm méo mó giá trị tốt đẹp của lễ hội mà tiền nhân đã dày công xây dựng.
Một biến tướng dễ nhìn thấy là việc đốt nhang. Có người vào chùa thì đốt cả bó nhang gây lửa cháy thành ngọn. Có những người chủ lễ đốt cây nhang rất to và dài cả mét, có loại nhang tẩm nhuộm hóa chất bay mùi nồng nặc, có những cây nhang đúc chữ nổi tô vẽ cầu kỳ. Có nơi cái lư cắm nhang đầy tràn khói bụi tàn tro, vật dễ cháy như chân nhang giấy gói rơi vải… biến nơi chốn trang nghiêm thành ra nhếch nhác.
Có đình, chùa phải cử người đứng canh lư nhang, khi một người vừa quay đi thì nhổ nhang dụi vào thùng nước để dành chỗ trống cho người vào sau cắm và tránh gây hoả nạn… Sau một ngày lễ hội thì những cây nhang vừa đốt chưa đến 1/3 được nhổ ra chất thành đống gây phí phạm, ô nhiễm môi trường…
Đấy có thể là những biểu hiện của lòng tham sân si, thích chơi trội, hối lộ thần linh theo kiểu nhang của tôi nhiều hơn, to hơn “độc” hơn, thơm hơn… Nên nhớ thần phật hay bất kỳ lực lượng siêu nhiên nào đều mang sứ mệnh phò chính diệt tà, phò thiện diệt ác…
Cho nên, dù “thí chủ” là ai, có sở nguyện gì, thì điều cốt tủy của việc cầu nguyện là tâm thành kính và sự trang nghiêm, hơn thế nữa phải sống cuộc đời lương thiện chân chính thì việc đốt nhang mới được linh nghiệm, cảm ứng đạo giao. Còn hành vi ý nghĩ lời nói… trái với đạo đức lương tâm thậm chí vi phạm pháp luật thì cho dù đốt loại nhang khủng chăng nữa cũng không có thần phật nào cứu rỗi!
Kinh Pháp Cú đức Phật dạy “hương của các loài hoa đều bay xuôi chiều gió, chỉ có hương của người đức hạnh thì bay ngược chiều gió và lan toả khắp nơi”! Đầu năm đi lễ đình, chùa nếu chúng ta đốt cây hương đức hạnh lên dâng cúng hẳn sẽ được bình an!
Theo Trúc Nguyễn - Vietnamnet