Lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại thị trấn cảng Gwadar (Pakistan) sau khi nổ ra phong trào biểu tình, gây khó dễ cho dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đầu tư.

Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Pakistan gặp trở ngại vì biểu tình

Hoàng Vũ | 03/01/2023, 14:43

Lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại thị trấn cảng Gwadar (Pakistan) sau khi nổ ra phong trào biểu tình, gây khó dễ cho dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đầu tư.

Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tuần, khi Haq Do Tehreek (Phong trào Quyền của Gwadar) tổ chức các cuộc biểu tình ngồi gây cản trở hoạt động của cảng do Trung Quốc vận hành tại Gwadar. Thủ lĩnh của phong trào, Maulana Hidayat ur Rehman, thậm chí còn ra tối hậu thư yêu cầu những công dân Trung Quốc làm việc trong khu vực phải rời đi.

grm-announces-to-stage-sit-in-outside-gwadar-international-airport.jpeg
Những người biểu tình ngồi gây cản trở lối đi tại thị trấn cảng Gwadar - Ảnh: Quetta Voice

Theo trang Nikkei Asia, cảnh sát Pakistan hôm 26.12 đã đột kích vào các khu vực có người biểu tình tụ tập. Dịch vụ internet đã bị cắt trong thị trấn cảng Gwada, nơi được coi là trung tâm của Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 50 tỉ USD và là một phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Chính quyền của tỉnh Balochistan phía tây nam, nơi quản lý Gwadar, đã áp đặt Mục 144 của Bộ luật Tố tụng Hình sự - cấm tất cả các loại mít tinh, biểu tình trong 1 tháng. Theo báo cáo mà Nikkei thu thập được, cảnh sát đã bắt giữ hơn 100 người ủng hộ phong trào.

Cơ quan giám sát nhân quyền toàn cầu, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng báo động về các báo cáo liên quan đến các vụ bắt giữ hàng loạt và việc áp dụng luật khẩn cấp ở Gwadar.

“Việc đưa ra lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các hình thức tụ tập công cộng đồng nghĩa với việc trấn áp quyền biểu tình và gửi một thông điệp đáng sợ rằng không có chỗ cho bất đồng chính kiến”, Tổ chức này cho biết trên Twitter.

Được biết, phong trào Quyền Gwadar được thành lập vào tháng 8.2021 để thay mặt người dân địa phương phản đối, bày tỏ sự bất bình về các trạm kiểm soát an ninh, hoạt động đánh bắt cá biển sâu trong khu vực và các hạn chế đối với thương mại biên giới với Iran.

Cuộc biểu tình nổ ra vào cuối tháng 10.2022 gần lối vào chính của cảng do Trung Quốc xây dựng và vận hành. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Pakistan cũng là mục tiêu phản đối của phong trào Quyền Gwadar.

Trong video mới nhất được chia sẻ trên trang Facebook chính thức của mình, thủ lĩnh của phong trào biểu tình, ông Rehman tuyên bố rằng, người dân Gwadar không được hưởng lợi từ Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng hỗn loạn dân sự và căng thẳng chính trị đang diễn ra đã làm hỏng hình ảnh của Gwadar với tư cách là một điểm đến đầu tư hấp dẫn của Pakistan.

Mariyam Suleman, một chuyên gia phát triển tại Canada cho biết, các cuộc biểu tình cùng lệnh giới nghiêm tại thị trấn cảng Gwadar đã khiến CPEC rơi vào tình trạng bất lợi và thu hút nhiều sự chú ý hơn đến mối quan hệ gây tranh cãi giữa người dân địa phương và chính phủ Pakistan.

Bà Suleman cho rằng, chính phủ Pakistan cần tham khảo ý kiến của người dân Gwadar trước khi ký kết thêm các dự án CPEC tại thị trấn cảng. “Thay vì sử dụng các biện pháp cứng rắn bằng vũ lực, chính phủ cần lắng nghe những nhu cầu cơ bản của người dân”, bà nói.

Nhà phân tích Rasheed Baloch (ở Quetta, Pakistan) nói rằng, diễn biến này có khả năng ngăn cản nhiều nhà đầu tư mới tại Gwadar.

"Gwadar vốn đã không thu hút nhiều nhà đầu tư trước khi những cuộc biểu tình nổ ra và sự thất bại trong các biện pháp trấn áp biểu tình sẽ làm giảm thêm triển vọng thu hút đầu tư tại đây”, ông Baloch nhận định.

Bài liên quan
Chuyên gia tự tin Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước đầu tiên lấy mẫu từ sao Hỏa về Trái đất
Wu Weiren, nhà thiết kế chính của Chinese Lunar Exploration Programme (Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc), dự đoán nước này có thể đánh bại Mỹ trong cuộc đua đưa đá từ sao Hỏa về Trái đất. Đây là gợi ý đầu tiên như vậy từ các cơ quan vũ trụ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Pakistan gặp trở ngại vì biểu tình