Dự án cầu Châu Đốc (tỉnh An Giang) có tổng mức đầu tư hơn 534 tỉ đồng, do liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam và Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển hạ tầng 620 thi công.
Tự hào công trình của An Giang
Trưa 1.11, phóng viên Một Thế Giới có mặt trên công trường dự án cầu Châu Đốc (tỉnh An Giang), qua quan sát nhận thấy không khí làm việc của công nhân rất khẩn trương. Máy móc, thiết bị được huy động vận hành rộn rã, công nhân căng lực tập trung vào công việc.
Dưới nắng gay gắt đầu tháng 11, tất bật với công việc, nhưng các công nhân, kỹ sư vẫn thật rạng rỡ. Trên gương mặt từng người không giấu được niềm vui khi “đứa con” của mình dần cứng cáp, hoàn thiện.
Các nhà tư vấn, kỹ sư làm việc tại dự án cho biết trong quá trình thi công, anh em gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do công trình lớn, tổng chiều dài 667m, gồm 13 nhịp. Trong đó, cầu chính dài 260m, cầu dẫn phía Tân Châu 213m, phía Châu Đốc 193m; khổ thông thuyền ngang 75m và đứng 11m.
“Đây là thử thách rất lớn về công nghệ thi công. Lúc đầu, anh em loay hoay, thi công thử rất nhiều lần. Thậm chí có lần không thành công. Phải mất đến nhiều lần thử, chúng tôi mới hoàn thành công nghệ thi công và từ đây áp dụng thi công chính thức”, một kỹ sư cho biết.
Cũng theo các nhà tư vấn, kỹ sư làm việc tại dự án, khi vượt qua thử thách, tập thể đã nỗ lực thi công bất kể ngày đêm, làm việc xuyên các kỳ nghỉ để công trình vượt kế hoạch gần 30% so với dự kiến.
Là một trong những công nhân thi công cầu Châu Đốc, ông Nguyễn Thanh Hải (57 tuổi, ngụ xã Châu Phong, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) nói cầu Châu Đốc sẽ kết nối An Giang với Kiên Giang và Đồng Tháp, góp phần thông tuyến quốc lộ N1, gắn kết các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
“Anh em công nhân trên công trường nói riêng, người dân ở hai bên bờ Châu Đốc và Tân Châu và những vùng giáp ranh đều rất vui và mong muốn cầu Châu Đốc sớm hoàn thành”, ông Hải bộc bạch.
Anh Thái Thanh Thiện (ngụ TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Làm rất nhiều công trình nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia thi công một cây cầu với nhiều ý nghĩa như vậy”.
Công trình cầu Châu Đốc ghi thêm dấu ấn
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết dự án vượt tiến độ so kế hoạch ban đầu.
“Theo tiến độ hợp đồng thi công dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX.Tân Châu đến TP.Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, công trình sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12.2024. Dự án sẽ góp phần thông tuyến quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục hành lang biên giới (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang) và hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng. Đến thời điểm này dự án đã đạt tiến độ 80%, vượt 30% so với kế hoạch đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn của các nhà thầu thi công” ông Du khẳng định.
Cũng theo ông Du, đến nay, phần cầu đã xong kết cấu mố trụ, lao lắp xong 9/10 nhịp dẫn hai bờ, nhịp chính có kết cấu đúc hẫng cân bằng sẽ hợp long trong tháng 12.2023. Trong khi đó, đường dẫn vào cầu đã thi công đến lớp cấp phối đá dăm mặt đường.
Song song đó, dự án được thực hiện 2 phần. Thứ nhất là phần đường dẫn vào cầu được thực hiện theo tiêu chí cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/giờ. Tuyến chính có tổng bề rộng nền đường 12m, trong đó mặt đường xe chạy là 7m (hai làn xe).
Tuyến nối ra đường tỉnh 953 thiết kế đường cấp 4 đồng bằng có vận tốc thiết kế là 60km/giờ, bề rộng nền đường 9m, trong đó mặt đường xe chạy là 7m (hai làn xe).
Hai nhánh nối nút giao đường tỉnh 951 thiết kế đường cấp 5 đồng bằng, vận tốc thiết kế 30km/giờ, bề rộng nền đường 7,5m, trong đó mặt đường xe chạy 5,5m (hai làn xe).
Thứ hai là phần cầu, được xây dựng bê tông cốt thép vĩnh cửu, nối TX.Tân Châu và TP.Châu Đốc. Mặt cắt ngang cầu rộng 14m đảm bảo cho 2 làn xe cơ giới (2 x 3,5m), 2 làn xe hỗn hợp (2 x 3m) và lan can cầu...
“Cầu Châu Đốc khi hoàn thành được xem là một dấu ấn của tỉnh An Giang do cầu được xây dựng với kỹ thuật cao. Việc cầu Châu Đốc có thể hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch cũng là dấu mốc quan trọng tạo nên kết nối giao thông liên hoàn, hoàn chỉnh”, ông Du nhận định.
Tỉnh An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ. Hệ thống giao thông kết nối khu vực, ngoài quốc lộ 1 là tuyến trục chính kết nối các tỉnh ĐBSCL, còn một số tuyến quan trọng như quốc lộ 62 nối từ quốc lộ 1 (Tân An) đến Mộc Hóa; tuyến quốc lộ 30 nối từ quốc lộ 1 qua Cao Lãnh, đến Hồng Ngự, Tân Hồng; quốc lộ 91 nối quốc lộ 1 đi Long Xuyên, Châu Đốc, tạo thành các tuyến đường ngang chính.
Cả khu vực biên giới giáp với Campuchia chưa hình thành các trục giao thông dọc. Do đó, nếu tuyến N1 (trong đó có đoạn tuyến từ TX.Tân Châu đến TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang) hình thành hoàn chỉnh sau khi có cầu Châu Đốc, không những góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch mà còn kết nối các tỉnh ĐBSCL, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển kinh tế các huyện, xã vùng biên giới...
Về du lịch, cầu Châu Đốc góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch bởi nơi đây có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như tràm Chim, dinh Bà, đền Bà Chúa xứ núi Sam, núi Cấm...